Cuối tháng trước, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) đã làm dấy lên những cảnh báo trong giới khoa học về việc định hướng học bổng sau đại học lại tập trung nhiều vào nghiên cứu tính toán chuyên sâu và máy tính lượng tử sẽ làm giảm sự tài trợ cho các ngành khoa học cơ bản khác.

Trí tuệ nhân tạo cho robot là một trong ba lĩnh vực trọng tâm mà Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ sẽ ưu tiên tài trợ cho học viên sau đại học. Ảnh: Yang Jianzheng/ Getty image
Trí tuệ nhân tạo cho robot là một trong ba lĩnh vực trọng tâm mà Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ sẽ ưu tiên tài trợ cho học viên sau đại học. Ảnh: Yang Jianzheng/ Getty image

Sự thay đổi chính sách học bổng của NSF khiến các ngành khác có thể gặp khó khăn trong việc thu hút tài trợ từ các nguồn chính phủ hoặc bên ngoài. Họ cũng lo sợ rằng những thay đổi này có thể khiến các nghiên cứu sinh từ các nhóm truyền thống ít được biết đến càng khó giành được các khoản trợ cấp này hơn nữa.

Chương trình Học bổng Nghiên cứu Sau đại học (GRFP) tài trợ hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu mỗi năm. Việc thay đổi các định hướng cho quỹ này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc như một siêu cường trong nghiên cứu.

Đây chỉ là một trong số những nỗ lực gần đây, nhằm hướng NSF đến thứ mà các nhà nghiên cứu quan tâm là nghiên cứu công nghệ ứng dụng. Vào cuối tháng năm, các dự luật được đưa ra Quốc hội với sự ủng hộ của cả hai đảng, trong đó đề xuất tăng ngân sách của NSF thêm 100 tỷ USD trong 5 năm. Hiện nay các dự luật mới vẫn chưa được biểu quyết thông qua nhưng đại ý sẽ đổi tên tổ chức thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia; và phân bổ tài trợ cho phát triển công nghệ, thay vì cho khoa học cơ bản.

Nỗi sợ hãi của khoa học cơ bản

“Giá trị của khoa học cơ bản không phải lúc nào cũng rõ ràng đối với những người không phải là nhà khoa học,” Margaret Byron, kỹ sư cơ khí của Đại học Bang Pennsylvania và là người đã từng nhận được học bổng của NSF vào năm 2012.

NSF đã ra thông cáo báo chí và e-mail cho tạp chí Nature cho biết rằng động thái này là một phần của “một chiến lược liên bang được phối hợp nhằm đảm bảo vị thế của nước Mỹ trong vai trò một nhà lãnh đạo toàn cầu trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”, nhưng học bổng “sẽ tiếp tục khuyến khích và chấp nhận các ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đủ điều kiện ”.

Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ trao tặng khoảng 2.000 học bổng sau đại học mỗi năm và hoạch định tài chính chi hơn 275 triệu USD cho chương trình vào năm 2021. Các học bổng tài trợ cho thạc sĩ hoặc tiến sĩ trong ba năm, thường được trao trong 11 lĩnh vực nghiên cứu chính, bao gồm kỹ thuật, khoa học sự sống và hóa học và trước đây Quỹ không ưu tiên cho bất kỳ lĩnh vực con cụ thể nào trong các danh mục này. Còn nay thì họ quyết định ưu tiên cho trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu tính toán chuyên sâu và máy tính lượng tử.

“Việc tập trung vào ba ngành khoa học máy tính cơ bản là “điều điên rồ” đối với tôi”. Michael Hoffman, người nhận học bổng năm 2003 và hiện nay là nhà sinh học tính toán tại Đại học Toronto và Trung tâm Ung thư Princess Margaret ở Toronto, Canada cho biết. “Những lĩnh vực được đánh giá là trọng tâm hiện nay cũng đã được tài trợ rất tốt rồi. Sức mạnh của GRFP là đào tạo các nhà khoa học về nhiều lĩnh vực mà thường không được các cơ quan khác tài trợ. Điều đó quan trọng bởi vì chúng ta không bao giờ có thể dự đoán được lĩnh vực nào sẽ có những khám phá thực sự quan trọng”.

Những thay đổi trong chính sách tài trợ này đã ngay lập tức gây ra những phản ứng dữ dội, với rất nhiều nhà khoa học bày tỏ sự bất bình của họ trên Twitter. “Những thay đổi này gần như chắc chắn gây tổn thương đến các sinh viên tài năng trong các ngành học”. Alexandra Harmon-Threatt, một nhà sinh thái học thụ phấn tại Đại học Illinois ở Urbana – Champaign. Amy Tarangelo, một nhà sinh học ung thư tại Trung tâm Y tế Tây Nam của Đại học Texas ở Dallas, đã viết : “Là một người từng được nhận học bổng của NSF trước đây, tôi thực sự thất vọng về quyết định này về Chương trình GRFP của NSF. GRFP nên tài trợ cho các nhà khoa học có triển vọng trong tất cả các lĩnh vực và không nên quan tâm đến ‘chủ đề nóng (Mỹ - Trung)’ của thời điểm này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều sinh viên” v.v.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ việc hướng đến khoa học máy tính. Anh Nguyễn, nhà nghiên cứu máy học tại Đại học Auburn ở Alabama, cho biết: “Tôi nghĩ những thay đổi này là quan trọng và phản ánh nhu cầu của đất nước về nhân tài cũng như tiến bộ trong các lĩnh vực. Những lĩnh vực này có tiềm năng to lớn để biến đổi cuộc sống của con người trên nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Tuy nhiên, “việc tập trung tài trợ vào các lĩnh vực nhất định mà không mở rộng chương trình học bổng có nghĩa là tài trợ cho các lĩnh vực khác sẽ bị cắt giảm”, Kelsey Lucas, một nhà sinh học tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, người đã từng nhận học bổng nghiên cứu từ GRFP nói.

Trong một e-mail khác cho tạp chí Nature, người phát ngôn của NSF đã viết, “Những thay đổi này không nhằm loại trừ bất kỳ lĩnh vực khoa học nào được NSF hỗ trợ” và chỉ ra những tiến bộ trong khoa học cơ bản mà NSF đã tài trợ trong bảy thập kỷ qua. “NSF đơn giản chỉ thể hiện rằng đây là những lĩnh vực có tầm quan trọng quốc gia và chúng tôi khuyến khích học viên ứng tuyển. Quá trình xem xét hoặc lựa chọn sẽ không có sự thay đổi.”

Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng động thái này có thể khiến một số nhà nghiên cứu khó giành được các khoản tài trợ uy tín này – trong đó bao gồm cả các nhà khoa học người da đen và Mỹ-Latinh.

Christian Cazares, một nhà thần kinh học tại Đại học California, San Diego và hiện nay đang được nhận tài trợ của GRFP cho biết: “Thành thật mà nói, tôi rất thất vọng. Những thay đổi này là “hoàn toàn trái ngược” với cam kết đã nêu của NSF trong việc thúc đẩy sự đa dạng trong khoa học. Trong ba lĩnh vực ưu tiên mới, chỉ với 18,8% bằng cử nhân khoa học máy tính của Hoa Kỳ dành cho sinh viên da đen và Latinh; và 18,7% dành cho phụ nữ vào năm 2016. Điều này có nghĩa là động thái của GRFP sẽ kéo dài thêm sự chênh lệch vốn đã tồn tại. (Theo đánh giá năm 2014 về chương trình này của NSF, từ năm 1994 đến 2004, khoảng 80% giải thưởng GRFP thuộc về những ứng viên da trắng.)

Người phát ngôn của NSF viết trong e-mail cho Nature, cho biết thêm rằng cơ quan đã thành lập một nhóm chuyên trách để đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các vấn đề trên.

Theo Alexandra Clark, nhà tâm lý học thần kinh tại Đại học California, San Diego, nghiên cứu đã chỉ ra các tài trợ ưu tiên là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự không công bằng trong các khoản tài trợ dành cho các nhà khoa học da màu. Byron hy vọng rằng những định hướng này sẽ không làm thay đổi đáng kể quá trình xét chọn của GRFP.