Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn Miền núi đã cho biết như vậy tại buổi họp Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn Miền núi ngày 19/11 tại Hà Nội do Bộ KH&CN tổ chức. Chương trình nhằm tổng kết những kết quả đã đạt được, đánh giá những thành công cũng như hạn chế trong giai đoạn 2011 – 2015.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cho biết, từ năm 2010 đến nay, Bộ KH&CN đã nhận được tổng số 463 đề xuất dự án của 62 tỉnh, thành phố và phê duyệt 322 dự án. Trong 322 dự án có 196 dự án thuộc nhóm Trung ương quản lý và 126 dự án thuộc nhóm ủy quyền địa phương quản lý.
Các dự án thuộc Chương trình chủ yếu tập trung giải quyết 03 nhóm vấn đề chính là chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng các công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình ứng dụng nhằm đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự kiến, khi các dự án kết thúc sẽ chuyển giao 2.364 lượt công nghệ và tiến bộ kỹ thuật là kết quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức nghiên cứu thông qua việc triển khai các dự án, xây dựng được 1.042 mô hình tại các địa phương.
Ông Nguyễn Thế Ích cũng khẳng định, các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề về: nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo; phát triển sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất trái vụ hướng tới sản phẩm hàng hóa; phát triển các cây trồng đặc sản của địa phương như: chè, cà phê, tiêu, bưởi, chuối,…phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô công nghiệp...
Đánh giá những kết quả đạt được của Chương trình trong thời gian qua, đa số các đại biểu đều cho rằng đây là chương trình có kết quả tốt, mức độ lan tỏa rộng rãi đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và được các địa phương đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong giai đoạn tới khi Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số” lồng ghép với “Đề án ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản” thì cần chú ý đến các việc xét duyệt các dự án, tránh chồng chéo với một số chương trình của các Bộ, ngành khác. Với chương trình này thì việc xây dựng các dự án cần chú ý đến việc cân đối các dự án cho từng lĩnh vực, vùng miền phù hợp điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, các dự án cần tăng quy mô và thời gian thực hiện,…
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đánh giá cao những kết quả mà Chương trình đã đạt được trong thời gian qua. Thông qua Chương trình nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt… đã đến được với bà con nông dân, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương. Tuy nhiên, Chương trình cần tổng kết, đánh giá cụ thể hơn nữa những khó khăn, tồn tại của giai đoạn vừa qua để có phương hướng điều chỉnh cho giai đoạn 10 năm tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới khi triển khai Chương trình trong giai đoạn 10 năm thì cần chú ý một số vấn đề như Chương trình đưa được tiến bộ kỹ thuật đến với bà con nông dân; hỗ trợ tích cực cho hai mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững và chương trình nông thôn mới; tăng cường vai trò của doanh nghiệp và xã hội hóa đầu tư cho các dự án.
Để các dự án lan tỏa được rộng rãi và tiếp tục nhân rộng khi nghiệm thu, Bộ trưởng cho rằng cần dành một phần kinh phí cho công tác “hậu dự án”, tránh tình trạng lãng phí sau khi dự án kết thúc. Với thời gian triển khai 10 năm liền, chắc chắn Chương trình sẽ đạt kết quả tốt hơn, Bộ trưởng khẳng định.