Nhật Bản trở thành nước mới đây nhất tạo kho lưu trữ trực tuyến các bản thảo bài báo khoa học, nhằm tăng tương tác quốc tế cho các nghiên cứu trong nước.

Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Indonesia và Châu Phi đều có các kho lưu trữ bản thảo của mình. Phổ biến nhất hiện nay là những kho dành riêng cho một số lĩnh vực, chẳng hạn như arXiv dành cho vật lý và toán học.

Sản lượng các bài báo khoa học đã xuất bản của Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Nhưng các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản ít chia sẻ bản thảo trên các máy chủ, Soichi Kubota, người làm việc tại bộ phận cơ sở hạ tầng thông tin của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), cho biết. Đây là lý do JST ra mắt Jxiv vào tháng 3 năm nay. Bên cạnh đó, các nền tảng lưu trữ hiện có không bao gồm nhiều lĩnh vực phổ biến ở Nhật Bản như lịch sử, kinh doanh, quản lý, ngôn ngữ học, và khoa học liên ngành. Jxiv được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống này.

Các nhà nghiên cứu có thể đăng các bản thảo trên Jxiv bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Tuy nhiên, đến nay, chưa nhiều nhà nghiên cứu sử dụng nền tảng này và mới chỉ có chưa đến 40 bài báo được tải lên.

Sản lượng các bài báo nghiên cứu đã xuất bản của Nhật Bản rất cao, nhưng các nhà nghiên cứu không thường xuyên chia sẻ bản thảo của họ trên các máy chủ và kho lưu trữ.

Điểm trừ lớn nhất của các cơ sở lưu trữ này là bản thảo được đăng mà không qua biên tập hoặc bình duyệt, do đó rất nhiều bản thảo chất lượng thấp. Tuy nhiên, Kubota cho rằng lợi ích mà nền tảng đem lại sẽ lớn hơn nhược điểm. Jxiv có thể giúp phổ biến khoa học Nhật Bản ra nước ngoài vì các bản thảo được để mở, và sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và đồng nghiệp quốc tế.

Ngoài ra, Kubota lưu ý, các nhà nghiên cứu thường đăng các bản thảo lên máy chủ để thu thập ý kiến ​​từ các đồng nghiệp, giống như một dạng bình duyệt không chính thức, trước khi gửi bản thảo cho một tạp chí nào đó. Vì thế việc có một máy chủ lưu trữ bản thảo có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ bình duyệt ở các tạp chí khoa học.

Nhưng Thomas Russell, nhà khoa học polymer tại Đại học Massachusetts và Đại học Tohoku, cho rằng Jxiv sẽ không tạo ra được tác động như vậy vì nhìn chung văn hóa Nhật dè dặt hơn văn hóa phương Tây trong việc đóng góp ý kiến. Cũng không cần đến một kho lưu trữ để phổ biến các nghiên cứu, vì "nếu đó là một nghiên cứu tốt, nó sẽ vượt qua quá trình bình duyệt và nhanh chóng được mọi người biết đến", theo Russell.

Một số nhà nghiên cứu khác thì đồng tình với JST và cho rằng Jxiv sẽ trở nên phổ biến, đặc biệt là vì nó được chính phủ hậu thuẫn và các cơ quan tài trợ của Nhật có thể yêu cầu các nhà nghiên cứu mà họ tài trợ đăng bản thảo trên Jxiv trong tương lai.

Nguồn: