Thế nhưng, để bước ra từ trang sách đến cuộc đời thật, từ tiếp thu kiến thức đến hình thành năng lực, phẩm chất cho người học, bộ sách này sẽ còn phải trải qua một hành trình dài.
“Để có thể xây dựng tập số tự nhiên, chúng ta thể sử dụng hai loại tiên đề. Một loại là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm một con bò, một con gà, một con mèo thì ra số 1; hai bông hoa, hai cốc nước thì ra số 2. Đồng thời, ta còn có hệ tiên đề Peano với số liền trước và số liền sau.”
Đây chính là một trong những cách tiếp cận mà các giáo viên cấp 1 hiện nay đang áp dụng vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đưa ra dẫn chứng này trong buổi Tọa đàm “Giới thiệu bộ sách giáo khoa ‘Cánh Diều’”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán ‘Cánh Diều’ khẳng định: “Tôi nói câu này với tất cả trách nhiệm của tôi, và tôi sẽ chịu trách nhiệm về câu nói này, rằng chương trình và bộ sách giáo khoa toán hiện hành khó tới mức mà có thể hiểu hết được nó, thì phải là các Giáo sư Toán học có trình độ tương đối tốt.”
Theo ông, chương trình môn toán phổ thông hiện hành cấp tiểu học đang quá tải và rất nặng nề, nhất là khi đối tượng tiếp nhận là những đứa trẻ 6 tuổi, đọc chưa được, viết chưa được, các cô còn phải xúc ăn cho. Một dẫn chứng khác là nguyên tắc học hình học, trẻ lớp 1 trước hết cần được hiểu những biểu tượng cụ thể, sờ mó được, quan sát được, cầm nắm được, rồi mới dần dần tới những khái niệm trừu tượng. Thế nhưng, các em lại phải học ngay “đường thẳng”, một khái niệm toán học rất trừu tượng, “làm sao mà có thể trao cho trẻ con một cái đường thẳng để cầm được!” Cho nên, “môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều trẻ. Các em không thấy niềm vui ở học toán nữa và như thế là chúng ta giết chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng”, ông Thái cho biết.
Cùng với những trăn trở đó, GS Đỗ Đức Thái và PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, thành viên Ban phát triển Chương trình môn Toán mới, và các tác giả khác chắp bút viết nên bộ SGK Toán ‘Cánh Diều”’, với mong muốn có thể thay đổi bức tranh toàn cảnh của giáo dục Toán phổ thông bằng việc giảm tải chương trình một cách hợp lý. Ngoài ra, từng bài học trong SGK Toán lớp 1 được thiết kế để cho người giáo viên có thể tổ chức các hoạt động học tập một cách “sáng sủa”. Các hoạt động được tổ chức theo đúng tiến trình sư phạm, theo đúng năng lực nhận thức của học sinh. Bộ sách này được hoàn thành nhờ kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với nhà trường và sự tận tâm của tập thể tác giả, dù rằng “Đối với cá nhân tôi, một người làm toán, thì cái giá phải trả để tham gia viết sách là rất lớn.” – GS Thái chia sẻ.
Phát triển năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng tự học. Đó không chỉ là mục tiêu của chương trình Toán mới, mà còn là của chương trình tiếng Việt. Có mặt tại buổi ra mắt, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 – trao đổi rõ hơn về những điểm mới của bộ sách Tiếng Việt này: “Chúng ta nên đặt câu hỏi rằng, học xong chương trình này thì học sinh có thể làm được gì. Chúng tôi đã cố gắng để thể hiện trung thành mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Với bộ SGK Tiếng Việt lớp 1, chúng tôi tập trung phát triển các năng lực đặc thù, chủ yếu là năng lực ngôn ngữ, và phát triển cố định những kỹ năng đọc – viết – nói – nghe. Thứ hai là phát triển các năng lực chung, bao gồm năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Và cuối cùng, tất cả các môn đều góp phần phát triển năm phẩm chất chủ yếu của học sinh, bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.”
Nhằm giúp giáo viên có thể thuận lợi hơn trong việc dạy học, từ đó phát triển được những phẩm chất, năng lực đó cho học sinh, SGK mới vẫn kế thừa những đặc điểm của chương trình hiện hành. SGK Tiếng Việt 1 ‘Cánh Diều’ vẫn bao gồm ba phần: Học chữ cái, Học vần và Luyện tập tổng hợp; mỗi bài chỉ học hai chữ cái hoặc hai vần hướng đến việc vừa sức cho học sinh; việc học mỗi chữ, mỗi vần đều bắt đầu từ một từ khóa chỉ những sự vật quen thuộc trong đời sống.
Tuy nhiên, khác với SGK hiện hành, những bài học trong chương trình SGK mới sẽ vận dụng những chữ và vần mà học sinh đã học, đi kèm với những chữ và vần mới để tạo ra các bài đọc, bài viết ý nghĩa, hấp dẫn. Việc này sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, đồng thời tiếp thu kiến thức mới mà vẫn không quên chữ, quên vần. Đặc biệt, ở phần Luyện tập tổng hợp, các em học sinh sẽ có thêm các giờ tự đọc sách ở lớp, ở thư viện và các hoạt động trải nghiệm dưới tên gọi “Góc sáng tạo”, trong đó các em sẽ vận dụng những điều mình đã học được vào việc viết bưu thiếp tặng người thân, sưu tầm ảnh thiên nhiên, viết nhận xét về sản phẩm đó… Đó là những ví dụ để giúp đưa bài học vào cuộc sống đời thường, gần gũi của học sinh.
Để tạo ra bước chuyển từ chương trình môn học sang SGK, các tác giả của bộ sách cho rằng cần phải hiểu rõ về tư tưởng cốt lõi của Chương trình GDPT mới. Chỉ vậy thì mới có thể hiện thực hóa, cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt của Chương trình vào từng bài học trong SGK lớp 1. “Đây chính là điểm thành công lớn nhất của bộ SGK ‘Cánh Diều’. Bởi chúng tôi ‘đẻ’ ra chương trình môn Toán, nên chúng tôi hiểu rõ ‘đứa con’ của mình, và hiểu rõ những chỗ nào là những chỗ cần xử lý để đảm bảo đúng tinh thần của chương trình mới” – GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới cho biết.
“Chúng tôi muốn mở toang cánh cửa nhà trường ra để cho cuộc sống tràn vào nhà trường, và nhà trường phải gắn với cuộc sống. Vì nói cho cùng, học sinh không phải học số 1 số 2 số 3, không phải học 1 cộng 1 bằng mấy, mà quan trọng là tất cả những điều được học sẽ biến thành năng lực để có thể giải quyết được những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.”
Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống
Một trong những điểm cốt lõi của chương trình mới là việc học sinh sẽ không tiếp thu kiến thức một cách thụ động nữa, mà sẽ tiếp thu và sau đó biến nó thành năng lực của riêng mình. Nhưng điều khó khăn ở đây chính là làm thế nào để những kiến thức ấy được tiếp thu một cách uyển chuyển và tự nhiên nhất, không hề mang tính ép buộc.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, TS. Ngô Vũ Thu Hằng – tác giả sách Đạo Đức 1 ‘Cánh Diều’ cho biết: “SGK này sử dụng rất nhiều chất liệu cuộc sống và rất nhiều tình huống điển hình có thể gặp hằng ngày trong đời sống bình thường. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu hỏi tái hiện nội dung trong các SGK hiện hành, thì trong bộ sách này chúng tôi sử dụng đa dạng câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi giúp học sinh phát triển năng lực chương trình bậc cao. Nghĩa là chúng tôi không chú trọng những câu trả lời đúng, ở một mức độ nào đó chúng tôi khuyến khích học sinh đưa ra những câu trả lời hợp lý, đưa ra những lý do vì sao các con trả lời như thế. Chúng tôi tin rằng khi các con giải thích được, thì các con sẽ tin tưởng được, và sẽ làm theo như thế, rồi nó sẽ tự thân trở thành kiến thức, là cái gì đó của các con chứ ko phải là của người khác.”
Với môn Mỹ thuật – một môn học tưởng rằng sẽ chỉ gắn với cọ vẽ, bút chì, TS Phạm Văn Tuyến – Tổng Chủ biên môn Mỹ thuật – chia sẻ, trước đây với môn Mỹ thuật, học sinh chỉ được học vẽ tranh và nặn tượng nhưng ở bộ sách ‘Cánh Diều’, hầu hết những gì liên quan đến môn học này trong đời sống hằng ngày đều hiện diện. Ví dụ, học sinh sẽ được học về nhận diện thời trang trong đời sống, hoặc khi cầm một cuốn sách, các em sẽ hiểu rằng ai là người làm ra nó, kiến thức nào để quyết định hình thức cuốn sách ấy. Và đặc biệt hơn cả, “đây còn là cuốn sách dành cho phụ huynh nữa, chúng tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng con em chúng ta có quyền được học nghệ thuật, và có quyền coi nghệ thuật là một nghề để lập nghiệp, chứ không đơn giản là một khối kiến thức, học xong rồi bỏ đi.”
Một trong những điều mà PGS.TS Mai Sỹ Tuấn – Tổng chủ biên môn Tự nhiên và Xã hội – hài lòng nhất trong bộ SGK lần này là sự xuất hiện của mục index (bảng tra cứu từ ngữ) ở cuối mỗi cuốn sách. Hiện nay, ở Việt Nam, phần lớn học sinh trung học và sinh viên không biết đến mục này vì SGK, giáo trình nói chung vắng bóng mục index. Việc thiết kế index chính xác, đầy đủ, hợp lý là hết sức quan trọng, bởi nó giúp xác định đích xác phần cần tìm, đồng thời để tham khảo chéo các đề mục có liên quan. “Ban đầu thì chúng tôi dự định sẽ thêm bảng tra cứu thuật ngữ nữa, nhưng với học sinh lớp 1 thì chúng tôi chỉ dừng lại ở bảng tra cứu từ ngữ. Việc làm này nằm trong một khung cảnh lớn hơn, bởi chúng tôi muốn thực hiện đầy đủ chức năng của SGK. SGK không chỉ để cung cấp kiến thức, mà còn là để trở thành tài liệu tự học.” Chính vì thế, mở đầu SGK các tác giả có giới thiệu cách học và cách sử dụng SGK, còn cuối sách thì có phần tra cứu thuật ngữ. “Hiện nay nhiều người vẫn chưa biết cách tra cứu thuật ngữ, nhưng các em khi được tiếp xúc từ lớp 1, lớp 2 rồi thì các em sẽ dần hình thành thói quen – bao giờ mở sách ra cũng phải mục lục để xem nội dung rồi mới xem chi tiết sách.” Nói cách khác, tra cứu chỉ là một phần của câu chuyện biến SGK trở thành tài liệu tự học của chính học sinh.
Lắng nghe những chia sẻ của các tác giả bộ sách, ông Đỗ Hoàng Sơn – giám đốc công ty sách Long Minh, người được mệnh danh là “Mr.Index” vì nhiều năm nay vẫn nói và làm index cho sách – chia sẻ: “Hôm nay đến đây tôi rất cảm động, bởi vì nhìn thấy phần bảng tra cứu từ ngữ đã được đưa vào SGK. Tôi có nói với con trai tôi rằng: ‘Hôm nay SGK lớp 1 có phần index, thì bố có thể về hưu được rồi, danh hiệu trong ngoặc kép là Mr Index từ giờ không phải nhắc đến nữa.”
Giáo viên là người quyết định
Câu chuyện về SGK dành cho học sinh lớp 1 sẽ không dừng lại ở đây. Chúng ta sẽ còn trải qua một số những giai đoạn như quá trình chọn sách của các trường, các địa phương; các cuộc tập huấn cho các GV tiểu học để tiếp nhận chương trình mới lẫn bộ sách mới.
Với bất kỳ chương trình giáo dục nào, thì người trực tiếp truyền tải và hướng dẫn học sinh sẽ là giáo viên đứng lớp. Theo GS Đỗ Đức Thái, khi đổi mới cách làm thì “trở ngại lớn nhất có thể vấp phải sẽ đến từ chính thói quen của giáo viên. Tôi luôn luôn tâm đắc với câu mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp từng nói vào năm 1969: ‘Thất bại của tất cả các cải cách giáo dục không đến từ học sinh, mà đến từ chính giáo viên.’” Những thói quen, phương pháp đã được áp dụng từ kinh nghiệm của các giáo viên đôi khi sẽ trở thành rào cản lớn trong quá trình giảng dạy. “Thế cho nên bộ sách này đã được thực nghiệm rất cẩn thận.”
Nhóm biên soạn đã đến các trường thực nghiệm để dự giờ tất cả giờ dạy, đơn cử như môn tiếng Việt là 420 tiết/năm để lắng nghe phản ánh từ giáo viên, ghi chép phản ứng của học sinh. Chính những góp ý của giáo viên và khó khăn của học sinh là những yếu tố quan trọng để góp phần hoàn thiện bộ sách này.
Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá sẽ góp phần tác động rất lớn đến việc hình thành nên phương pháp giảng dạy. Rất nhiều người bày tỏ thắc mắc rằng cùng với việc nâng cao khả năng tự học, sáng tạo…, liệu việc kiểm tra đánh giá có thay đổi hay không, và sẽ thay đổi như thế nào. Cũng theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái thì “chuyện đánh giá chưa phải là vấn đề quá lớn đối với các em lớp 1. Câu chuyện đánh giá sẽ trở nên nghiêm trọng và quyết định sự thành bại của cả một cải cách giáo dục sắp đến khi nó diễn ra ở lớp 9 và đặc biệt là lớp 12. Nhưng mà đó sẽ là một câu chuyện dài.” Còn đối với lớp 1 thì chương trình GDPT mới đã chỉ đạo hình thức đánh giá, ví dụ như phải kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, tức là phải tổ chức tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập. Thông qua cái kết quả thực hiện hoạt động, giáo viên có thể nhận ra học sinh đã hình thành được năng lực hay chưa, và hình thành đến bước nào. Cho nên đánh giá đầu tiên trong dạy học phát triển năng lực chính là đánh giá qua từng hoạt động học tập, hoặc kết quả qua các phiếu luyện tập cuối mỗi tiết. Vẫn còn rất nhiều những hình thức đánh giá, nhưng “quan trọng nhất, then chốt nhất, vất vả nhất, đó là đánh giá qua từng hoạt động học tập.”
Để tiếp tục phát triển và hoàn thiện bộ SGK ‘Cánh Diều’, các tác giả sẽ còn phải lắng nghe, theo dõi phản hồi của giáo viên về quá trình chuẩn bị, dạy học, kiểm tra trong hành trình cải cách giáo dục dài hơi sắp đến. “Trong quá trình thực nghiệm, tôi luôn nói với các thầy cô dạy thực nghiệm rằng ‘Các thầy cô là thầy của tôi đấy, chính các thầy cô là người dạy cho tôi là cần phải viết thế nào’.” GS.TSKH Đỗ Đức Thái chia sẻ. “Bộ sách này không phải được viết từ năm 2016 hay 2017, nó được viết lần đầu tiên vào năm 2015, được thực nghiệm rất nhiều lần, và sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện. Bản thảo cuối cùng chỉ có 200 trang thôi, nhưng số bản thảo đã từng viết ra thì phải gấp 20 lần như thế này. Tiền nhuận bút chắc chỉ đủ để trả tiền điện thoại giữa tôi, thầy Đạt (PGS.TS Đỗ Tiến Đạt – Chủ biên SGK Toán 1 ‘Cánh Diều’, thầy Ái (ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam) thôi. Thành thử, chúng tôi rất tự tin rằng mình đã viết ra được một quyển SGK với tất cả tâm huyết của mình, và chắc chắn, nó sẽ góp phần thực hiện đúng mục tiêu mà chương trình môn Toán mới mong muốn.”