Tại tọa đàm “Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế xã hội” do Bộ KH&CN tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, số lượng bằng sáng chế không quan trọng bằng việc có chiến lược, chính sách đúng đắn để đầu tư phát triển sáng chế ở các ngành kinh tế có thế mạnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2018, Việt Nam đạt được vị trí 45/126 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII). Tuy đây là thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam nhưng vẫn chỉ trên ngưỡng mức trung bình và có những thành tố ít chuyển biến so với những những năm trước đó là nhóm chỉ số đầu ra tri thức - công nghệ và kết quả sáng tạo. Vì vậy, để góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia, Bộ KH&CN đã đẩy mạnh việc đăng ký sáng chế bởi số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, vốn là các tiêu chí cơ bản trong hai nhóm chỉ số đầu ra này.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương (WIPO) tại cuộc toạ đàm tăng cường số lượng bằng sáng chế không phải là cách làm duy nhất để dẫn đến thành công trong nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Cũng có những trường hợp khác biệt như Australia, quốc gia có năng lực nghiên cứu xuất sắc với nhiều trường đại học hàng đầu và đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng chỉ số GII năm 2018 nhưng thống kê của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Australia năm 2018 cho thấy tỉ lệ sáng chế nội địa của người Úc chỉ chiếm 20% trong tổng số sáng chế được cấp, 80% còn lại là sáng chế có chủ sở hữu nước ngoài. “Tỉ lệ sáng chế nội địa thấp không phải là rào cản trên đường đưa Australia thành một quốc gia thành công”, ông Andrew Ong nhấn mạnh.
Nên tập trung vào “chất lượng” hơn số lượng
Cũng như nhiều nước trên thế giới, từ lâu Việt Nam đã có nhiều chính sách để thúc đẩy gia tăng số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế như chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được triển khai từ năm 2005. Tuy nhiên câu chuyện của Australia đã đặt ra một góc nhìn hoàn toàn khác: Việt Nam có nhất thiết cần phải tăng cường số lượng bằng sáng chế? Hiện tại, tỉ lệ sáng chế nội địa của Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 10% (khoảng 700 sáng chế) trong tổng số lượng sáng chế được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để nâng cao chỉ số ĐMST.
Theo quan điểm của ông Andrew Ong, sự khác biệt về số lượng bằng sáng chế liên quan đến chiến lược và thế mạnh của mỗi quốc gia: “Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản,... tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ nên số lượng bằng sáng chế ở các quốc gia này nhiều hơn” trong khi Australia dường như lại có phần “thực dụng hơn” khi tập trung đầu tư phát triển những sáng chế có giá trị ứng dụng cao trong các ngành thế mạnh của mình như nông nghiệp, dịch vụ, khai thác mỏ..., trong đó ngành nông nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Sự đầu tư nghiêm túc và cái nhìn ‘thực dụng” trong khuyến khích đăng ký các bằng sáng chế có tiềm năng ứng dụng cao trong nông nghiệp bắt nguồn từ nhu cầu của đất nước: đất đai khô cằn, kém phì nhiêu, mật độ dân số thuộc hàng thấp nhất trên thế giới (chỉ khoảng 2,8 người/km²) trong khi lao động chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia chỉ chiếm 4% lao động của cả nước. Tất cả các giống cây trồng vật nuôi và công nghệ sản xuất hiện đang sử dụng trong nông nghiệp Australia hiện nay đều có nguồn gốc nhập khẩu. Bởi vậy, để tăng cường khả năng tự chủ và áp dụng các sáng chế vào thực tiễn, Australia đã thành lập các Trung tâm xuất sắc (Centre of Excellence) để nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng công nghệ cho nông dân. Với các chính sách hữu hiệu, Australia đã thành công không chỉ trong việc tự cung tự cấp nguồn lương thực cho người dân trong nước mà còn nổi tiếng với việc xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp trên toàn thế giới, tiêu biểu là thịt bò, ngũ cốc, hoa quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, rượu nho, lông cừu,...
Dù cho rằng việc đẩy mạnh số lượng sáng chế “thực dụng” của Australia là đúng đắn nhưng ông Andrew Ong cho rằng, vấn đề là làm như thế nào và lựa chọn lĩnh vực nào phù hợp để tránh trường hợp sau khi có được sáng chế nhưng lại không thể thương mại hóa. Minh chứng tiêu biểu về việc chạy theo số lượng sáng chế nhưng “bỏ quên” khả năng áp dụng trong thực tế là Trung Quốc – quốc gia có nhiều bằng sáng chế nội địa nhất trên thế giới (thống kê của WIPO từ 2008 cho đến nay) nhưng theo một khảo sát của Bloomberg năm 2018, phần lớn các bằng sáng chế của Trung Quốc đều bị hủy bỏ vào năm thứ năm kể từ lúc được cấp bằng do chủ sở hữu không muốn nộp lệ phí duy trì. Tỉ lệ hao hụt cao này là một biểu hiện cho thấy dường như Trung Quốc đang thúc ép các trường đại học, các công ty và các nhà sáng chế trong nước đăng ký nhiều bằng sáng chế, bất chấp chất lượng của chúng bởi họ coi đó như một cách để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Tháo gỡ khó khăn trong định giá sáng chế
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các nhà nghiên cứu trong các trường, viện và các doanh nghiệp tăng cường sáng tạo và đăng ký sáng chế, ông Andrew Ong nhận xét, “các chính sách của Việt Nam đã cho thấy hiệu quả khi số lượng bằng sáng chế nội địa tăng dần qua từng năm”. Tuy nhiên, ông nêu, “hạn chế lớn nhất là các chính sách này vẫn còn bị phân mảnh”, đây là nguyên nhân khiến quá trình từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm còn gặp một số khó khăn, tiêu biểu là việc đăng ký bảo hộ và thẩm định công nghệ - như phản ánh của nhiều viện trường trong tọa đàm.
Đồng tình với quan sát của ông Andrew Ong, GS. TS Huỳnh Trung Hải, trưởng phòng KH&CN (Đại học Bách khoa Hà Nội) - trường đại học nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích nhất tại Việt Nam, theo thống kê năm 2015 của Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết mặc dù là đơn vị có số lượng kết quả nghiên cứu ứng dụng đứng đầu trong số các trường đại học ở Việt Nam nhưng “trên thực tế, việc thương mại hóa sản phẩm của trường găp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc định giá sáng chế”. Điều này dẫn đến việc các giảng viên của trường “từ lúc nộp đơn cho tới khi được cấp bằng mất hàng mấy năm trời, còn với định giá sáng chế thì cứ phải loay hoay đi hỏi hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn không đâu làm được”.
Đó cũng là tình trạng chung của các nhà nghiên cứu ở những đơn vị trường, viện khác, ví dụ trường hợp của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh (Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Từ một đề tài cấp Học viện,chị đã tạo được chế phẩm nấm rễ cộng sinh có khả năng thúc đẩy sinh trưởng và diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng. Sản phẩm này đã được bảo hộ giải pháp hữu ích năm 2016 và được một số doanh nghiệp tìm đến hỏi mua công nghệ. Tuy nhiên cho tới nay, sản phẩm này vẫn chưa được chuyển giao thành công do còn lúng túng ở khâu định giá công nghệ. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh nêu băn khoăn: “Chúng tôi không biết tìm nơi nào để giúp định giá cho phù hợp”.
Để giải quyết các vấn đề nảy sinh này ở Việt Nam, ông Andrew Ong cho rằng điều quan trọng là phải có những tổ chức trung gian kết nối giữa nhưng người có nhu cầu với các đơn vị như Viện Đánh giá khoa học & Định giá công nghệ (VISTEC), Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (NIPTEX) thuộc Bộ KH&CN.
Mở rộng vấn đề để phát triển các tài sản trí tuệ
Ông Scott Morris – chuyên gia ở WIPO cũng khuyến nghị ngoài sáng chế, Việt Nam nên phát triển những tài sản trí tuệ khác như quyền tác giả trong văn hóa và du lịch – cũng là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. “Một nghiên cứu của OECD cho thấy sự gia tăng 1% giá trị trong quyền tác giả dẫn tới tăng gần 7% trong đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Đây là một chỉ số thể hiện rõ ràng tầm quan trọng cần có được sự bảo hộ quyền tác giả hiệu quả hơn”, ông Scott khẳng định, “đặc biệt là đối với Việt Nam, có rất nhiều sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống”. Hơn nữa, tiền bản quyền tác giả và xuất khẩu dịch vụ văn hóa cũng là những nội dung thuộc nhóm chỉ số đầu ra của GII. Việc làm tốt những lĩnh vực này cũng góp phần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Theo ông Morris, một trường hợp thành công tiêu biểu Việt Nam có thể học tập là Hàn Quốc. “Chỉ khoảng 15 năm gần đây, Hàn Quốc đã đi từ con số không để phát triển nền công nghiệp văn hóa khổng lồ và đưa Kpop ra toàn thế giới”. Thống kê của WIPO cho thấy ngành công nghiệp bản quyền Hàn Quốc đóng góp gần 10% GDP, cao gần gấp đôi mức trung bình thế giới, và giải quyết khoảng 6% việc làm trong nước.