Những bài học rút ra từ quá trình chuyển đổi các ngành công nghiệp của nước Úc sẽ rất hữu ích cho Việt Nam ngay trong quá trình chuyển dịch công nghiệp.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Với mong muốn tìm hiểu những kinh nghiệm mà Úc, một quốc gia có trình độ KH&CN phát triển và bắt đầu tạo được nền tảng khá vững vàng về công nghệ 4.0 có được trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với Đại học RMIT tổ chức tọa đàm “Chiến lược Việt Nam - Úc: Hợp tác phát triển Công nghiệp 4.0”vào ngày 11/12.

Tạo liên minh doanh nghiệp-đại học để dẫn dắt chuyển đổi công nghiệp

Câu chuyện thành công của Úc được khởi nguồn từ nhận thức của chính phủ. Nhận thấy “Công nghiệp 4.0” là một cơ hội mới, không chỉ hứa hẹn đem lại sức phát triển của ngành công nghiệp trong nước mà còn là “nút khởi động” cho sự phát triển mới của xã hội, chính phủ Úc đã cho rằng, tương lai của đất nước phải được xây dựng trên cơ sở các công nghệ 4.0. Trong quá trình “theo dấu” sức hấp dẫn của khái niệm “Công nghiệp 4.0”, Úc đã quan sát Đức - quốc gia khởi nguồn của khái niệm này. Đức là quốc gia đi đầu trong việc đưa khái niệm này vào kế hoạch hành động cấp quốc gia, đó là “Chiến lược công nghệ cao đến năm 2020” thông qua vào năm 2012 với việc phát triển công nghệ, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

Sự ra đời của Công nghiệp 4.0 tại Đức đã thúc đẩy các nước tiên tiến khác như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ phát triển các chương trình tương tự nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4).

Nhận thấy lợi thế và nhu cầu nguồn nhân lực của Đức, Úc đã quyết định hợp tác với Đức để cùng phát triển công nghệ mới. GS Aleks Subic, Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số của Đại học RMIT, một trong những trường đại học thuộc nhóm làm việc chung AiGroup trong khuôn khổ hợp tác chiến lược Đức-Úc, chia sẻ tại tọa đàm: “Quá trình hợp tác này đến nay đã diễn ra trong hơn bảy năm. Chúng tôi đã cùng thiết lập và vận hành mạng lưới các Trung tâm Công nghiệp 4.0 tại Úc và các chương trình thí điểm về công nghệ kỹ thuật số, vốn đang góp phần chuyển đổi toàn diện các ngành sản xuất thông qua hợp tác ba bên giữa chính phủ, doanh nghiệp và khu vực hàn lâm”.

Mặc dù trước đó một số trường đại học ở Úc đã có mối quan hệ quốc tế với các tập đoàn toàn cầu, bao gồm các doanh nghiệp của Đức, tuy nhiên theo GS Subic, thỏa thuận hợp tác quốc tế năm 2016 giữa hai quốc gia đã khiến hợp tác song phương trở nên chặt chẽ hơn. Sau một vài năm xây dựng các chiến lược và nhóm công tác chung, Úc đã từng bước định hình được khung triển khai công nghiệp 4.0 của mình.

Có nhiều khía cạnh cơ bản làm động lực cho Úc chuyển đổi, trong đó giáo dục và đào tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. “Mô hình của Đức trong Công nghiệp 4.0 không chỉ là việc thực hiện các quản lý nhà nước mà còn là sự kết hợp của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo để dẫn dắt sự thay đổi trong cả xã hội”, ông Jeff Connelly, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Siemens ở Úc và New Zealand, một trong những đối tác chính thuộc nhóm công tác chung giữa hai nước, nhấn mạnh.

Theo đó, các tập đoàn Đức (chủ yếu là sản xuất) đã liên kết với trường đại học tại Úc để xây dựng một loạt hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo và chương trình đào tạo đáp ứng kỹ năng sẵn sàng làm việc theo nhu cầu mới. Những liên minh như trung tâm công nghiệp số đổi mới sáng tạo Siemens - RMIT - Festo đã mở ra giải pháp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn.

Các chuyên gia Úc đánh giá rất cao vai trò cầu nối của những nhóm công tác đặc nhiệm có sự kết hợp nguồn lực song phương. Thông qua việc thực hiện các báo cáo chung, họ không chỉ giúp theo dõi và định hướng cho các doanh nghiệp trong ngành mà còn giúp Chính phủ Úc thực hiện các đề xuất mới về công nghiệp 4.0. Những buổi gặp gỡ, đối thoại thường niên và hoạt động trải nghiệm doanh nghiệp trong khuôn khổ làm việc chung đã tăng cường khả năng hiểu biết công nghệ mới và cơ hội hợp tác sâu hơn.

Những bài học cho Việt Nam

Bài học thành công trong liên kết của Đức và Úc trong việc liên kết khu vực công nghiệp với khu vực học thuật có thể là mô hình đáng học hỏi cho Việt Nam. So với một trường tư có lịch sử lâu đời và truyền thống hợp tác với các doanh nghiệp lớn như RMIT hay RMIT Việt Nam, phần lớn các trường công trong nước dường như chậm chân hơn bởi tư duy phân biệt “hàn lâm” và “ứng dụng” đã ăn sâu khiến mối quan hệ viện trường-doanh nghiệp bị đứt gãy. Tuy nhiên, một số trường thực sự đang nỗ lực thay đổi.

Chẳng hạn, Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã thiết lập được mối quan hệ với Siemens để xây dựng “Phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0”. Mô hình này được đại diện Bộ Công Thương đánh giá là “hiệu quả và có khả năng nhân rộng” khi giúp Trường trong vòng một năm đào tạo được hơn 2.200 sinh viên thuộc 4 lĩnh vực cơ khí, công nghệ điện, điện tử và công nghệ thông tin. Hay ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết đang thí điểm mô hình hợp tác cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất để thu được nhân lực đầu ra theo yêu cầu của đối tác, áp dụng với chương trình đào tạo về cơ khí tại Trường ĐH Công nghệ, và chương trình về bán dẫn ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.


.

Việt Nam có cách tiếp cận rất thận trọng vì không phải là quốc gia đi đầu về công nghệ hay CMCN4.0 tuy nhiên để chủ động tham gia vào cuộc đua này, những kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp 4.0 của nước Úc sẽ là cơ hội để Việt Nam học hỏi và chọn lọc những gì hữu ích và phù hợp với tiềm năng, nguồn lực của mình.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy


Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như VinGroup, FPT, Viettel, VNPT hay Ericson cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ vào quá trình đào tạo và nghiên cứu của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, phần lớn các bên đều thừa nhận còn rất nhiều điều phải vượt qua để có được mối quan hệ hợp tác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh tư duy thay đổi vẫn còn rụt rè, nhiều mô hình liên kết mới đang ở giai đoạn thí điểm và một số Luật vẫn cần cải thiện để tạo hành lang thông thoáng hơn cho việc hợp tác.

Một bài học quan trọng khác mà Đức chia sẻ cho Úc và Việt Nam là làm sao để lôi kéo các doanh nghiệp không phải công nghệ tham gia vào tiến trình thay đổi. “Có sự khác biệt lớn giữa các công ty lớn với các công ty vừa và nhỏ, giữa các công ty 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0. Quy mô và xuất phát điểm của các công ty không giống nhau, do vậy giữa họ luôn có khoảng cách và có thể gia tăng”, ông Volker Schmid, Trưởng bộ phận Châu Á Thái Bình Dương công ty Festo Didactics nhận xét.

Làm sao để những doanh nghiệp này cũng hiểu và tham gia vào, ông Schmid cho rằng điều này sẽ cần đến vai trò dẫn dắt rất lớn của chính phủ trong việc tuyên truyền và xây dựng chính sách: “Việt Nam không thể làm theo cách các nước dư nguồn lực như Đức làm, do vậy phải tính toán để đưa những thay đổi vào trong chính lĩnh vực giáo dục, và thông qua giáo dục để thay đổi những gì cần có cho tương lai, đặc biệt là các kỹ năng ứng dụng công nghệ”. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong các nhóm đối tác chung, GS Subic cũng nhấn mạnh vai trò then chốt chủ chính phủ trong việc làm sao để các bên liên quan hợp tác với nhau một cách hiệu quả.

Đáp lại những bài học chia sẻ này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, sẽ thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên để Việt Nam và Úc có thể trao đổi chuyên sâu các nội dung hợp tác. “Tọa đàm này là sự kiện khởi đầu cho một chuỗi đối thoại tiếp theo và những dự định hợp tác khác. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tạo lập được một nền tảng hoặc nhóm làm việc chung về công nghiệp 4.0”, ông nhấn mạnh. Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị RMIT với vai trò là một trường đại học quốc tế hàng đầu sẽ phối hợp chặt chẽ với nhiều trường đại học khác trong nước trong việc đào tạo, nghiên cứu và thiết lập quan hệ quốc tế.

Từ năm 2018, Việt Nam và Úc đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao & Thương mại Australia và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp & Khoa học Thịnh vượng chung (CSIRO) đã khởi động chương trình tăng cường thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (gọi tắt là Aus4Innovation) lên đến 10 triệu đô la Úc cho giai đoạn 2018-2022 vì mục tiêu xây dựng và củng cố mối liên hệ hợp tác lâu dài giữa các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học ở cả hai nước, bên cạnh việc hỗ trợ Việt Nam nắm bắt những cơ hội từ xu hướng CMCN4.0.