Các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài được mở ra nhằm mang lại cho sinh viên cơ hội có bằng cấp quốc tế với chi phí thấp hơn du học và có việc làm tốt hơn; đồng thời giúp các cơ sở giáo dục đại học quảng bá hình ảnh và cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

Tuy nhiên, từ góc độ của người trong cuộc, vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa thực tế với những kỳ vọng trên.

Trong bối cảnh xu hướng du học ngoài biên giới đang trở nên bão hòa, các quốc gia là điểm đến du học yêu thích hiện đang chuyển sự chú ý sang việc cung cấp các chương trình học cho sinh viên quốc tế tại chính nước sở tại. Bên cạnh đó, các quốc gia thường xuất khẩu sinh viên, chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, đã và đang nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác giáo dục quốc tế để thu hút sinh viên trong nước. Qua đó, các cơ sở trong nước có thể tự đào tạo nhân lực, giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng tránh chảy máu chất xám và hạn chế nguồn tiền đầu tư cho giáo dục đổ ra nước ngoài. Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng xác định liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đổi mới, phát triển giáo dục đại học nước nhà.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số hồ sơ đăng ký vào Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) tăng gấp đôi. Được biết, các chương trình đào tạo đại học ở USTH đều được công nhận đạt chuẩn quốc tế. Trong ảnh: Một giờ học của sinh viên ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh tại USTH. Ảnh: USTH

Liên kết đào tạo đại học ở Việt Nam sơ khởi vào khoảng những năm cuối của thập niên 1990. Thế nhưng mãi đến năm 2005 thì kiểm định chất lượng mới được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi và tới năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo.

Vài năm trước, các chương trình liên kết có xu hướng chững lại, nhiều chương trình phải chấm dứt hoạt động vì không tuyển sinh được. Tuy nhiên, bối cảnh hậu đại dịch COVID có thể mở ra cơ hội mới cho các chương trình liên kết ở Việt Nam.

Nhằm có một bức tranh thực tiễn về quản lý chất lượng và vận hành các chương trình liên kết trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, ba tác giả Nguyễn Hữu Cương, Nhan Thị Thủy và Tạ Thị Thu Hiền đã tiến hành phỏng vấn 45 điều phối viên, giảng viên và sinh viên từ 5 trường đại học - cả công lập và tư thục ở 3 miền. Kết quả của các phỏng vấn trên được công bố trên Asia Pacific Education Review, tạp chí được chỉ mục trong SSCI và Scopus Q2.

Từ các trải nghiệm của những người trong cuộc, 6 khía cạnh chính được nhóm tác giả bàn tới trong bài gồm: lựa chọn đối tác, yêu cầu tuyển sinh đầu vào, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và tài nguyên giáo dục, đội ngũ giảng viên và đảm bảo chất lượng.

Lựa chọn đối tác: Phụ thuộc vào vị thế từng trường

Theo một số nghiên cứu trước đây, các đại học Việt Nam gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài do phía đối tác đòi hỏi chi phí cao cùng nhiều yêu cầu rườm rà khác. Phía Việt Nam do ở vị thế thấp hơn, thường dễ dàng chấp nhận hợp tác với bất kỳ đối tác nào, dẫn tới một số sai phạm đáng tiếc như đối tác ma hay bằng cấp không được công nhận.

Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Tất cả 5 cơ sở giáo dục đại học tham gia vào nghiên cứu này đều lựa chọn các đối tác uy tín, chủ yếu đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Ireland, Đan Mạch hoặc một số nước, vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Đài Loan và Malaysia. Họ kỳ vọng rằng chương trình liên kết sẽ tạo cơ hội để các đơn vị đào tạo trong nước tiếp cận được các tiêu chuẩn dạy và học khu vực và quốc tế, cùng các cơ hội hợp tác nghiên cứu.. Mặc dù chưa thể khái quát kết quả này cho toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, nhưng có vẻ như các cơ sở trong nước có uy tín thì có vị thế tốt hơn trong việc hình thành và duy trì sự hợp tác với các đối tác uy tín nước ngoài.

Chất lượng tuyển sinh thấp

Yêu cầu đầu vào của các chương liên kết nhìn chung thấp hơn hẳn so với yêu cầu bình thường của một cơ sở giáo dục nước ngoài. Ví dụ: chương trình cử nhân ở một quốc gia nói tiếng Anh thường yêu cầu học sinh có trình độ tiếng Anh tối thiểu tương đương với điểm số 6.0 hoặc 6.5 trong Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế (IELTS). Tuy nhiên các chương trình liên kết ở Việt Nam có yêu cầu lỏng lẻo hơn, sinh viên chỉ cần có điểm IELTS 5.5 trở lên.

Một nửa số sinh viên được phỏng vấn chia sẻ rằng các em đăng ký các chương trình liên kết sau khi trượt kỳ thi tuyển sinh đại học. Như vậy, điểm đầu vào các chương trình liên kết thấp hơn so với sinh viên một khóa đào tạo thông thường. Cộng với trình độ tiếng Anh không quá cao, các sinh viên rất vất vả trong quá trình theo học và thường không có động lực học tập cao. Do đó, giảng viên các chương trình này phải liên tục hỗ trợ, thậm chí là giảng lại bằng tiếng Việt để sinh viên dễ nắm bắt.

Chương trình giảng dạy: Nhập khẩu trọn gói

Một trong những điểm được đánh giá cao ở các khóa đào tạo liên kết là sự tập trung vào các kỹ năng mềm, các chủ đề học thực tế và viễn cảnh tuyển dụng sau tốt nghiệp. Tất cả các sinh viên được phỏng vấn đều đồng ý với điều này khi chia sẻ trải nghiệm học tập dựa trên dự án, thuyết trình, làm việc nhóm, viết luận hoặc các dự án nghiên cứu nhỏ. Những kỹ năng và cơ hội học tập này không phổ biến trong các chương trình phổ thông và các chương trình đại học truyền thống do sĩ số lớp học lớn và chương trình học nặng về lý thuyết. Việc đánh giá kết quả học tập ở các chương trình đào tạo liên kết có thể được coi là nghiêm ngặt, vì thường được chấm bởi giảng viên nước ngoài.

Tuy nhiên, một bất cập thường được nhắc đến là đa số nội dung đào tạo được nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài dưới dạng trọn gói. Sinh viên được học trực tiếp nội dung gốc do các tác giả nước ngoài biên soạn, đem đến những e ngại về độ phù hợp của nội dung khóa học với bối cảnh Việt Nam. Ví dụ, theo như các sinh viên được phỏng vấn, các môn thị trường quốc tế chủ yếu đòi hỏi sinh viên phải phân tích các bài tập tình huống (case study) gắn với thị trường Mỹ, hay môn Luật vốn khó lại phải áp dụng luật Malaysia trong bối cảnh Hồi giáo.

Cho đến năm 2018, Việt Nam có 525 chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ GD&ĐT cấp phép. 48,8% trong đó là chương trình cử nhân và và 42,7% là thạc sĩ, với các nước, vùng lãnh thổ hợp tác phổ biến là Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc và Đài Loan. Tính đến năm 2016, đã có gần 80.000 sinh viên theo học các chương trình này. Ngành phổ biến nhất là quản trị kinh doanh, chiếm đến hai phần ba tổng số sinh viên.

Cơ sở vật chất và tài nguyên giáo dục: Không như kỳ vọng

Chi phí cho chương trình giảng dạy liên kết cấp bằng bằng tiếng Anh cao hơn đáng kể so với chương trình thường tương đương bằng tiếng Việt. Tuy vậy, đối với 15 sinh viên được phỏng vấn trong nghiên cứu, cơ sở vật chất và nguồn lực họ được tiếp cận không được như kỳ vọng xét trên chi phí họ phải bỏ ra.

Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục có vai trò quan trọng trong hành trình trở thành những người học độc lập, có tư duy phản biện của sinh viên. Tuy nhiên, các sinh viên cho rằng cơ sở vật chất (đặc biệt là thư viện) khác xa mong đợi, đặc biệt là nếu đặt lên bàn cân với chương trình gốc ở nước ngoài. Về tư liệu giảng dạy, các giảng viên cho biết họ phải phụ thuộc vào tài liệu nước ngoài với rất ít hướng dẫn đi kèm, nên thường phải tự thân vận động bằng cách tìm kiếm thêm trên mạng.

Đội ngũ giảng viên: Nhiệt tình và có trình độ

Theo nghiên cứu này, thách thức chính đối với các chương trình liên kết đào tạo là vấn đề lịch trình của đội ngũ giảng viên nước ngoài. Mặc dù giảng viên nước ngoài được sinh viên đánh giá cao do có phong cách thân thiện và chuyên môn vững chắc, họ chỉ có thể ở lại Việt Nam vài tuần để giảng dạy trực tiếp. Sinh viên thường phải học với cường độ cao để hoàn thành lượng kiến thức trong vài tuần thay vì dàn trải trong vài tháng rồi chuyển ngay sang môn học khác. Một vấn đề phát sinh nữa, đó là do phụ thuộc vào lịch trình của các giảng viên nước ngoài, lịch học thường được thông báo gấp, khiến sinh viên không chủ động thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc thực tập khác.

Bù lại, các giảng viên Việt Nam là một nguồn hỗ trợ đáng kể cho sinh viên. Sinh viên có thể xin ý kiến tư vấn từ giảng viên Việt Nam bất cứ khi nào có câu hỏi liên quan đến định hướng nghề nghiệp hay nội dung học kể cả ngoài giờ học. Các giảng viên Việt Nam cũng tích cực khuyến khích sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu nhỏ hoặc các dự án khởi nghiệp. Các giảng viên tham gia vào các chương trình liên kết hầu hết đều là các trưởng, phó khoa hoặc trưởng bộ môn, và được đào tạo ở nước ngoài với chuyên môn và trình độ ngoại ngữ vững. Bản thân các giảng viên cũng chia sẻ rằng họ phải trải qua nhiều khóa đào tạo và tập huấn định kỳ của các cả đối tác và chính trường đại học trong nước.

Đảm bảo chất lượng: Nhiều chương trình không được bộ GD&ĐT công nhận

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, trước tiên chương trình đào tạo gốc phải được công nhận ở nước cung cấp; sau đó, phải được vượt qua quá trình kiểm định ở Việt Nam hoặc hoặc cơ quan kiểm định quốc tế.

Theo nghiên cứu, trong khi đại diện các trường đại học được khảo sát khẳng định, đối tác nước ngoài của họ là các nhà cung cấp giáo dục có uy tín, thì thực tế nhiều chương trình liên kết đào tạo của các trường này lại không được Bộ GD&ĐT công nhận, dẫn đến bằng cấp không được công nhận, gây nhiều thiệt thòi cho học viên. Chỉ 1 trong 5 trường có tất cả các chương trình hiện tại đã được các cơ quan đảm bảo chất lượng và Bộ GD&ĐT công nhận. Ba cơ quan kiểm định độc lập được lựa chọn nhiều nhất là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TPHCM, và Hệ thống Đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

Kiểm định chất lượng nội bộ được đánh giá là hiệu quả hơn. Cả giảng viên, sinh viên và điều phối viên các chương trình liên kết đều xác nhận rằng việc đánh giá giảng dạy được tiến hành thường xuyên. Phản hồi của sinh viên cũng được lắng nghe và tiếp nhận giải quyết, còn giảng viên cảm thấy có động lực để liên tục cập nhật chương trình và năng lực giảng dạy.

***

Rõ ràng, nếu các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ khi mở và vận hành các chương trình liên kết, đặc biệt là các quy trình đảm bảo chất lượng, thì các chương trình này sẽ mang lại những tác động tích cực cho sinh viên, giảng viên và cơ sở đào tạo.

Sau khi rà soát hàng loạt các chương trình liên kết hiện nay, Nhà nước cũng đã ban hành các cơ chế và khung chính sách thuận lợi. Ví dụ, Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cung cấp căn cứ pháp lý rõ ràng hơn về quy trình đảm bảo và kiểm định chất lượng liên kết đào tạo. Hay Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT quy định về hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến trong liên kết đào tạo là một bước đi nhanh nhạy của Bộ GD&ĐT trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình hình hiện nay cũng chính là cơ hội để các trường đại học trong nước thúc đẩy xây dựng các chương trình quốc tế và liên kết với các hình thức linh hoạt, vừa để tiếp nhận du học sinh Việt Nam về học tập trong nước, vừa để đáp ứng nhu cầu du học “tại chỗ” ngày càng tăng.

Nguồn:
Nguyen, Cuong Huu, Thuy Thi Nhan, and Hien Thu Thi Ta. “Joint-training programs in Vietnam: operation and quality management aspects gathered from institutional practices.” Asia Pacific Education Review (2021): 1-15.