Sáng 01/10, tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan tổ chức hội thảo về triển khai Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2016- 2018 (IPP2).

Đổi mới sáng tạo và triển vọng của những 'doanh nghiệp triệu đô'

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong hoạt động đổi mới sáng tạo những năm qua

Mục đích của hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề trọng tâm mang tính chiến lược, định hướng kế hoạch hoạt động của Chương trình IPP2 trong các năm 2016, 2017. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại hội thảo, Ban quản lý Dự án sẽ tiếp thu, điều chỉnh kế hoạch cụ thể triển khai Chương trình trong những năm tới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình IPP2 và ông Marko Saarinen, Tham tán, Đại sứ quán Phần Lan đồng Trưởng ban chỉ đạo IPP2 đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Với mục tiêu tổng thể là góp phần vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, công nghiệp hóa vào năm 2020 và có hệ thống đổi mới sáng tạo hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, Chương trình cũng hỗ trợ Chiến lược phát triển KHCN Quốc gia, trong đó lồng ghép khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế- xã hội đất mước.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, mục tiêu của IPP2 là nhân tố kết nối và xúc tác linh hoạt giữa các đối tác, sáng kiến và nguồn tài trợ; là nền tảng mang lại giá trị gia tăng quốc tế, kết nối những chuỗi giá trị toàn cầu và thử nghiệm các phương pháp tiếp cận và biện pháp mới. IPP2 là công cụ để Bộ KH&CN và các vùng miền xây dựng các công cụ và biện pháp cho Chương trình đổi mới sáng tạo cấp quốc gia và vùng miền.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, quy mô và trọng tâm của Chương trình IPP2 đã được xác định. Để có thể hỗ trợ hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2020 của Việt Nam, IPP2 sẽ hướng tới mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt nam thông qua gia tăng sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm và dich vụ đổi mới sáng tạo.

Đánh giá về những thành công trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới mới đây đã công bố về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2015, theo đó, Việt Nam từ vị trí 71 năm 2014 đã vươn lên xếp thứ 52 trong bảng xếp hạng GII năm nay và xếp thứ 9 trong nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Đổi mới sáng tạo và triển vọng của những 'doanh nghiệp triệu đô'

Hội thảo triển khai Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2016- 2018 (IPP2)

Chương trình Đổi Mới Sáng tạo - Innovation Partnership Program (IPP) của Chính Phủ Phần Lan ký kết với Chính phủ Việt Nam là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hóa được những dự án tạo ra những giá trị đổi mới, sáng tạo cho chính những doanh nghiệp và cá nhân thực sự muốn trở thành “doanh nghiệp triệu đô” về sản phẩm, dịch vụ đi đầu của mình.

Chương trình tập trung hỗ trợ các dự án về sản phẩm mới của công ty mới thành lập; các doanh nghiệp đang có ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ mới, có tính sáng tạo (hiện chưa có trên thị trường) và có tiềm năng tăng trưởng nhanh trên thị trường quốc tế, các nhóm khởi nghiệp (start-ups) và các liên danh hợp tác tạo nên các dịch vụ, hệ thống phát triển tốt hơn để hỗ trợ cho các công ty mới thành lập hoặc có ý tưởng đổi mới sáng tạo thực hiện các ý tưởng mới.

Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy xu thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường "đại dương đỏ" ngày càng gay gắt khi Việt Nam sẽ trở thành sân chơi bình đẳng của doanh nghiệp Quốc tế trên mọi phương diện trong năm 2015 và đặc biệt cột mốc 2018 của tiến trình hội nhập WTO?

Chìa khóa mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng chính là các doanh nghiệp phải tạo ra "đại dương xanh" dồi dào cho chính mình bằng cách tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới có tiềm năng thâm nhập thị trường quốc tế; hoặc sáng tạo ra hệ thống phát triển mới thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - với tư duy đột phá sẽ là cơ hội tạo dựng năng lực cạnh tranh của tổ chức và doanh nghiệp.

Với tổng giá trị lên tới 11 triệu USD, gói hỗ trợ của Chương trình – IPP giai đoạn hai bao gồm: Các khoản tài trợ hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo trong giai đoạn đầu phát triển ý tưởng đổi mới - sáng tạo; Kết nối với những nguồn tài trợ lớn hơn để tiếp tục triển khai dự án trong dài hạn; 6 tháng đào tạo về đổi mới sáng tạo, start-up cũng như phát triển kinh doanh để nâng cao năng lực đội ngũ; Phiếu đổi mới sáng tạo dùng để chi trả cho các dịch vụ tư vấn cả trong nước và quốc tế giúp bạn luôn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án; Cổng kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm phát triển kinh doanh và đổi mới sáng tạo, đưa các sản phẩm và dịch vụ của bạn đến thị trường quốc tế.

Thông qua chương trình IPP, Chính phủ Phần Lan kỳ vọng tạo ra điển hình, hình mẫu cho việc đầu tư thành công vào doanh nghiệp mới có ý tưởng đổi mới sáng tạo, từ đó thu hút các tập đoàn, công ty tư nhân lớn có thể cùng hỗ trợ vào doanh nghiệp mới với sản phẩm, dịch vụ mới.