Bằng cách nào trường đại học và doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau để thiết kế các khóa học cùng lúc đảm bảo mức độ hài lòng của sinh viên và mức độ sẵn sàng của sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động - các trường đại học công nghệ Úc và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này tại một cuộc tọa đàm diễn ra mới đây.
Đón tín hiệu đào tạo từ doanh nghiệp và khách hàng
GS. Duncan Bentley, Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật Đại học Công nghệ Swinburne (Melbourne, Úc) cho rằng nắm bắt nhu cầu nhân lực đầu vào của doanh nghiệp là hết sức quan trọng bởi ngày nay, một số doanh nghiệp lớn như Cisco, Salesforce, hay Google Digital Academy… có thể đưa ra những ý kiến ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách và chương trình đào tạo của các trường đại học.
Ông cũng giới thiệu một ví dụ thành công của trường mình trong việc tiếp cận doanh nghiệp - mô hình điển cứu Xưởng thiết kế Melbourne, nền tảng cho phép sinh viên học tập dựa trên dự án liên ngành. “Sự liên ngành là điểm mấu chốt,” GS Bentley nhấn mạnh. Các dự án tập hợp nhiều người từ các lĩnh vực khác nhau để đóng góp những góc nhìn đa dạng về cùng một vấn đề. Mỗi dự án phản ánh một xã hội thực tế thu nhỏ với các quy trình hoạt động của chuỗi phát triển sản phẩm từ đầu đến cuối. Ví dụ, dự án in 3D xây nhà ở xã hội sẽ có doanh nghiệp đang có nhu cầu cùng làm việc với các sinh viên, giảng viên thuộc nhiều chuyên ngành. Họ sẽ đóng vai trò khác nhau như kỹ sư, người làm khoa học vật liệu, nhà thiết kế số, nhà thiết kế công nghiệp, người phát triển kinh doanh, nhà tài chính, người làm truyền thông số, cố vấn mentor, doanh nghiệp khởi nghiệp…
“Bằng cách cho phép doanh nghiệp tham gia cùng sinh viên ngay từ giai đoạn là ý tưởng đến khi phát triển sản phẩm mẫu và kiểm thử sản phẩm, mô hình Xưởng thiết kế không chỉ có ý nghĩa với việc học tập mà còn giúp nhà trường duy trì hình ảnh, mối quan hệ với những tổ chức bên ngoài”, GS. Bentley cho biết.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành đang “hot” thuộc công nghiệp 4.0 như AI, Blockchain, robot tự động hóa,… cũng là một hướng để thu hút các đối tác có chung mối quan tâm. Theo GS. Bentley, tại Úc, có tới 70-80% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, và họ không dễ tham gia một cách mạnh mẽ trong các dự án nghiên cứu để tìm ra sản phẩm hoặc công nghệ mới. Với sự thay đổi chóng vánh của khoa học và công nghệ, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng không hình dung nổi tương lai 4-5 năm tới của họ thế nào, “bởi vậy họ phải dựa vào các trường đại học để thực hiện các nghiên cứu và dự báo ngành.” Theo vị đại diện của trường Swinburn, chỉ trong vòng 12 tháng qua, những chương trình thuộc Dự án Công nghệ 4.0 của trường đã nhận được hơn 150 triệu AUD đặt hàng từ các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp.
Mô hình học dựa trên dự án (PLB) cũng không còn xa lạ ở Việt Nam. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cho biết, từ năm ngoái, nhà trường đã bắt đầu triển khai mô hình này, theo đó sinh viên học lý thuyết 2/3 thời gian, thời gian còn lại để làm các dự án do giảng viên giao cho hoặc sinh viên tự lựa chọn, trong đó có khá nhiều nội dung xuất phát từ các bài toán của doanh nghiệp.
Đại học Bách khoa Đà Nẵng còn cho phép doanh nghiệp tham gia thường xuyên trong quá trình đào tạo - từ khâu thiết kế chương trình, tổ chức một số chuyên đề, hướng dẫn thực tập sinh, tham gia vào hội đồng thẩm định, đôi khi cả giảng dạy – với hi vọng chất lượng đầu ra của sinh viên sẽ gần với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hơn, theo PGS Đoàn Quang Vinh.
Sự kết hợp giữa Đại học Bách khoa Đà Nẵng và doanh nghiệp được duy trì khá chặt chẽ còn nhờ một thực tế là hầu hết các kỹ sư ở các doanh nghiệp miền Trung đều là cựu sinh viên của trường. “Cựu sinh viên [làm doanh nghiệp] là một nguồn lực không thể bỏ qua”, ông Vinh nhấn mạnh, bởi họ có động lực để sẵn sàng quay lại hợp tác với trường. Đây cũng là hướng tiếp cận thành công của không ít trường đại học lớn trên thế giới.
Khác với Đại học Công nghệ Swinburne hay Đại học Bách khoa Đà Nẵng là những trường công lập, Đại học FPT thuộc hệ thống một tập đoàn công nghệ lớn trong nước nên mô hình kết nối của trường đi theo một hướng khác.
TS. Hoàng Việt Hà, Phó chủ tịch HĐQT của trường, chia sẻ, tới 80% sinh viên tốt nghiệp ngành ICT từ trường quay lại làm việc cho hệ thống của FPT, do đó sinh viên của trường có một “đầu ra” ổn định và dễ thấy hơn. Có thể nói Đại học FPT là một “đại học doanh nghiệp” với mục tiêu đào tạo chính là đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng đã định hình cụ thể và có sẵn. Họ gọi đó là liên kết ngành (Industry Links).
“Chúng tôi dùng chính những yêu cầu cụ thể từ khách hàng [của Tập đoàn FPT], đặc biệt là những khách hàng quốc tế, để làm đầu bài cho sinh viên giải quyết,” TS. Hoàng Việt Hà chia sẻ. “Khách hàng sẽ là người gửi đi những tín hiệu đào tạo”. Từ yêu cầu của phía đối tác, các sinh viên sẽ được học kết hợp với huấn luyện qua công việc (On-Job Training) và vào phòng Labs làm nghiên cứu thương mại.
Theo mô hình này, ngay từ khi học, sinh viên ngành ICT của Đại học FPT đã nắm được các tiêu chuẩn của một phân khúc thị trường lao động cụ thể, và khi tốt nghiệp “có thể sử dụng được ngay mà ít phải đào tạo lại hoặc chỉ cần đào tạo thêm trong thời gian ngắn,” ông Hà khẳng định.
Trường Đại học FPT cũng thường huy động các nhà điều hành hoặc chuyên gia của một số tập đoàn, công ty về làm giảng viên như một phương thức duy trì kết nối với ngành công nghiệp. Hiện nay, không ít tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam như Vingroup, Phenikaa, Nguyễn Hoàng, TTC,… đang ráo riết mở ra hoặc mua lại các trường đại học. Chưa nói đến mục đích hay hiệu suất việc đầu tư, chỉ nhìn vào hình thức cũng không khó nhận ra rằng các trường đó đã có lợi thế cơ bản về kết nối doanh nghiệp.
Chuyển đổi kỹ năng trong thời gian ngắn
Một trong những động lực chính để doanh nghiệp tìm đến trường đại học là bởi họ không chỉ cần tuyển dụng nhân lực đầu vào mà còn cần đào tạo lại nhân lực. Hằng năm, các doanh nghiệp chi một số tiền không nhỏ cho việc đào tạo lại hoặc bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết cho nhân sự của mình. Hiện nay, trên thế giới, nhu cầu học tập thường xuyên và học tập suốt đời đang ngày một tăng, người lao động tìm đến các khóa học ngắn 3-6 tháng chứ những khóa học cấp bằng kéo dài 3-5 năm như trước; đặc biệt, nhu cầu về học online, tự học, tìm người cố vấn… đang gia tăng. “Nguy cơ sụp đổ mô hình đại học truyền thống – ít nhất là với một số ngành công nghệ như ICT - là không hề nhỏ,” ông Hoàng Việt Hà nhận xét.
Ở Đại học Công nghệ Swinburne, bên cạnh đào tạo bậc Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sĩ, trường còn cung cấp song song khóa giáo dục nghề (vocational education) và đào tạo trình độ chuyên môn (professional qualifications) để học viên nhận chứng chỉ hay chứng nhận (diplomas, certificates). Nhiều ngành học tương tự như ở bậc đại học, tạo điều kiện cho người học lựa chọn học thêm 1-2 năm các môn còn thiếu để có bằng cử nhân khi cần. Đây cũng là cách thức mà phần lớn các trường trong Khu vực Đại học châu Âu (European Higher Education Area – EHEA) như Tây Ban Nha, Pháp, Đức… thường dùng.
Trong khi đó, Việt Nam dường như phó thác toàn bộ việc dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp hoặc cao đẳng nghề… thuộc các bộ, ngành, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội hoặc doanh nghiệp tư nhân. Việc bỏ trống phân mục đào tạo nghề, trong khi có lợi thế về giảng viên, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, khả năng tương tác đa ngành, khiến cho mục tiêu hỗ trợ học tập suốt đời của các trường đại học chưa được hiện thực hóa một cách toàn diện.
Báo cáo Công nghệ và tương lai của các ngành nghề ASEAN do Hãng tư vấn Oxford Economics và Công ty công nghệ Cisco công bố tháng 9/2018 dự báo, dưới áp lực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam sẽ có khoảng 7,5 triệu người mất việc làm hoặc phải thay đổi công việc vào năm 2028, tương ứng với 13,8% lực lượng lao động. Sự chuyển dịch nhân lực khổng lồ này đòi hỏi người lao động cần thích nghi nhanh nhất có thể. Trước viễn cảnh đó, các chương trình chuyển đổi kỹ năng trong thời gian ngắn sẽ cần thiết không kém các chương trình đào tạo trong vài năm.