Việc dạy học sinh năng lực tư duy phản biện không phải là dạy các em đối kháng hay chỉ trích, mà là hướng dẫn các em xem xét vấn đề một cách sâu rộng hơn, có căn cứ khoa học, truy vấn những niềm tin xác quyết để mở rộng suy nghĩ, nâng cao nhận thức của bản thân, thấu hiểu và bao dung hơn với quan điểm của người khác.

Môn Ngữ văn hoàn toàn là mảnh đất tốt cho học sinh THPT phát triển tư duy phản biện khi có thể cung cấp nhiều tình huống thảo luận.

Để hình thành tư duy phản biện, trước tiên các em cần thấy thế giới không phải được định hình một lần, mà luôn tiếp diễn với những tình huống phát sinh mới mẻ.

Chúng ta nên bắt đầu bài học với những câu hỏi hoặc đặt các em vào các tình huống có tính chất đối thoại lại những suy nghĩ thông thường, những lối mòn tư duy hay niềm tin trước đó của các em. Ví dụ, khi dạy nhóm bài đọc thêm một số đoạn trích trong Truyện Kiều như “Nỗi thương mình”, “Thề nguyền”, chúng ta đặt các em vào tình huống đối diện với những đánh giá trái chiều về nhân vật: trong khi chính Thúy Kiều đã từng dằn vặt mình “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” thì Kim Trọng, sau 15 năm gặp lại Kiều vẫn một mực đề cao nàng “Như nàng lấy hiếu làm trinh/Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”; trong khi độc giả có người đề cao Kiều là “liệt nữ”, “tài tình hiếu hạnh”, thì có người gọi Kiều là “con đĩ”, “tà dâm”. Từ đó, có thể nêu ra câu hỏi kết tội hay thanh minh cho Thúy Kiều. Theo kinh nghiệm của tôi, những câu hỏi như vậy luôn mang lại sự phấn khích, kích thích tư duy và khiến các em sẵn sàng cho việc học kiến thức mới để giải quyết tình huống.

Học sinh 12C1 Trường THPT Phù Lưu, Hàm Yên, Tuyên Quang, tranh luận, phản biện về ảnh hưởng của tình yêu tuổi học trò trong giờ ngữ văn. Nguồn: thptnoitrutinh.tuyenquang.edu.vn

Khi hướng các em tới những tình huống học thuật hoặc tình huống đời sống, tư duy của các em sẽ được đặt trong trạng thái vận động, mở, chấp nhận thế giới khác biệt, đa chiều, trong đó có những chiều kích không phải lúc nào cũng như các em lựa chọn hay mong muốn. Và các em hoặc chấp nhận những góc nhìn đa chiều đó, hoặc phải vận dụng những kiến thức đã biết hoặc tìm kiếm, hình thành những kiến thức mới để bảo vệ chân lý theo quan điểm của mình.

Có một thực tế là, không phải ngay từ đầu học sinh đã biết cách đặt những câu hỏi có tính chất phát hiện, phản biện, đẩy bài học tới mức độ cao hơn, dù các em được khuyến khích. Do đó, trong quá trình tìm hiểu bài học, giáo viên có thể gợi ý, làm mẫu để học sinh quen dần và mạnh dạn hơn khi đưa ra các câu hỏi của mình. Chẳng hạn, trong truyện Vợ chồng A Phủ có chi tiết A Phủ đánh A Sử do mâu thuẫn giữa các nhóm trai làng. Khi hướng dẫn học sinh phân tích nhân vật A Phủ, một số giáo viên thường đề cao tính cách thẳng thắn, nóng nảy, dám chống lại cường quyền của nhân vật này, đúng với tinh thần cách mạng mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là, trong lịch sử văn học, nhiều tác phẩm, nhiều nhân vật khi ra đời có thể mang những đặc điểm chỉ phù hợp với một thời đại nhất định, nếu đặt tác phẩm hoặc nhân vật vào thời đại khác sẽ cần những tiêu chí, thậm chí một hệ giá trị khác để soi chiếu. Để những tác phẩm văn học đã ra đời từ thời đại trước có thể “sống” được, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh ở thời đại hôm nay, chúng ta nên gợi ý học sinh “dịch chuyển thời đại”, đưa vấn đề của nhân vật trong quá khứ vào thời đương đại, từ đó đánh giá nhân vật một cách toàn diện hơn, cả ở góc độ lịch sử và góc độ cá nhân: Chúng ta có nên hành động như A Phủ khi gặp tình huống mâu thuẫn với người khác không? Tại sao hành động như A Phủ thời đại cách mạng được đề cao? Thời đại bây giờ chúng ta có nên hành động như vậy khi gặp tình huống tương tự? Học sinh có thể thảo luận về vấn đề này theo nhiều hướng khác nhau.

Để phát triển tư duy phản biện ở môn Ngữ văn, giáo viên cũng có thể giao cho học sinh những bài tập nhỏ, hoặc sử dụng hoạt động “phút khác biệt”. Thông thường, hoạt động này khuyến khích học sinh chủ động suy nghĩ, tìm kiếm những góc nhìn mới lạ để đối thoại với chính những kiến thức các em vừa hình thành, khiến những kiến thức đó được củng cố, nhưng không bị đóng khung cứng nhắc. Khi học sinh cảm thấy khó khăn, chúng tôi gợi ý các em những câu hỏi có thể nêu ra để cùng thảo luận. Chẳng hạn, chúng tôi nêu câu hỏi cho học sinh: Chúng ta có nên tự tử vì tình yêu như Romeo và Juliet? Chúng ta nên ngợi ca hay nên phê phán những người tự tử vì tình? Chúng tôi đã tổ chức một cuộc tranh biện ngắn nhưng sôi nổi để học sinh có cơ hội nêu lên quan điểm về một vấn đề đâu đó các em đã gặp trong cuộc sống. Các em chủ động nêu lên quan điểm cá nhân: một số phê phán với luận điểm rằng tự tử vì tình là từ chối cơ hội sống mà bố mẹ trao tặng, là ích kỉ và thiển cận vì không nghĩ đến nỗi buồn của cha mẹ và người thân khi mình qua đời; một số em lại có quan điểm không ca ngợi, không làm như Romeo và Juliet song cũng không phê phán những người tự tử, vì các em cho rằng không nên phán xét khi mình không phải là người trong cuộc, không thực sự hiểu chuyện gì đã xảy ra… Những quan điểm cũng như lập luận của các em cho thấy các em bước đầu đã hình thành và thực hành tư duy phản biện trong các tình huống của đời sống bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác để xem xét nó trên các phương diện khác nhau, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp. Trong những cuộc tranh biện như vậy chúng tôi không đánh giá đúng sai về quan điểm, chỉ gợi ý học sinh cần huy động những lý lẽ và dẫn chứng nào để bảo vệ mạnh mẽ hơn quan điểm của mình.

Khi đặt những câu hỏi thách thức suy nghĩ học sinh, chúng tôi hiểu rằng bản thân đang đưa mình vào những tình huống sư phạm thách thức: Làm thế nào trước những ý kiến trái chiều, những ý kiến chưa giải quyết được vấn đề, đặc biệt những ý kiến cá nhân khó kiểm soát? Làm thế nào hướng dẫn học sinh lập luận để giải quyết tình huống, phát triển khả năng lập luận trong tư duy phản biện cho các em? Tất cả những điều này đòi hỏi bản thân giáo viên phải có kiến thức sâu rộng, đồng thời có bản lĩnh để không bị sa vào áp đặt một cách suy nghĩ song cũng không dễ dãi chấp nhận những quan điểm hoặc lập luận thiếu căn cứ.

Phát triển tư duy phản biện cho học sinh không chỉ giúp khắc phục tình trạng học thụ động, một chiều, thầy đọc trò chép hoặc học theo lối “văn mẫu”, mà còn giúp các em biết tư duy ngoài những vấn đề được học, từ đó tạo thói quen nhìn vấn đề cởi mở, đa chiều - những yếu tố cần thiết giúp các em trưởng thành để trở thành những công dân có trách nhiệm, có năng lực, sáng tạo, và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc phát triển tư duy phản biện, soi chiếu vấn đề học thuật từ các góc nhìn thực tiễn đương đại còn góp phần mở rộng biên giới của lớp học, khiến lớp học không chỉ là một không gian đóng khung trong bốn bức tường của học đường mà trở thành không gian mở rộng, “đại diện cho cuộc sống hiện đại” (John Dewey), đưa nhà trường trở thành một phần năng động và tích cực trong tiến trình phát triển của xã hội.