Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, xem khi họ quyết định lựa chọn đầu tư tại một địa điểm nào thì họ nghĩ gì, cần gì và từ đó xây dựng cơ chế để thu hút và hỗ trợ cho họ.
Và đương nhiên, sự lựa chọn của họ phải là một nơi có vị trí địa lý thuận lợi, điều kiện hạ tầng tốt, môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và có chính sách ưu đãi vượt trội, hấp dẫn…
Chia sẻ về quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN - Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc – ông
Phạm Đại Dương đã cho biết như vậy.
Khó khăn chính là tạo môi trường đầu tư
Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, để các nhà đầu tư quan tâm và quyết định đầu tư thì Khu CNC Hòa Lạc phải đáp ứng các tiêu chí: Thứ nhất, phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đầy đủ. Thứ hai, phải có môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thủ tục đầu tư thông thoáng. Thứ ba, chi phí cho hoạt động đầu tư là thấp nhất.
Trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hòa Lạc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đến nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong giai đoạn trước mắt. Đến năm 2018, khi dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hoà Lạc bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản hoàn thành thì Khu CNC Hoà Lạc sẽ có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư.
Theo đó, dự thảo quyết định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc đang được Bộ KH&CN xây dựng, tập trung vào 4 nội dung chính.
Thứ nhất là, cơ chế huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc (trung ương, địa phương và các doanh nghiệp phát triển hạ tầng…). Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc sẽ được hoàn thành.
Thứ hai là, cơ chế quản lý đối với Khu CNC Hoà Lạc, Bộ KH&CN đề xuất quy định bổ sung một số thẩm quyền cho ban quản lý trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC Hoà Lạc để ban quản lý có thể phát huy tối đa sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của mình. Theo đó, ban quản lý cần phải là cơ quan chủ trì và đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm uỷ quyền cho ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ.
Thứ ba là, các cơ chế ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc như về tiền thuê đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, các loại thuế, ưu đãi về nhà ở... Hiện nay, một số quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Đất đai…) đã làm cho nhà đầu tư phải chịu một áp lực tài chính khá lớn ngay khi mới bắt đầu triển khai đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc. Chính vì thế trong cơ chế đặc thù đang xây dựng, Bộ KH&CN đã đề xuất các chính sách miễn, giảm về tiền thuê đất, tiền giải phóng mặt bằng, tiền thuế… cho các nhà đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo hấp dẫn và thu hút đầu tư, đồng thời có tính đến các mức độ ưu đãi khác nhau phù hợp với từng đối tượng nhà đầu tư và loại hình dự án cụ thể. Bên cạnh đó, để khuyến khích cho các dự án trong Khu CNC Hòa Lạc đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Bộ KH&CN đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng đất tiết kiệm và thời gian sử dụng đất ngắn.
Thứ tư là, cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục đầu tư. Bộ KH&CN dự kiến sẽ thành lập văn phòng “một cửa” tại ban quản lý để giải quyết các thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư. Hiện nay, trong Khu CNC Hoà Lạc đã có hải quan, công an. Thời gian tới mong muốn tiếp tục có cơ quan thuế, môi trường để giải quyết nhanh gọn các thủ tục...
Lý giải thêm về sự cần thiết xây dựng cơ chế đặc thù, ông Phạm Đại Dương cho biết, những năm trước đây công tác giải phóng mặt bằng cho Khu CNC Hòa Lạc gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được tháo gỡ.
“Hiện tại, khó khăn chính vẫn là việc tạo môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư. Căn cứ yêu cầu thực tế, chúng tôi đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, xem khi họ quyết định đầu tư tại một địa điểm nào thì họ nghĩ gì, cần gì và từ đó xây dựng cơ chế để thu hút. Và đương nhiên, sự lựa chọn của nhà đầu tư phải là một nơi có vị trí thuận lợi, thị trường tốt, môi trường đầu tư thông thoáng, có chính sách ưu đãi vượt trội...” - Thứ trưởng khẳng định.
Cần có sự đồng thuận
Trên thực tế, chủ trương xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là để phát triển tiềm lực KH&CN cho đất nước chứ không giống với các khu công nghiệp thông thường để sinh lợi về mặt kinh tế. Trong khi các chính sách ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể, rõ ràng và chưa có tính chất vượt trội, cũng như việc áp dụng còn nhiều vướng mắc và phức tạp sẽ là một “rào cản” đối với sự phát triển Khu CNC Hoà Lạc, nhất là trong giai đoạn hiện nay - khi Khu CNC Hòa Lạc không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… so với các khu CNC quốc gia, thậm chí so với các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận.
Từ thực tế này, Bộ KH&CN đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quyết định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc.
Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết: “Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều ủng hộ quan điểm cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc cho Khu CNC Hoà Lạc, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hoà Lạc”.
“Tuy nhiên về nguyên tắc, quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thể có các quy định trái hoặc vượt các quy định của pháp luật hiện hành nên một số bộ, ngành, địa phương chưa thể ủng hộ hoàn toàn các đề xuất của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, với góc độ quản lý nhà nước của mình, một số bộ, ngành và địa phương cũng giữ quan điểm về việc cần đảm bảo thu ngân sách của Nhà nước, nên đến nay cũng chưa thống nhất với một số chính sách ưu đãi đầu tư cho Khu CNC Hoà Lạc như đề xuất tại dự thảo quyết định” – ông Dương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, đã đến lúc cần phải có các “cú hích” và “đột phá” về cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong nhiều năm qua của Khu CNC Hoà Lạc, đặc biệt là vấn đề ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để có thể thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, góp phần làm thay đổi hình ảnh của Khu CNC Hoà Lạc một cách tích cực.
“Bộ KH&CN mong muốn các bộ, ngành và địa phương có ý kiến và quan điểm ủng hộ đối với các đề xuất của Bộ KH&CN tại dự thảo quyết định. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, rất mong các bộ nghiên cứu giải pháp tháo gỡ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo” - Thứ trưởng Phạm Đại Dương bày tỏ.
Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng chia sẻ: Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hoà Lạc, Bộ KH&CN sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để từ sau năm 2020 có thể đưa Khu CNC Hoà Lạc sang một giai đoạn phát triển mới, đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho KH&CN.
Bộ KH&CN cũng đặt mục tiêu thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực nghiên cứu - triển khai và sản xuất công nghiệp CNC của các tập đoàn quốc tế vào Khu CNC Hoà Lạc trong thời gian sắp tới để làm động lực thu hút các dự án đầu tư lớn trong nước và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội cho Khu CNC.