Do giá trị của nguồn bức xạ chưa tới 6 triệu đồng nên có thể đã bị bán sắt vụn.



Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân đã cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 7/1.

Trước đó, nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn (phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn). Khi phát hiện, Sở KH&CN Bắc Kạn đã báo cáo UBND tỉnh và Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân đến nay tung tích của nguồn phóng xạ này vẫn bặt vô âm tín.

Ông Vương Hữu Tấn dự đoán: "Giá trị của nguồn phóng xạ không cao khoảng 6 triệu đồng nên tôi cho rằng không có chuyện lấy cắp để sử dụng và cũng không thể sử dụng được vì nếu muốn sử dụng lại phải có giấy phép. Nguồn phóng xạ bị thất lạc chỉ có kích thước nhỏ được đặt trong một bình chứa bằng chì nặng cỡ 5-7 kg chì, nếu có lấy thì chỉ bán sắt thép phế liệu".

Vì vậy phương án tìm kiếm nguồn phóng xạ được ông Tấn cho rằng nên tập trung vào các cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở đúc chì, cơ sở tái chế sắt thép. Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân cũng đã hỗ trợ địa phương một bộ thiết bị tìm kiếm rất hiện đại vào tháng 5/2015, đây là thiết bị có độ nhạy rất cao và độ phân giải rất tốt hỗ trợ cho công tác tìm kiếm.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đã có Công điện số 158/CĐ-BKHCN gửi UBND tỉnh Bắc Kạn để chỉ đạo công tác ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ địa phương. Bộ KH&CN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố mất nguồn phóng xạ và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để khắc phục hạn chế về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong cả nước, cũng như chỉ đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ và an ninh nguông phóng xạ.

Trước mắt, sẽ ưu tiên cho công tác tìm kiếm, thu hồi và sau đó là xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.


Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân phát biểu tại buổi họp báo.

Được biết, nguồn phóng xạ bị thất lạc trong thời gian nhà máy xi mắng Bắc Kạn ngừng hoạt động, bị phát mãi và ngân hàng đang quản lý nhà máy do đó trách nhiệm để thất lạc nguồn phóng xạ thuộc về chủ cũ của và cả phía ngân hàng đang tiếp quản nhà máy.

Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế(IAEA TECDOC), nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn không gây nguy hiểm cho con người, cũng như không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ này khi tiếp xúc gần.

Theo phân loại của Quy chuẩn Việt Nam 6:2010/BKHCN về phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ, nguồn phóng xạ Cs- 137 bị mất thuộc nhóm số V (nhóm V là nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01). Nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn có tỷ số hoạt độ là 0,0016.

Để nâng cao hơn nữa nhận thức của các cơ quan quản lý và các chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Cục ATBXHN tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Trong kế hoạch thông tin pháp quy hạt nhân năm 2016, Cục ATBXHN sẽ xây dựng kế hoạch để có thể triển khai công tác này ở các vùng miền trong cả nước nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các chủ cơ sở bức xạ có sử dụng nguồn phóng xạ và cán bộ quản lý của các địa phương trong công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.