Ngày 26/7/2019, tại hội thảo trực tuyến giới thiệu báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019 và kết quả của Việt Nam, có ý kiến cho rằng để thay đổi về chất của hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có mức đầu tư thích đáng cho khoa học, nâng cao tỷ lệ chi cho R&D gấp ba lần hiện nay.
Hội thảo này do Bộ KH&CN phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam ở Liên Hợp Quốc cùng một số tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ tổ chức.
Đứng đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chỉ số GII - bộ công cụ đánh giá năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế, đã được WIPO liên tục hoàn thiện qua các năm và hiện là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Chỉ số GII với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số vẫn được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh và 2 trụ cột đầu ra là Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.
Theo báo cáo vừa được tổ chức WIPO công bố, Chỉ số GII năm 2019 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quan trọng hơn, Việt Nam có sư ̣tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018) và đầu ra (tăng 4 bậc so với năm 2018), cũng như có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình.
Kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng quan trọng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Một số chỉ số có cải thiện đáng chú ý so với năm 2018 là: Trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; Tín dụng tăng 4 bậc; Tăng năng suất lao động tăng 3 bậc. Và đặc biệt là hai chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những bước nhảy vọt, cụ thể là: chỉ số Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc; và chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc. Những chỉ số này thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cùng các giải pháp tập trung vào thu hút các nguồn lực của xã hội cho khoa học và công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, khẳng định sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang đi rất đúng hướng, tạo ra những kết quả rất thiết thực, cụ thể. Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2021.
Kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry đánh giá cao thứ hạng 42 của Việt Nam trong bảng xếp hạng, coi đây là kết quả tốt, đáng khích lệ trong bảng xếp hạng toàn cầu, đặc biệt trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, cũng như trong khu vực ASEAN.
Từ góc độ người quan sát các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nhiều năm, ông Sacha Wunsch –Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, cho rằng, xu hướng tăng dần về thứ hạng Chỉ số GII qua các năm đã khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Khi đi tới nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu về Chỉ số GII, tôi hay lấy Việt Nam như một ví dụ bởi ít nơi nào có được sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nhằm cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia như Việt Nam”, ông nói.
Việc gia tăng thứ hạng thể hiện rất rõ ở các chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo, đặc biệt ở các chỉ số quan trọng như tổng chi cho nghiên cứu và phát triển, sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ. Điều này cũng phản ánh thực tế diễn ra tại Việt Nam trong hai năm 2018, 2019 khi bắt đầu xuất hiện xu hướng gia tăng đầu tư cho R&D ở các tập đoàn tư nhân và nhà nước như VinGroup, CMC, Trường Hải, Phenikaa, Dầu khí Việt Nam...; đồng thời, các hoạt động nghiên cứu trong trường đại học cũng được đẩy mạnh theo xu thế công bố quốc tế đi kèm với các sản phẩm đổi mới sáng tạo khác như các công nghệ có thể chuyển giao, các bằng phát minh, sáng chế. Một trong những kết quả bước đầu là trong năm 2019, lần đầu tiên hai trường đại học của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM lọt top 1000 đại học thế giới.
Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Trước những chuyển biến này ở Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - nhận định, đây là một phần từ sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo nói riêng thông qua các hoạt động/dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng sáng tạo, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tương đồng với nhận định này, ông Sacha Wunsch – Vincent cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực thi hiệu quả nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo hơn nữa. Với kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy, trong số những kết quả của Việt Nam thể hiện qua 7 trụ cột đầu vào và đầu ra thì chỉ có hai trụ cột tri thức công nghệ và trình độ phát triển của thị trường thực sự tốt. Chính vì vậy, Việt Nam cần có được những chính sách và cách thức đầu tư cho đổi mới sáng tạo thực chất hơn để các hoạt động này đủ sức tạo ra chuyển biến về chất hơn về lượng. Những chính sách này có thể thể hiện ở việc tăng cường cho đầu tư R&D, gia tăng hàm lượng nội địa hóa trong xuất khẩu công nghệ cao cũng như đóng góp và giá trị gia tăng xuất khẩu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chú ý cải thiện kết quả ở những trụ cột về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, trình độ kinh doanh…
Không chỉ có tác động đem lại những thứ hạng mới trên bảng xếp hạng toàn cầu, đổi mới sáng tạo còn là một trong những yếu tố mang tính mấu chốt để Việt Nam vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Ông Sacha Wunsch – Vincent đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển dịch chậm từ phương pháp truyền thống để tăng trưởng; thúc đẩy các chính sách để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài để nâng cao năng lực trong nước; tăng cường hợp tác công tư, đưa liên kết này thành động lực cho tăng trưởng và ĐMST; giữ vững đà tăng trưởng về chất lượng của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nâng cao; tiếp tục tích hợp và áp dụng các kế hoạch/chiến lược sở hữu trí tuệ đáp ứng nhu cầu và chính sách trong nước.
Những thay đổi về mặt chính sách này cần được thể hiện một cách thiết thực thông qua quan điểm đầu tư cho R&D nói chung. “Hiện nay tỉ lệ chi cho nghiên cứu và triển khai so với GDP của Việt Nam chỉ là 0.5%, trong khi thông thường để thay đổi về chất của đổi mới sáng tạo thì mức đầu tư này phải gấp ba lần, ở mức 1.5%, từ đó mới có thể có những đột phá về kết quả đầu ra như số lượng đăng kí sáng chế và các tài sản trí tuệ khác góp phần nâng cao chất lượng của đổi mới sáng tạo”, ông Sacha Wunsch – Vincent nêu. Tuy nhiên, Việt Nam không nên dàn trải các nguồn lực đầu tư mà “nên lựa chọn 3 đến 4 ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, có nhiều khả năng tác động đến kinh tế xã hội như biến đổi khí hậu, y tế, nông nghiệp… để tập trung các chính sách, nguồn lực đầu tư vào các hoạt động, nhiệm vụ”, ông gợi ý.