“Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh hướng tới hoạt động mua bán, sáp nhập trở thành công ty đại chúng” – đó là một trong số những nhiệm vụ mà Đề án 844 – Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố. Rõ ràng, đưa startup hướng đến thị trường vốn đại chúng đang là một định hướng chung của thế giới.
Ngày 10 tháng 5 vừa qua, có lẽ là một ngày vui đối với các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon, khi họ sắp có một sàn giao dịch ngay tại đây. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã phê duyệt mở thêm một sàn giao dịch quốc gia, Sàn giao dịch chứng khoán dài hạn (the Long-term Stock Exchange) LTSE, hay sẽ còn được biết với tên gọi là Sàn giao dịch chứng khoán Silicon Valley (Silicon Valley Stock Exchange). LTSE dự kiến sẽ bắt đầu nhận danh sách công ty và giao dịch vào cuối năm 2019.
Chuyện ở silicon valley
Đây sẽ là sàn giao dịch đầu tiên tại bang California kể từ dấu vết cuối cùng của Sở giao dịch chứng khoán Thái Bình Dương tại San Francisco, một trong những sàn giao dịch trọng điểm của Mỹ, được sáp nhập vào Sàn giao dịch New York (NYSE) vào năm 2006.
Đằng sau LTSE là những tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon, bao gồm nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, người đã nổi tiếng vào những năm 1990 với tư cách là đồng phát triển của Netspace Navigator, trình duyệt web thống trị internet trong những ngày đầu. CEO của sàn giao dịch Silicon Valley là Eric Ries, cũng nhà một nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nhân và là tác giả của cuốn sách ‘Khởi nghiệp tinh gọn’, một cuốn sách mà ông ủng hộ cho việc tạo ra một sàn giao dịch như LTSE.
Andreesen, Rise và những nhân vật lớn của ngành công nghệ có chung lo lắng rằng việc tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn sẽ thống trị thị trường chứng khoán đại chúng, và làm giảm sự đổi mới sáng tạo. Trong khi, theo một nghiên cứu vào năm 2017 của Viện Chính sách công ‘Third Way’ đã phát hiện, áp lực phải ước tính lợi nhuận ngắn hạn trung bình dẫn đến giảm 40% bằng sáng chế.
“Các công ty hoạt động với tư duy dài hạn có xu hướng vượt trội hơn các công ty cùng ngành theo thời gian. Tuy nhiên việc lên sàn có thể gây áp lực vào tư duy ngắn hạn, ngay cả với những người sáng lập có tầm nhìn.”, website của LTSE nêu rõ.
Đó là một trong những lý do chính để họ tạo nên sàn giao dịch LTSE. Thông cáo báo chí của LTSE sau khi được SEC thông qua tuyên bố: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu giúp các công ty xây dựng các doanh nghiệp lâu dài và trao quyền cho các nhà đầu tư tập trung dài hạn bằng cách tạo ra một hệ sinh thái trong đó các doanh nghiệp được xây dựng để tồn tại.” Ries cũng bổ sung, “Tóm gọn lại, chúng tôi đang xây dựng một thị trường, nơi mà các công ty được “thưởng” bởi đã chọn đổi mới, chọn đầu tư vào nhân viên của họ và chọn là một phần trong sự phát triển của tương lai.” Phát ngôn viên của LTSE, Steve Golstein, cho biết sàn giao dịch cũng sẽ làm nổi bật các tiêu chuẩn quản trị như tính bền vững, lương nhân viên và tính đa dạng.
Luật chơi mới
Để phù hợp với sứ mệnh đề ra là thúc đẩy sự tập trung dài hạn giữa nhà đầu tư và công ty, LTSE đã đưa ra một loạt các quy tắc để ràng buộc các công ty niêm yết. Một trong những ràng buộc và cũng là điểm độc đáo và có thể gây nhiều tranh cãi của sàn giao dịch này là việc tập trung vào quyền biểu quyết dài hạn: các cổ đông sẽ có nhiều quyền biểu quyết hơn khi họ sở hữu cổ phiếu lâu hơn. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra quy tắc cấm chế độ trả lương nhân viên điều hành theo hiệu suất ngắn hạn.
Trong bài phỏng vấn với tờ Reuters, Rise cho biết anh muốn các công ty có thể phát hành ra công chúng sớm hơn và vẫn có khả năng tiếp tục thử nghiệm. Theo cách này, nhiều giá trị sẽ được tạo ra hơn trên thị trường chứng khoán, mang lại cho các nhà đầu tư bán lẻ cơ hội kiếm tiền từ các startup tăng trưởng cao.
Tuy có vẻ sẽ mang lại nhiều ích lợi, LTSE vẫn gặp một vài chỉ trích. Một số người sẽ đặt câu hỏi liệu thị trường công có thực sự quá tập trung vào ngắn hạn hay không, cho rằng các nhà đầu tư rất dễ chấp các công ty thua lỗ trong những quý gần. Ngoài ra, hội đồng các nhà đầu tư tổ chức đã lập luận rằng cơ chế bỏ phiếu của LTSE có thể gây tổn hại cho các cổ đông từ việc trao quá nhiều quyền cho người sáng lập. Còn đối với các stakeholders ở thung lũng Silicon, những người sẽ là thị trường mục tiêu cho sàn giao dịch mới, họ đã sẵn sàng cho ý tưởng của LTSE từ lâu, Goldstein cho biết.
Và tìm kiếm mô hình cho Việt Nam
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, một trong những đơn vị đầu tiên ở châu Á xây dựng thành công sàn chứng khoán mới dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Quá trình trao đổi và tìm kiếm mức độ phù hợp của các mô hình đang được triển khai khá khẩn trương. Và nhiệm vụ mới của Đề án 844 vừa được công bố như một cách tái khẳng định xu hướng này của thị trường Việt Nam.
Ông Marc Djandji – chuyên gia cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt – một trong những người theo đuổi câu chuyện đưa doanh nghiệp khởi nghiệp lên sàn chứng khoán chia sẻ: “Tôi cảm thấy mô hình gọi vốn cộng đồng và nhận về cổ phần của doanh nghiệp khởi nghiệp theo kiểu của Hàn Quốc là tương đối giống với mô hình mà tôi đang trực tiếp tham gia đầu tư để trải nghiệm tại Mỹ. Tôi có thể kể ra rất nhiều những cổng gọi vốn kiểu này, kể cả ở Mỹ và Canada, nó giống như một bước chuẩn bị cho thị trường chứng khoán chính thức. Các bạn có thể đầu tư thử, một vài trăm đô la thôi, và sẽ thấy được nhiều chuyện hay…”.
Ở một góc nhìn khác, ông Bung Trần, người đang xây dựng chương trình Tăng tốc IPO của Saigon Innovation Hub, chia sẻ: “Quá trình làm việc với các startup làm tôi nhận ra những điểm rất hạn chế của các bạn thường xoay quanh vấn đề tài chính và sự minh bạch trong cấu trúc doanh nghiệp. Đưa ra một định hướng đầy đủ sẽ là cách để những startup, dù ở giai đoạn nào, cũng có thể có thêm một hình dung cụ thể về hướng phát triển của mình, nếu muốn lên sàn chứng khoán thì cần những điều kiện gì và nên bắt đầu thì như thế nào. Còn lại, những chuyển động liên quan đến sàn chứng khoán cho khởi nghiệp đang là có thật, và chúng tôi nỗ lực tối đa để có thể thúc đẩy quá trình này”.