Việc Chính phủ Hunggary đang nghiên cứu một dự luật nhằm đưa Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, tổ chức nghiên cứu khoa học lớn nhất đất nước, vào vòng kiểm soát khiến các nhà khoa học Hungary và quốc tế cùng cho rằng, đây là một cuộc tấn công chưa từng có vào tự do học thuật.

Hàng ngàn người biểu tình tuần hành tại Budapest vào ngày 2/6/2019 để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hungary đối với Viện Hàn lâm Khoa học.
Hàng ngàn người biểu tình tuần hành tại Budapest vào ngày 2/6/2019 để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hungary đối với Viện Hàn lâm Khoa học.

Chuẩn bị thông qua quy chế kiểm soát

Kể từ khi nắm quyền năm 2010, chính phủ cực hữu của Thủ tướng Viktor Orbán dường như tăng cường việc kiểm soát nhiều lĩnh vực xã hội như gây áp lực tài chính cho các cơ quan truyền thông độc lập, đánh thuế các tổ chức phi chính phủ có triển khai các hoạt động về các vấn đề như di cư hay nghiên cứu lịch sử. Vụ việc đáng chú ý nhất từ trước tới nay là trường hợp trường Đại học Trung Âu, một cơ sở giáo dục giảng dạy bằng tiếng Anh do tỷ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros thành lập năm 1991, bị buộc phải chuyển đến Vienna, Áo, sau nhiều cuộc đàm phán với chính phủ.

Và giờ đây đến lượt Viện Hàn lâm Khoa học Hungary - một cộng đồng khoảng 3.000 nhà khoa học, trong đó có những trí thức hàng đầu đất nước, và một mạng lưới nghiên cứu rộng lớn gồm 15 viện và 150 nhóm nghiên cứu, bao phủ nhiều lĩnh vực khoa học. theo kế hoạch của chính phủ, các viện nghiên cứu thành viên của Viện Hàn lâm sẽ được đặt dưới một hội đồng quản trị với đa số đại biểu do chính phủ chỉ định.

Các quan chức Chính phủ Hungary cho rằng, “Viện Hàn lâm là một tổ chức khoa học có quyền hạn cao nhất của đất nước nhưng nó không thể hoạt động một cách độc lập với lợi ích quốc gia”, ông Péter Szijjártó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary nói tại một hội nghị ở Bratislava vào đầu tháng 6. “Tôi thấy rõ ràng là viện nên chú ý triển khai các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực và phương hướng quan trọng để góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của đất nước trong tương lai”.

Trong khi đó, László Palkovics, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Hungary, từng chỉ trích sự can dự vào chính trị của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web ủng hộ chính phủ vào năm ngoái, ông cho biết: “Công việc của họ là đưa ra lời khuyên và khuyến nghị khoa học. Trong một số trường hợp, Viện Hàn lâm đã chuyển sang những hoạt động mang tính chính trị, đó không phải là nhiệm vụ của họ”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm đều cho rằng, động thái này của chính phủ là hình phạt sau khi các nhà nghiên cứu khoa học xã hội chỉ trích chính phủ Orbán.

“Nếu thông qua nghiên cứu, phát hiện ra chính sách của chính phủ có vấn đề thì chúng tôi không bao giờ e ngại phản hồi với chính phủ”, Emese Szilágyi, nhà nghiên cứu về luật học ở Viện Hàn lâm, cho biết. “Trong thời gian gần đây, chính phủ đã tái sắp xếp nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và việc ‘động’ đến Viện Hàn lâm chỉ là một phần của chuỗi hành động này mà thôi”, cô bình luận thêm.

Theo Emese Szilágyi, đại đa số thành viên của Viện Hàn lâm đều phản đối kế hoạch này và sẽ dùng “mọi cách có thể” để ngăn dự luật này được thông qua.

Chưa hiểu đúng về khoa học

László Lovász, nhà toán học và là Chủ tịch Viện Hàn lâm, cho rằng trong các quan chức chính phủ có tồn tại hiểu lầm đáng tiếc về vai trò của khoa học xã hội. Nhà khoa học có thể phản biện chính sách nếu dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và tìm thấy bằng chứng chứng minh những sai lầm về chính sách của chính phủ. Trong một cuộc họp báo do Viện Hàn lâm tổ chức ở Budapest vào đầu tháng 6, ông phân tích: “Thông qua nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội học, kinh tế học, khoa học chính trị, nhà nghiên cứu đều có thể chỉ trích một số chính sách nhất định, và tôi nghĩ chính phủ nên lắng nghe những chỉ trích này. Về bản chất, có sự khác biệt giữa phản biện chính sách dưới góc độ khoa học với những hoạt động chính trị, nơi người ta có thể cố gắng thay đổi chính phủ”.

Giữa các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ông Lovász cho biết, khoa học xã hội có thể sẽ bị dự luật gây ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên nếu nhìn xa hơn thì dự luật cũng có thể ảnh hưởng đến các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt các dự án nghiên cứu dài hạn cũng như “bất kỳ nghiên cứu nào nằm ngoài ưu tiên của chính phủ” sẽ ngày càng khó được tiếp tục triển khai.

Ông cho rằng, lòng tin của các nhà khoa học đã bị xói mòn do cách đàm phán mang tính công kích và nhiều điểm không thỏa đáng của chính phủ với viện. Đến bây giờ, ông mới tiết lộ, một năm trước, chính phủ đã thông báo quyết định đầu tiên về vấn đề tài chính của viện qua email và chỉ cho phép viện phản hồi trong vòng 54 phút.

Theo quan điểm của ông Antonio Loprieno, chủ tịch Tổ chức Khoa học xã hội và Nhân văn châu Âu, thông thường việc các chính phủ đặt ra nhiều yêu cầu đối với các khoản đầu tư cho nghiên cứu là chuyện bình thường, nhưng trong trường hợp này, rõ ràng hành động là nhằm mục đích tạo quyền kiểm soát nhiều hơn và chi tiết hơn cho Chính phủ Hungary và điều đó không phù hợp với nghiên cứu.

Loprieno nhận xét thêm, từ trước đến nay, chưa từng có chính phủ nào ở châu Âu hành động như Chính phủ Hungary. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại và một số chính phủ khác cũng có thể áp dụng theo. “Cho đến nay chúng ta không thấy việc này ở bất cứ nơi nào khác, nhưng việc diễn ra ở Hungary có thể dẫn đến khả năng xảy ra trường hợp tương tự ở nhiều quốc gia, nhất là những nơi khoa học chưa được coi trọng đúng mức thì các trường đại học và viện nghiên cứu sẽ trở thành mục tiêu kiểm soát”, ông nói.