Từ thực tế của Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - nhận định, thực tế hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) thời gian qua đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống người dân.

Nhận định này được ông Nam nêu tại hội nghị quản lý nhà nước về SHTT Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Ninh Thuận tổ chức ngày 8/11 tại thành phố Phan Rang. Ông cho biết, thời gian qua, Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Cục SHTT triển khai các hoạt động SHTT, mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động để đưa SHTT đến gần người dân, các doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư cho bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về đổi mới sáng tạo và SHTT.

Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh có 198 đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN, được cấp 119 văn bằng bảo hộ, cao gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, với việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển các sản phẩm đặc thù thế mạnh của tỉnh, Ninh Thuận được cho là một trong những địa phương triển khai các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ một cách sáng tạo.

Nói về hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT. Có thể nói Việt Nam đã có hệ thống pháp luật đầy đủ về SHTT, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống SHTT đã đạt kết quả khả quan, thể hiện qua việc số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại sự kiện
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại sự kiện.

Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, Cục SHTT đã xử lý 80.787 đơn các loại, trong đó có 38.872 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 9,9% so với năm 2015), trong đó chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng SHCN, từ chối bảo hộ 8.992 đối tượng SHCN và xử lý 41.915 đơn các loại khác.

Đặc biệt, lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng cao (đạt 1.320 đơn, gấp 7,8 lần so với năm 2015). Kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%). Việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy. Việc đưa vào sử dụng Thư viện số trực tuyến về SHCN trên trang web của Cục SHTT đã tạo điều kiện cho các cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn. Hoạt động tư vấn, xác lập và bảo vệ quyền SHTT tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận: “Công tác thẩm định đơn đăng ký SHCN chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về SHCN còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin SHCNcòn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ".

Trong số các ý kiến tham luận từ địa phương, một vấn đề nổi cộm được đề cập là khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT để phát triển thành sản phẩm thế mạnh. Nhiều đại biểu kiến nghị đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, tạo lập cơ sở dữ liệu SHCN trực tuyến nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Ông Đinh Hữu Phí cho biết, Cục SHTT sẽ đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật SHTT; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT...

Ông Phí cũng cho rằng, trên cơ sở các định hướng lớn đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN, trong đó có lĩnh vực SHTT được Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần tăng cường, chú trọng vào một số hoạt động chủ đạo nhằm thúc đẩy hoạt động này, đưa SHTT thành công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Để tri ân và cảm ơn tình cảm của người tiền nhiệm đã có những đóng góp cho hoạt động SHTT trong những năm vừa qua, đại diện Sở KH&CN 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã tặng quà lưu niệm cho nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh
Đại diện Sở KH&CN 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tặng quà lưu niệm cho
nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh.

Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Lâm - Cục phó Cục SHTT - cũng cho biết, hiện dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia mà cục đang xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho hoạt động SHTT của Việt Nam trong thời gian tới. Dự thảo dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm 2017.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, Cục SHTT cũng đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO trong quá trình xây dựng chiến lược, với mục đích đưa SHTT trở thành công cụ chủ lực, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tạo ra nhiều tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.