Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ. Để ngăn ngừa tình trạng nêu trên, cần giải quyết những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách về hoạt động nhập khẩu công nghệ.

Lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Hải quan phát hiện và xử lý các trường hợp nhập rác thải về Hải Phòng. Ảnh: KIM OANH
Lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Hải quan phát hiện và xử lý các trường hợp nhập rác thải về Hải Phòng. Ảnh: KIM OANH

Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) ban hành Thông tư 20/2014/TT-BKHCN (Thông tư 20), quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào tháng 9-2014, đã nhận được nhiều kiến nghị từ phía các doanh nghiệp. Thời điểm đó, Việt Nam chưa tham gia “sân chơi chung” của các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp vẫn muốn nhập khẩu các thiết bị cũ còn sử dụng được để đưa vào sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, những tiêu chuẩn từ Thông tư 20 khá cao, doanh nghiệp không đáp ứng được. Do đó, chỉ chưa đầy một tháng, Bộ KH và CN đã phải dừng Thông tư 20 để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp thực tế và khả năng của các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng, được tân trang bất hợp pháp. Đánh giá từ nhiều chuyên gia cho thấy, hiện nay phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ, không có đủ nguồn tài chính, cho nên chưa quan tâm đổi mới công nghệ. Vì vậy, doanh nghiệp đều lựa chọn “cái lợi nhỏ” là mua thiết bị rẻ, còn khả năng sử dụng, đưa vào sản xuất để duy trì hoạt động. Nhưng về mặt lâu dài, nếu sử dụng thiết bị cũ, có thời gian sử dụng đã lâu, thì năng suất, chất lượng sản phẩm càng thấp, dẫn đến không thể cạnh tranh với những sản phẩm sử dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó thiết bị cũ sẽ phát sinh nhiều hơn các loại chất thải, hiệu quả sử dụng thấp và sinh ra nhiều nước thải, khí thải, tiêu hao năng lượng lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không nghĩ đến lợi ích lâu dài, cố tình tìm các kẽ hở của luật pháp để đưa thiết bị cũ về, bằng cách chuyển qua nước thứ ba, tân trang, làm mới,… qua mắt các cơ quan chức năng. Không những vậy, ngay cả một số doanh nghiệp thật sự muốn đổi mới công nghệ cũng gặp không ít khó khăn khi mua công nghệ từ nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ công nghệ; chưa có nhiều chuyên gia đủ khả năng trong việc giám định, tiếp nhận, chuyển giao và cải tiến công nghệ. Do đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang bị “chèn ép”, tính giá cao hơn so với thực tế và khó tránh việc bị “lừa” nhập những công nghệ đã lỗi thời với giá mới.

Để tránh việc nhập khẩu, máy móc, công nghệ cũ, chất lượng thấp vào Việt Nam, Bộ KH và CN đang phối hợp các bộ, ngành xây dựng quy định mới để hạn chế tình trạng trên. Theo Vụ trưởng Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH và CN) Đỗ Hoài Nam, sắp tới, các máy móc cũ muốn nhập khẩu cần đáp ứng một tiêu chí duy nhất là tuổi thiết bị không quá mười năm, thay vì hai tiêu chí về tuổi và chất lượng thiết bị như trước. Trong trường hợp đặc biệt, các bộ quản lý lĩnh vực có thể quyết định thời gian tuổi của thiết bị cao hơn. Mặt khác, việc giám định chất lượng còn lại của thiết bị sẽ được chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc các nước G7.

Ngoài ra, thủ tục hải quan cũng được đơn giản hóa tối đa, doanh nghiệp chỉ cần cam kết và có đủ giấy tờ chứng minh tuổi thiết bị, tiêu chuẩn sản xuất là có thể đưa về kho bảo quản. Đối với việc cung cấp chứng thư giám định, cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm. Khi cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối, “chạy” chứng thư giám định thì doanh nghiệp phải chịu mọi tổn thất, chi phí để tái xuất thiết bị và xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật. Các quy định sẽ giải quyết tất cả vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp còn băn khoăn, trong đó có những vấn đề của các doanh nghiệp FDI về những dự án đầu tư, đã tháo dỡ nhiều nhà máy từ các nước lân cận mang vào Việt Nam. Qua đó, các dự án trong hồ sơ đã có thiết bị di chuyển từ nước khác, đã được cơ quan cấp phép đầu tư hoặc chấp nhận đăng ký đầu tư thông qua, phê duyệt thì không phải tuân thủ quy định.

Theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, thời gian tới, các doanh nghiệp nên cân nhắc trước khi nhập các thiết bị đã qua sử dụng. Vì khi Hiệp định TPP được thông qua, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của các nước phát triển nhất trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Trong trường hợp phải mua thiết bị cũ, không nên mua thiết bị quá lạc hậu, bởi chỉ sử dụng máy móc cũ, công nghệ lỗi thời sẽ không tạo ra được sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý.