Trong khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chỉ còn ít ngày nữa bắt đầu chính thức có hiệu lực, giáo dục đại học Việt Nam chứng kiến một vụ việc tranh chấp có thể nói chưa từng có trong lịch sử phát triển giữa trường Đại học Tôn Đức Thắng (ĐHTĐT) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ).

Một phòng thí nghiệm ở trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: INT
Một phòng thí nghiệm ở trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: INT

Mâu thuẫn giữa hai bên chủ yếu liên quan tới việc TLĐ yêu cầu trường trích nộp nguồn thu sau thuế lên tới 30% theo quy định riêng của TLĐ. Đằng sau câu chuyện này là vấn đề về cơ chế chủ quản vốn bất cập lâu nay trong hệ thống giáo dục đại học.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sau một thời gian dài tham vấn ý kiến các bên liên quan đã được thông qua cuối năm 2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Những thay đổi lớn nhất của Luật sửa đổi so với Luật năm 2012 chủ yếu thuộc về quản trị đại học, trong đó tự chủ và trách nhiệm giải trình là điểm mấu chốt. Với những thay đổi này, giáo dục đại học đang được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đáng kể nhờ việc các trường đại học được “cởi trói” toàn diện cả về học thuật, tài chính, nhân sự, tổ chức.

Tuy nhiên, trong khi rất mong chờ ‘tự chủ’, các trường đại học vẫn đón nhận Luật sửa đổi với không ít dè dặt cũng như hoài nghi do những ‘xung đột’ giữa những quy định của Luật mới với các luật khác đang có hiệu lực và chi phối, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức công. Lo ngại của họ chủ yếu rơi vào vấn đề thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp quy và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng bộ hóa để có thể thực thi Luật sửa đổi.

Vướng mắc từ trong bản chất

Qua vụ việc giữa trường ĐH TĐT và TLĐ, một câu hỏi được đặt ra nhưng còn bị bỏ ngỏ với nhiều vướng mắc, đó là, khi Luật sửa đổi có hiệu lực, các quy định hiện hành do các cơ quan chủ quản đặt ra có còn giá trị và mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học sẽ như thế nào?

Với câu hỏi này, vướng mắc trước tiên nằm ở bản chất và hình thái mối quan hệ được gọi là cơ chế chủ quản. Trả lời Tuổi trẻ ngày 17/6/2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết vai trò của cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập là thực hiện quyền đại diện của sở hữu nhà nước trong các cơ sở giáo dục đại học này. Trong Luật sửa đổi, Luật năm 2012 hay các văn bản pháp quy khác như Nghị quyết 77 năm 2014, vai trò của các Bộ và cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước được quy định chung chung, không chỉ rõ mối quan hệ chủ quản và trực thuộc cũng như vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Những quy định không rõ ràng là căn nguyên cho mâu thuẫn và những cách diễn giải sai lệch về cơ chế này.

Trở lại với vụ việc của trường ĐH TĐT. Năm 2017, TLĐ với danh nghĩa cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của TLĐ tại trường trong khi trường cho rằng TLĐ không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính của mình. Không chỉ vậy, theo quy định riêng của TLĐ (quy định 1684) từ năm 2006 thì “đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”. Trường TĐT không chấp nhận yêu cầu này, và khi các bên không đạt được các thoả thuận liên quan đến việc trích nộp, đã xảy ra cáo buộc giữa các bên. Phía trường TĐT cho rằng TLĐ đã can thiệp quá sâu vào nội bộ của trường, cản trở nhà trường thực thi cơ chế tự chủ mà Thủ tướng đã phê duyệt cho trường vào đầu năm 2015. Trong khi đó, TLĐ cáo buộc lãnh đạo trường ‘có dấu hiệu lạm quyền’. Trong cao trào của tranh luận, có quan chức phía TLĐ còn ví mối quan hệ chủ quản giữa TLĐ với trường như quan hệ gia đình.

Cơ quan chủ quản không thể là “người thu tô”

Câu hỏi bắt buộc phải đặt ra là cơ quan chủ quản đóng vai trò gì, có trách nhiệm gì đối với đơn vị trực thuộc là trường đại học, và từ đó, họ có quyền gì và thẩm quyền ở mức nào đối với nhà trường. Ngược lại, trường được hưởng lợi, được hỗ trợ gì từ cơ quan chủ quản và từ đó có trách nhiệm gì về mọi mặt, trong đó có trách nhiệm tài chính.

Để giải quyết câu hỏi này, điểm mấu chốt là cần xác định rõ giáo dục đại học công lập có phải là dịch vụ công có sự bao cấp của nhà nước hay là kinh doanh, cơ sở giáo dục có phải là đơn vị kinh doanh hay tổ chức phi lợi nhuận, và tổ chức cấp tài chính (nếu có) cho trường đại học có phải là nhà đầu tư. Nếu một trường đại học công lập phải trích nộp cái gọi là “kết quả tài chính” cho cơ quan chủ quản thì việc này được thực hiện trên cơ sở luật hay quy định pháp lý nào và cơ quan chủ quản sẽ sử dụng khoản thu này ra sao.

Hiện tại, ngoài trường TĐT, TLĐ còn là đơn vị chủ quản của Đại học Công đoàn, trường Trung cấp nghề Công đoàn Việt Nam, và một số viện nghiên cứu. TLĐ có yêu cầu các cơ sở đào tạo và nghiên cứu này thực hiện trích nộp “kết quả tài chính” như đối với trường TĐT và họ có thực hiện yêu cầu hay không cũng là một vấn đề nhiều người quan tâm. Trong hệ thống trường đại học cũng còn nhiều trường trực thuộc các bộ, liệu họ có phải thực hiện nghĩa vụ trích nộp tương tự?

Điều làm các nhà làm chính sách giáo dục bối rối hơn là giải pháp nào cho các mối quan hệ chủ quản hiện tại và cơ chế nào để kiểm soát lãnh đạo trường trong khi giải phóng các ràng buộc, điều kiện để các trường tự chủ và phát triển.

Việc xoá bỏ cơ chế chủ quản đã được đề xuất từ lâu. Vấn đề quản trị hệ thống giáo dục đại học tập trung mà quá phân mảnh cũng đã được giới nghiên cứu giáo dục đại học chỉ rõ. Nhưng dường như có sự lúng túng không nhỏ về một mô hình để làm sao các trường đại học tự chủ có kiểm soát. Một số bước đi thận trọng, dè dặt nhằm tăng cường tự chủ đại học như việc đưa mô hình Hội đồng trường vào tổ chức của trường đại học với những quy định về thành viên hội đồng, việc ra điều kiện cho tự chủ, gia tăng áp lực kiểm định chất lượng… hầu như chưa gỡ được cơ chế chủ quản khỏi giáo dục đại học, trong khi cơ chế này càng ngày càng tỏ ra bất cập, cản trở và đi ngược với định hướng phát triển đại học.

Việc xoá bỏ cơ chế chủ quản không đồng nghĩa với xoá bỏ cơ quan chủ quản. Với tư cách là đại diện sở hữu nhà nước, cơ quan chủ quản cần phải tham gia vào việc quyết định chiến lược và chủ trương phát triển, giám sát thực hiện, và hỗ trợ huy động nguồn lực để phát triển nhà trường. Cơ quan chủ quản nhất thiết không phải và không thể là “người thu tô”, nhất là với các trường được tự chủ tài chính như trường ĐH TĐT. Cơ quan này cử đại diện tham gia Hội đồng trường là một phương án như nhiều chuyên gia đã nêu. Tuy nhiên giải pháp này chỉ có tác dụng nếu Hội đồng trường có thực quyền, thực sự nắm giữ vai trò ra quyết định, chỉ đạo chiến lược và giám sát, có tổ chức hợp lý về vai trò của các thành viên (ví dụ thông qua phân loại thành viên bằng hệ số phiếu bầu, hoặc phân quyền đặc biệt cho một số thành viên kiểm soát).

Ở Việt Nam, việc duy trì cơ quan chủ quản đang kìm hãm sự phát triển của trường đại học công, ức chế vai trò quản lý và hạn chế sự lãnh đạo linh hoạt cũng như trách nhiệm giải trình của họ.

Ở những nền giáo dục đại học áp dụng quyền tự chủ cao như Australia hay Hồng Kông, chính phủ không can thiệp vào hệ thống quản trị đại học qua hệ thống cơ quan chủ quản hay bằng các phương tiện truyền thống như các quy định chi tiết. Chính phủ chỉ đóng vai trò chỉ đạo từ xa bằng nhiều hình thức, ví dụ qua các hệ thống đảm bảo kiểm định chất lượng cho các chương trình học tập, hệ thống hỗ trợ phát triển nghiên cứu và bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học. Còn các trường, thông qua hội đồng trường, tự lãnh đạo, tự lên kế hoạch phát triển dài hạn và kế hoạch hàng năm, tự hành động, tự ra quyết định và đi kèm với trách nhiệm giải trình.

Sẽ có những thách thức khi trao quyền tự chủ thực chất cho các trường đại học. Nhưng nuôi dưỡng và mở rộng quyền tự chủ đại học là điều kiện tiên quyết cho một nền giáo dục đại học linh hoạt và phát triển!

PGS. TS Trần Thị Lý (Khoa Giáo dục, Đại học Deakin)