Nhiều cơ quan, viện nghiên cứu lớn của Indonesia bị sáp nhập vào một cơ quan mới thuộc chính phủ, và hàng trăm nhà nghiên cứu mất việc.
Ngày 3/1, Isabella Apriyana chụp ảnh băng ghế trong phòng thí nghiệm và đăng lên Twitter với dòng viết "Một buổi sáng thứ Hai ảm đạm đầu năm". Apriyana là trợ lý nghiên cứu đã giúp nhà di truyền học nổi tiếng Herawati Sudoyo lập bản đồ bộ gen của các nhóm bản địa trên khắp Indonesia, và vừa mất việc tại Viện Sinh học phân tử Eijkman. 112 người khác - tương đương khoảng 70% số nhân viên của Viện Eijkman - rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bản thân viện này, một đầu tàu của khoa học Indonesia có nguồn gốc từ thời thuộc địa, không còn tồn tại như một phòng thí nghiệm độc lập.
Viện Eijkman, chuyên nghiên cứu các rối loạn di truyền, di truyền dân số và các bệnh nhiệt đới và các bệnh mới nổi, đã bị sáp nhập vào Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN), cơ quan chính phủ mới được thành lập vào năm ngoái để tái cơ cấu nền khoa học Indonesia. Cho đến nay, BRIN đã "nuốt chửng" 33 cơ quan nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như khảo cổ học, thực vật học, khí tượng học và thiên văn học. Một cơ quan nghiên cứu lớn và danh tiếng khác của Indonesia đã bị sáp nhập là toàn bộ Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia (LIPI). Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Viện Eijkman và các nơi khác bởi vì sau khi sáp nhập, hàng trăm nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên và trợ lý nghiên cứu mất việc vì không có hợp đồng công chức.
Tòa nhà là trụ sở của Viện Sinh học phân tử Eijkman, được thành lập năm 1888, cho đến gần đây sau khi viện này bị sáp nhập vào BRIN.
“Đây là một bước thụt lùi bất thường đối với khoa học Indonesia," theo Satryo Brodjonegoro, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia. Brodjonegoro nghi ngờ rằng chính phủ đang tìm cách tập trung hóa các viện nghiên cứu để tăng cường quyền kiểm soát. Brodjonegoro nói, "cuộc di cư" này làm gián đoạn nghiên cứu và đáng lẽ không nên xảy ra. "Khoa học là làm việc theo nhóm, chúng ta không thể cứ thế phá vỡ các nhóm nghiên cứu," Brodjonegoro nói.
Đối với Viện Eijkman, lần sáp nhập này chấm dứt một kỷ nguyên. Ra đời vào năm 1888 và nằm trong một tòa nhà đẹp đẽ ở trung tâm Jakarta, Viện Eijkman được đặt tên theo giám đốc đầu tiên của nó, nhà nghiên cứu bệnh học người Hà Lan Christiaan Eijkman, người đã giành giải Nobel năm 1929 cho nghiên cứu dẫn đến việc phát hiện ra vitamin B1. Viện đóng cửa vào những năm 1960 nhưng được phục hồi vào năm 1992 bởi Bộ trưởng Khoa học Bacharuddin Jusuf Habibie, một kỹ sư sau này trở thành tổng thống. "Habibie nhận ra Indonesia cần phải có năng lực về khoa học cơ bản," Sudoyo, một trong những nhà khoa học đầu tiên được thuê sau khi Viện Eijkman mở cửa trở lại, cho biết.
Laksana Tri Handoko, người đứng đầu BRIN, nói việc sáp nhập Viện Eijkman khá rắc rối vì Viện đã thuê quá nhiều nhân sự theo hợp đồng tạm thời, và BRIN không công nhận những hợp đồng này. Ngoài ra, Handoko muốn tăng tỷ lệ các nhà khoa học có bằng Tiến sĩ, do đó các nhà nghiên cứu tại Viện Eijkman chưa có bằng chỉ có thể tiếp tục làm việc nếu họ nhập học chương trình Tiến sĩ ở một trường đại học. Nhưng các nguồn tin tại Viện Eijkman cho biết BRIN chỉ cho nhóm này 3 tháng để nhập học - và nhiều người đã không theo kịp thời hạn. Tất cả các chương trình nghiên cứu thuộc Viện Eijkman sẽ được chuyển đến trụ sở BRIN ở Cibinong, cách Jakarta khoảng 50 km về phía nam. Các hoạt động khác sẽ được chuyển giao cho Bộ Y tế, và cơ quan này sẽ kế thừa tòa nhà trụ sở cũ của Viện.
Sudoyo, người đang cộng tác với Đại học Indonesia, cho biết sẽ rời Viện Eijkman và cố gắng tìm một nơi để tiếp tục nghiên cứu với các đồng nghiệp hiện tại của mình. "Điều quan trọng nhất đối với tôi là đội ngũ," Sudoyo nói. Nhóm Sudoyo đã có một số khoản tài trợ quốc tế và đang hy vọng các nhà tài trợ hiểu được tình thế khó xử này ở Indonesia và cho phép giữ các khoản tài trợ kể cả khi không còn làm việc tại Viện.
Không chỉ các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật viên trên tàu nghiên cứu Baruna Jaya, do Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ Indonesia điều hành, cũng tỏ ra bất đồng và đã tổ chức biểu tình. BRIN đã tiếp quản cơ quan này, và 50 người sẽ phải nghỉ việc sau khi trở về từ nhiệm vụ trên đảo Sumba. “Trước khi chúng tôi khởi hành, họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi có thể làm việc thêm 6 tháng nữa. Nhưng bây giờ, họ đang buộc chúng tôi phải rời đi," Andhika, kỹ thuật viên đã làm việc trên con tàu được 7 năm, cho biết. (Giống như nhiều người Indonesia, Andhika tên chỉ có một chữ.)
Một số nhà khoa học phàn nàn bộ máy hành chính mới rất cồng kềnh. Chẳng hạn, Ibnu Maryanto, nhà sinh vật học tại BRIN, cho biết, để tiến hành chuyến thám hiểm, nhóm nghiên cứu sẽ phải làm các thủ tục đăng ký riêng cho việc đi lại và việc vận chuyển vật liệu, trong khi thủ tục vốn đã chậm và rườm rà. Tại Herbarium Bogoriense - vườn bách thảo thuộc LIPI, nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập thực vật khô lớn nhất thế giới - Maryanto cho biết các nhà nghiên cứu rất khó tiếp cận các mẫu sau khi BRIN tiếp quản bộ phận nghiên cứu thực vật của LIPI. “Tôi sợ rằng trong tương lai, các nhà khoa học sẽ không gửi các bộ sưu tập thực vật về đây do lo ngại thủ tục tiếp cận khó khăn," Maryanto nói.
Tuy nhiên, theo một số người khác thì còn quá sớm để đánh giá BRIN. Muhandis Shiddiq, nhà vật lý trước đây làm việc tại LIPI và hiện tại BRIN, cho biết: “Mọi sự tái cơ cấu đều cần có thời gian."
Nguồn: