Clarivate Analytics – công ty quản lý và điều hành những cơ sở dữ liệu, dịch vụ phân tích học thuật, sở hữu trí tuệ…, dự báo, Đông Nam Á sẽ mở ra nhiều hướng tiếp cận mới và mở rộng nhiều phạm vi phát triển mới về AI trong tương lai.
Những phát triển vượt bậc về AI trong năm năm trở lại đây tại khu vực Đông Nam Á khiến người ta phải tò mò và đặt dấu hỏi: sức mạnh của AI Đông Nam Á bắt nguồn từ đâu? Có những thách thức và cơ hội nào dành cho AI ở Đông Nam Á? AI giải quyết được vấn đề gì trong đời sống xã hội Đông Nam Á?...
Để trả lời những câu hỏi này, một số tổ chức nghiên cứu đã tiến hành những nghiên cứu độc lập về thực trạng cũng như xu hướng phát triển của AI Đông Nam Á, trong đó đáng chú ý “Nền công nghiệp máy tính: AI ở Đông Nam Á” (Industry Bytes: Artificial Intelligence in Southeast Asian) của Clarivate Analytics và “AI và tương lai Đông Nam Á (Artificial intelligence and Southeast Asia’s future) của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey.
Nét chung của hai báo cáo này là nhận định: Đông Nam Á là một khu vực dành nhiều đầu tư cho AI, đặc biệt là Singapore khi nhanh chóng xác định đây là một trong những mũi nhọn tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với những tiến bộ đạt được một cách nhanh chóng về cả năng lực lẫn hiểu biết, AI Đông Nam Á đã có một hệ sinh thái đa dạng và bước đầu tác động đến đời sống xã hội thông qua những ứng dụng đầy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, sản xuất nông nghiệp, vận tải, tài chính...
Singapore dẫn đầu trong nghiên cứu về AI
Sức mạnh nội tại của AI Đông Nam Á nằm ở những nghiên cứu trong phạm vi các trường đại học. Với lợi thế là một công ty chuyên về lưu trữ và khai thác dữ liệu học thuật, Clarivate Analytics đã sử dụng số liệu của InCites, một nền tảng dữ liệu được xây dựng trên nền tảng Web of Science do họ quản lý, để có được cái nhìn khách quan về số lượng công bố, chỉ số trích dẫn, các cơ sở nghiên cứu về AI của Đông Nam Á.
Họ nhận thấy, các quốc gia Đông Nam Á có 24.548 bài báo quốc tế liên quan đến AI trong thời gian từ năm 2007 đến 2015 (bài báo sớm nhất là vào năm 1985). Singapore được coi là quốc gia có nhiều đóng góp nhất trong khu vực với 10.274 bài báo, tiếp theo là Malaysia 8.416 bài báo và Thái Lan 3.648 bài báo. Ba quốc gia này chiếm tới tổng số 86% công bố quốc tế của cả khu vực.
Những nghiên cứu về AI có địa chỉ Đông Nam Á cũng bước đầu nhận được sự chú ý của cộng đồng nghiên cứu AI thế giới. Theo báo cáo của Clarivate Analytics thì có 161 công trình được lọt vào tốp các bài báo được nhiều trích dẫn nhất, trong đó Singapore có 97 bài báo, Malayia có 52 bài báo.
Như vậy nếu xét trên cả hai phương diện số lượng xuất bản và số lượng trích dẫn thì Singapore không chỉ dẫn đầu khu vực trong nghiên cứu về AI mà còn có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Vậy sức mạnh AI của Singapore nằm ở đâu? Phân tích địa chỉ của các bài báo, Clarivate Analytics nhận thấy, các cơ sở nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong năng lực nghiên cứu về AI của Singapore là trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Cơ quan nghiên cứu KH&CN (A*Star)…
Đây là kết quả của một chiến lược đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ Singapore với mục tiêu biến đảo quốc này thành một trung tâm nghiên cứu tầm cỡ thế giới về AI. Kinh phí Singapore rót vào lĩnh vực AI hằng năm đều ở mức cao, ví dụ trong tháng 5/2018 vừa qua, Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) thông báo sẽ đầu tư 150 triệu đô la Singapore (tương đương 107 triệu đô la Mỹ) cho AI.SG - một chương trình quốc gia trong vòng 5 năm.
Bên cạnh Singapore, có một quốc gia khác đáng chú ý là Malaysia khi có những trường đại học lọt vào top 10 cơ sở nghiên cứu về AI xuất sắc nhất Đông Nam Á, đó là trường đại học Malaya, trường Đại học Công nghệ Malaysia, trường Đại học Putra Malaysia, trường Đại học Kebangsaan Malaysia và trường Đại học Sains Malaysia. Như vậy trong thời gian tới, Malaysia sẽ là đối thủ đáng gờm trong cuộc cạnh tranh có nhiều công trình được trích dẫn cao về AI cho bất cứ quốc gia nào, Thái Lan, Indonesia hay Việt Nam.
Đông Nam Á năng động trong ứng dụng AI
Ở khía cạnh ứng dụng, Singapore một lần nữa tỏ ra hết sức nhanh nhạy và hiện dẫn đầu khu vực về những thử nghiệm đưa AI vào quá trình quản lý điều hành, sản xuất trong các ngành công nghiệp, ví dụ ngành sản xuất bán dẫn, robotics, y dược, sinh hóa… cũng như ứng dụng trong các ngành viễn thông, dịch vụ tài chính, truyền thông, vận tải và logictics, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, du lịch, giáo dục… Đây cũng là một phần trong chiến lược chuyển đổi Singapore thành “Quốc gia thông minh” và hỗ trợ họ trong quá trình phát triển nền kinh tế số.
Tuy nhiên Singapore không chiếm vị thế độc tôn trong quá trình này. Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều là những quốc gia nhanh nhạy và đặt tham vọng phát triển nền kinh tế số, dựa trên những triển vọng mà AI có thể đem lại. Có thể nói đây cũng là những gương mặt giàu đổi mới sáng tạo với những ứng dụng trong công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao và viễn thông, dịch vụ tài chính…
Nhiều startup ở các quốc gia này là những người đi đầu trong phát triển các ứng dụng AI và cách ứng dụng của họ hết sức linh hoạt, ví dụ ở Indonesia có Sale Stock – một dịch vụ thương mại điện tử đã dùng AI để dự đoán các xu hướng thời trang trên thế giới và lập kế hoạch sản xuất sản phẩm tương ứng; bệnh viện quốc tế Bumrunggrad của Thái Lan là viện nghiên cứu y học đầu tiên ngoài khu vực Bắc Mỹ triển khai chương trình phần mềm IBM Watson, một cấu trúc AI được phát triển để tối ưu hóa công việc chẩn đoán ung thư; startup Sero của Việt Nam cung cấp giải pháp quản lý canh tác điện tử để hỗ trợ nông dân kịp thời phát hiện sâu bệnh thông qua hệ thống AI phân tích hình ảnh và gửi tới người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh… Đây là một trong số rất ít những ứng dụng AI đang xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có tận dụng được cơ hội?
Được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á nhanh nhạy về AI, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội mà ứng dụng AI mang lại. Thuận lợi lớn nhất mà hiện Việt Nam có trong tay là một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài và rất có ý thức trong việc phát triển nghiên cứu thành ứng dụng thực tế.
Đào tạo về trí tuệ nhân tạo ở trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN). Nguồn: ĐH Công nghệ
Dù không lọt vào top ba quốc gia có nhiều công bố quốc tế về AI như Singapore, Thái Lan và Malaysia nhưng Việt Nam cũng lọt vào top ba quốc gia có bài báo được trích dẫn cao, sau Singapore và tương đương Malaysia. Hơn thế, theo số liệu mà Clarivate Analytics thu thập được trong các năm 1997-2016, thì Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế với 7% của toàn khu vực (Singapore dẫn đầu với 77% ), xếp trên Indonesia 6%, Malaysia 5%...
Thuận lợi thứ hai của Việt Nam có là sở hữu một thị trường tiêu dùng đầy năng động với dân số trẻ, có nhu cầu khá lớn đối với các sản phẩm và hàng hóa kỹ thuật số: 84% người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh (theo thông tin của công ty điều tra thị trường Nielsen Việt Nam) và hơn 54% người sử dụng dịch vụ Internet (theo thông tin của Hiệp hội tiêu dùng internet Việt Nam).
Thuận lợi thứ ba là ý tưởng phát triển nền kinh tế số đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Theo “Việt Nam ngày nay” (Vietnam Today) – báo cáo do Bộ KH&CN phối hợp với tổ chức Data 61 của Australia thực hiện, các ngành liên quan đến kinh tế số tăng trưởng nhanh ở Việt Nam như công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, chế tạo máy tính và đồ điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin. Chính phủ đã đặt ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin trong Quy hoạch tổng thể về công nghệ thông tin với những ưu đãi về thuế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đào tạo để hỗ trợ hoạt động phát triển và đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.
Đây là cơ sở để AI Việt Nam phát triển như một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế số. Tuy nhiên theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, AI Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển ứng dụng ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ truyền thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ còn một số lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, du lịch, giáo dục… vẫn còn ít người khai phá.
Để tận dụng cơ hội mà AI đem lại, Việt Nam cần quan tâm đến những vấn đề mang tính nền tảng để phát triển AI là cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực chất lượng cao và sự chấp nhận của người sử dụng. Đây là ý kiến của một số diễn giả tại AI4life - Hội nghị quốc tế đầu tiên về trí tuệ nhân tạo do Việt Nam tổ chức vào tháng 5/2018. Nó cũng hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của ông Ralph Haupter, chủ tịch Microsoft Asia khi đưa ra một số nhận định về tiềm năng phát triển của AI ở châu Á.
Ông giải thích: AI cần dữ liệu vì nó phụ thuộc vào dữ liệu để thực hiện các thuật toán phân tích với sáu nguyên tắc về đạo đức - công bằng, tin cậy và an toàn, bảo mật và quyền riêng tư, tính minh bạch và trách nhiệm; AI cần nhân lực tài năng để phát triển các chương trình AI mạnh mẽ và tinh vi hơn; AI cần sự chấp nhận của người sử dụng - những “cư dân bản địa của thời kỳ số” ngay tại quốc gia phát triển ứng dụng để hoàn thiện sản phẩm trước khi ra thị trường thế giới.