Với một thị trường dược được đánh giá là tồn tại nhiều đầu mối trung gian làm gia tăng chi phí, giải pháp sử dụng nền tảng công nghệ thông tin nhằm kết nối trực tiếp các bên và tạo ra dữ liệu sẽ giúp tiết kiệm chi phí và minh bạch hóa quy trình.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao giải cho Medlink – startup vượt qua 400 dự án của người Việt trên toàn thế giới để vô địch Vietchallenge 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao giải cho Medlink – startup vượt qua 400 dự án của người Việt trên toàn thế giới để vô địch Vietchallenge 2019.

Vấn đề đặc thù của ngành dược Việt Nam

“Nhiều mặt hàng thuốc cũng có ‘giá vô cùng’, đặc biệt là các biệt dược hiếm càng khiến người tiêu dùng dễ rơi vào ma trận khi thị trường dược nhiều đầu mối và thiếu minh bạch”, anh Tuấn Anh, sáng lập của Medlink nói với chúng tôi khi mở đầu cuộc nói chuyện về những vấn đề đặt ra với ngành dược hiện nay.

Nhiều năm nay truyền thông liên tục đưa tin về thực trạng thuốc giả len lỏi vào nhiều nhà thuốc trên thị trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nhưng công tác quản lý, giám sát vẫn còn nhiều lỗ hổng. Để đảm bảo chất lượng dược phẩm và quản lý nhà thuốc, nhà nước đã có quy định Thực hành nhà thuốc tốt (GPP) nhưng việc quản lý, giám sát chưa hiệu quả, tới mức vẫn có tình trạng “đụng đâu sai đó” ở các nhà thuốc và phòng khám tư nhân. Đơn cử, Hà Nội có 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập nhưng nguồn nhân lực đi kiểm tra của Sở Y tế chỉ gồm 6 người, nên nếu căng hết sức cũng phải 10 năm mới quay lại một hiệu thuốc.

Quản lý dược ở Việt Nam còn có những đặc thù do hệ thống phân phối có cấu trúc rất phức tạp với quá nhiều bộ phận nhỏ lẻ trái ngược với thị trường dược phẩm thế giới - thường tập trung hóa chuyên môn và có các hệ thống phân phối lớn chi phối. Ngành dược ở Việt Nam có hai kênh phân phối chính là kênh đấu thầu vào bệnh viện (ETC) và kênh bán lẻ (OTC). Trong đó, theo điều tra thị trường của FPT Retail, đơn vị đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu thì phần lớn thuốc ở Việt Nam đang được phân phối qua các nhà thuốc đơn lẻ (chiếm khoảng 65 - 70%). Còn về phía các nhà thuốc bán lẻ, họ sẽ nhập thuốc từ khoảng hơn 300 nhà phân phối sỉ nước ngoài và khoảng 900 nhà phân phối trong nước. Ngoài ra, bên thứ ba ít chịu sự quản lý chặt chẽ nhưng đang có quyền lực chi phối trong mạng lưới phân phối dược phẩm là hệ thống chợ thuốc tại TP.HCM và Hà Nội. Như vậy, để thuốc tới được tay người dùng cuối cùng, đã có nhiều tầng nấc trung gian khiến giá thành bán lẻ cao hơn, có những loại thuốc gánh chi phí cho các khâu trung gian này chiếm khoảng 30% giá thuốc. Làm sao để có thể tiết giảm được các khâu trung gian để giá thành thuốc trở “dễ chịu” hơn?

Ba vấn đề trên đòi hỏi phải có những thay đổi trong quản lý ngành dược, nhằm giúp giảm giá thành do khâu trung gian mang lại, cũng như kết nối từ nhà cung cấp, nhà thuốc tới người tiêu dùng để đảm bảo một “hệ sinh thái” minh bạch.

Xuất thân từ một gia đình có cửa hiệu bán thuốc từ đầu những năm 1990 ở chợ thuốc Ngọc Khánh, Hà Nội, nhìn thấu tất cả những vấn đề đặt ra đối với ngành dược như vậy nên anh Tuấn Anh cùng cộng sự ở Medlink đã đặt mục tiêu xây dựng một giải pháp nhằm giải quyết những nút thắt trên.

Gia tăng kết nối

Giải pháp mà Medlink đưa ra là sử dụng công nghệ thông tin nhằm kết nối các đầu mối nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà thuốc và cả người tiêu dùng trong hệ sinh thái của ngành dược cũng như số hóa dữ liệu từ tất cả các đầu mối trong hệ sinh thái ngành dược. Cụ thể, Medlink tạo ra một bộ công cụ, gồm ba ứng dụng dành cho ba đối tượng trên. Đối với nhà thuốc “khi tham gia hệ thống sẽ sử dụng hệ thống phần mềm kết nối, liên thông sẵn lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dược với chi phí rẻ (chỉ 100.000 một tháng). Thứ hai là nhà thuốc có thể tinh gọn hơn bằng cách sử dụng app Medlink để nhập thuốc online từ các nhà cung cấp nhằm tối ưu hóa được chi phí bán hàng, giảm chi phí cố định hằng tháng, thuê mặt bằng, thuê nhân viên, thông qua đó nhà thuốc có thể dễ dàng tăng doanh số bán hàng mà không phải phụ thuộc vào mặt bằng (hiện nay các nhà thuốc muốn phát triển phải phụ thuộc nhiều vào mặt bằng). Thứ ba là medlink cung cấp phương thức để nhà thuốc đặt hàng trực tiếp với nhà cung cấp với chiết khấu tối đa”, anh Tuấn Anh giải thích.

Medlink giúp kết nối công ty dược, nhà thuốc và người tiêu dùng nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh tối đa trong khâu phân phối.
Medlink giúp kết nối công ty dược, nhà thuốc và người tiêu dùng nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh tối đa trong khâu phân phối.

Với công ty dược, phần mềm của Medlink sẽ giải quyết vấn đề về hệ thống phân phối cũng như giúp công ty dược giảm bớt chi phí khâu trung gian trong kênh phân phối bằng cách chuyển thẳng thông tin dữ liệu thuốc, cập nhật tình hình mới tới các nhà thuốc. Trước đây, công việc kết nối này hoàn toàn thuộc về trình dược viên, ví dụ như một công ty dược có thể cần tới 50 trình dược viên để duy trì mạng lưới khoảng 5000 nhà thuốc. Nhưng khi “dùng medlink thì con số này giảm xuống, một trình dược viên có thể phủ được nhiều nhà thuốc hơn trước kia rất nhiều, có khi vẫn mạng lưới ấy chỉ cần 20 trình dược viên hoặc ít hơn”, anh Tuấn Anh nói.

Còn đối với người dùng, khi sử dụng một ứng dụng (miễn phí), thì sẽ nhìn thấy tất cả những nhà thuốc nào có sẵn loại thuốc mình cần tìm kiếm trong phạm vi bán kính 5km.

Nhưng ý tưởng về một platform như của Medlink là rất mới, vì trước đó, dù đã có các phần mềm quản lý nhà thuốc của một số ông lớn công nghệ trong nước tung ra thị trường, các nhà thuốc buộc phải sử dụng một phần mềm quản lý theo quy định hiện hành (Đề án “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát, quản lý đơn thuốc điện tử” yêu cầu đến 2020 các nhà thuốc phải có hồ sơ điện tử) nhưng đó mới chỉ thuần túy là quản lý hoạt động riêng ở từng nhà thuốc, nhằm nộp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan quản lý. Còn việc kết nối cả hệ sinh thái này chưa có tiền lệ. Cho nên đội ngũ công nghệ thông tin của Medlink phải liên tục nghiên cứu và thử nghiệm thị trường để dò tìm phương án tối ưu.

Thực ra, để thiết kế các ứng dụng này của Medlink không quá khó khăn, “cao siêu” về mặt kỹ thuật, nhưng làm sao để tối ưu và thân thiện với người dùng, phù hợp với ngành dược thì lại cần phải điều tra khách hàng kỹ lưỡng. Nên đội ngũ nhân viên của Medlink hiện nay chủ yếu làm về công nghệ thông tin chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống ban đầu và đi “chào hàng” ở từng công ty dược và từng nhà thuốc ngay tại Hà Nội. “Chúng em chưa biết phần mềm mình thiết kế có phù hợp với người dùng không, giao diện đã thuận tiện chưa nên phải đi khảo sát khách hàng, ít nhất là phải khoảng 100 mẫu mới đủ khẳng định”, Lê Văn Cương, quản lý dự án của Medlink kể. Nhưng không phải nhà thuốc nào cũng sẵn lòng thử nghiệm một sản phẩm công nghệ mới, như Cương kể “chúng em đi rất nhiều nhà thuốc mà cũng bị đuổi về nhiều”. Các nhà thuốc hoặc công ty dược do những người trẻ điều hành và quen với sử dụng công nghệ thông tin thường dễ dàng chào đón và thử nghiệm sản phẩm hơn là những đơn vị có ông chủ cứng tuổi. Để đưa ra một sản phẩm cuối cùng, nhóm công nghệ phải làm bản thử tới lần thứ năm mới chốt nên đã phải chấp nhận bị “đuổi về” rất nhiều lần, và tập trung vào các nhóm nhà thuốc, công ty dược của người trẻ trước. Sau đó mới tiến dần theo các kênh của công ty dược (ví dụ đề nghị tặng kèm thời gian sử dụng miễn phí cho nhà thuốc khi họ mua hàng của các công ty dược mà Medlink cung cấp phầm mềm). Tất nhiên, cũng có khi thất bại, vì nhóm của Cương đã từng nghĩ là viết ứng dụng cho máy tính tốt rồi thì nên chuyển sang làm thêm cho điện thoại, nhưng hì hụi làm rồi đưa đi thử nghiệm thì khách hàng lắc đầu. Chỉ vì đơn giản là điện thoại bé, không thuận tiện cho việc nhập cơ sở dữ liệu.

Nhưng nhờ cẩn thận trong quá trình thử nghiệm như vậy, nên dù mới ra đời từ 2018, ý tưởng của Medlink được đánh giá cao, giành giải ba ở Techfest 2018 và giải nhất Vietchallenge 2019 và đã được khoảng 1000 nhà thuốc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số công ty thuốc lớn như Sao Thái Dương, Công ty cổ phần dược Trung ương 3, Medical VN... sử dụng.

Trên con đường mở rộng quy mô phát triển với dự tính chiếm lĩnh khoảng 20.000 nhà thuốc và bước chân về các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tới đây Medlink dự kiến sẽ mở rộng tìm hiểu thị trường Đông Nam Á, vì các nước trong khu vực cũng có đặc thù phân phối thuốc tương đối giống Việt Nam. Bước đầu, Medlink đã mạnh dạn đi thi Techsauce? ở Thái Lan và cũng giành giải nhất chung kết. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thị trường Thái Lan cũng quan tâm đến bài toán mà Medlink giải. Medlink đã gọi vốn được từ một số nhà đầu tư như Accelerate Asian ở Singapore...

Tuy nhiên, việc gọi được vốn ngay không có nghĩa là nhận được vốn ngay tắp lự. Trong khi AA sẵn sàng rót vốn ngay vào Medlink thì quy định tài chính hiện nay yêu cầu AA phải có đại diện ở Việt Nam, tài khoản ở Việt Nam. Thấy “thủ tục phức tạp như vậy, mà AA thì đâu sẵn sàng mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, nên Medlink phải đăng ký phải thành lập thêm một đơn vị khác là Medlink singapore để nhận vốn. Gần như ký xong termsheet là chuyển tiền luôn, thuế gần như không có”, anh Tuấn Anh nói. Đây cũng không phải là trường hợp riêng có của Medlink, mà thực tế có tình trạng dịch chuyển của các startup đăng ký và nhận vốn ở Singapore vì ở đây thủ tục gọi, nhận vốn rất đơn giản.

Medlink cũng vấp phải một khó khăn chung với các startup công nghệ khác, theo anh Tuấn Anh, đó là các công ty công nghệ lớn như PFT hay Viettel đã nắm giữ các đặc quyền, được các Sở Y tế mặc định là phần mềm bắt buộc mà các nhà thuốc phải sử dụng. Vừa rồi cơ quan quản lý “đã có đính chính nhưng [chúng tôi] cũng thiệt hại rồi vì có nhà thuốc đang dùng phần mềm của Medlink lại hủy và chuyển sang các phần mềm được coi là mặc định đó”, anh Tuấn Anh nói.

Nhìn vào những khó khăn trên, anh Tuấn Anh đánh giá, đó là tình trạng chung của tất cả các đơn vị khởi nghiệp của Việt Nam khi cung cấp giải pháp cho từng ngành, “cả tài chính, viễn thông đều gặp chứ không chỉ là dược” và “doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ buộc phải tìm cách thích nghi”. “Tất nhiên là mình thấy rào cản đó rất phí, tôi tin là chúng tôi và các startup sẽ phát triển tốt hơn nữa nếu không có rào cản như thế này”, anh Tuấn Anh nói. “Đó là những điều hành chính sách ở tầm vĩ mô nhưng đang ảnh hưởng trực tiếp tới các đơn vị khởi nghiệp, khiến các đơn vị không lớn nhanh được”.