Trong năm qua, các startup lần lượt ra đời giải quyết thách thức từ đại dịch, có startup nhập dòng xu hướng thế giới, có startup đạt doanh thu ngoài kế hoạch. Linh hoạt trở thành từ khóa để đi qua cơn bão và sẵn sàng cho một năm 2022 bứt phá.

Bích Nguyễn - Co-Founder Busmap: Vượt qua COVID-19 bằng sự linh động

Giống nhiều startup khác, Busmap gặp nhiều khó khăn, ví dụ phải làm việc ở nhà khiến các thành viên trong công ty kết nối khó, làm việc không hiệu quả. Sau một tháng đầu tiên khi nhìn lại kết quả và thấy hiệu suất công việc giảm xuống, chúng tôi lập tức tìm kiếm một nền tảng làm việc trực tuyến chung. Bằng cách xây dựng một văn phòng ảo để mọi người dễ dàng tương tác như thật, sau một tháng hiệu suất tăng lên rõ rệt.

Trong khi đó, sản phẩm giúp quản lý hành trình của xe theo thời gian thực của Busmap đã gặp khó trong việc tiêu thụ khi xã hội giãn cách. Busmap sau đó đã lên kế hoạch R&D sản phẩm mới khi nhìn thấy rằng, cứ ở mỗi địa điểm, người dùng lại phải lôi điện thoại ra để quét mã QR Code. Theo đó, chúng tôi đã nâng cấp sản phẩm giám sát hành trình cho xe thành máy quét mã như ứng dụng PC COVID. Theo đó, người dùng chỉ cần dùng chứng minh nhân dân quét là thông tin tự động được khớp từ địa điểm đã đến hay thông tin vaccine.

Kết quả là vừa hết giãn cách, sản phẩm này đã trở thành chủ lực giúp Busmap đạt mục tiêu doanh thu cả năm. Nếu để nói gì đó, tôi sẽ nói về sự linh động. Linh động để nhận ra bài toán của thị trường và điều chỉnh đội ngũ để có được sản phẩm phù hợp. Nhờ vậy, từ startup có được lợi thế nhờ đại dịch chúng tôi đã tìm được cơ hội cho mình. Nhân sự của Busmap không ai bị giảm lương hay thôi việc. Tất cả đã và đang được tiếp tục làm công việc mình yêu thích và tiếp tục cho mục tiêu mới của năm 2022.

Chị Bích Nguyễn (trái).

Bùi Hải Nam - Co-founder SoBanHang: Giải bài toán văn hóa doanh nghiệp khi phát triển theo cấp số nhân

Sau nửa năm phát triển SoBanHang, chúng tôi đã hỗ trợ cho 60 nghìn tiểu thương chuyển đổi số, trong đó có những người lần đầu tiên bán hàng trực tuyến. Trong thời gian áp dụng lệnh giãn cách xã hội, bán hàng trực tuyến là cách duy nhất để nhiều gia đình kiếm sống. Khi nhìn tổng khối lượng giao dịch lên tới 100 tỷ mỗi tháng, trong đó mỗi cửa hàng doanh thu chỉ từ 20-30 triệu đồng, cảm xúc của tôi là tự hào. Sau khi dịch bệnh giảm bớt, lượng khách hàng trực tuyến giảm tới 80% chúng tôi biết rằng mình phải thay đổi chiến lược nếu muốn tiếp tục phát triển.

Vượt qua năm 2021, hướng tới năm 2022, SoBanHang có ba bài toán cần giải quyết. Một là, tiếp cận lượng khách hàng trực tiếp, những người chưa nhận thức được sức mạnh của công nghệ. Nếu như năm 2021 là năm của những cửa hàng trực tuyến thì năm 2022 là năm khai phá thị trường trực tiếp (offline). Để làm được điều đó, bài toán thứ hai chúng tôi cần giải quyết là một hệ thống đối tác, cùng bắt tay nhau khai phá đại dương xanh này. Thử nhìn mà xem, mối quan hệ của các công ty cùng ngành bây giờ là cạnh tranh, ai nhiều tiền hơn thì có thể đánh bại đối thủ giành lấy thị phần. Tôi cho rằng, mối quan hệ bền vững nên là quan hệ hợp tác, bắt tay để cùng phát triển. Xây dựng thói quen dùng công nghệ cho các tiểu thương là việc rất khó, nên trong tầm nhìn dài hạn, chúng tôi muốn có những đối tác để cùng giải quyết vấn đề này.

Để giải quyết cả hai bài toán trên thì câu chuyện then chốt chính là đội ngũ nhân sự. Trong năm 2022, SoBanHang sẽ tăng trưởng nhân sự gấp bốn lần. Sự phát triển nóng này khiến chúng tôi gặp vấn đề về nhân sự như mọi startup khác khi đội ngũ vượt quá 150 người. Nỗi lo của SoBanHang nằm ở việc làm thế nào để có được nhân sự giỏi, thấu hiểu và đồng hành với tầm nhìn “chuyển đổi số cho tiểu thương”. Nếu không có chung giá trị văn hóa và khát vọng như thế, tất cả sẽ chỉ là “lính đánh thuê” đúng nghĩa. Chúng tôi tin rằng, nếu có đội ngũ tốt có chung văn hóa thì khó khăn nào cũng có cách giải.

Anh Bùi Hải Nam.

Shark Phạm Thành Hưng: Tìm kiếm sự minh bạch của startup

Là nhà đầu tư, tôi muốn startup có trách nhiệm trong việc giữ sự minh bạch, giữ liên kết với nhà đầu tư, chia sẻ trao đổi thường xuyên và coi tiền của nhà đầu tư như của mình. Một nốt lắc trong đầu tư vào startup ở Vệt Nam là năm 2021, có những startup đã nhận đầu tư của tôi cả triệu USD và biến mất không để lại dấu vết, hay một lời giải thích. Sau vài tháng liên tục không nhận được báo cáo, khi tới văn phòng mới biết họ đã rời đi.

Startup thất bại có thể do thiếu năng lực, quá tự tin, thị trường thay đổi… Đó là vấn đề thường trực trên thế giới. Khi đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đã nghĩ đến rủi ro, nhưng đằng sau đó còn là uy tín, thương hiệu, kinh nghiệm, mối quan hệ… Đó mới là những điều vô giá chúng tôi chia sẻ với startup. Tất nhiên, tôi cảm thấy bị tổn thương vì cách hành xử vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng này. Điều này sẽ làm các bạn không bao giờ có thể quay lại được thị trường khởi nghiệp, bởi sẽ chẳng ai tin bạn nữa.

Về những lo lắng cho năm 2022, tôi nghĩ rằng, lo lắng lớn nhất là việc chúng ta có kịp thay đổi với những đổi thay của thế giới sau khủng hoảng hay không? Đại dịch đã làm thay đổi thói quen, cách tư duy, cách con người giao tiếp với nhau và dẫn đến mô hình kinh doanh cũng thay đổi. Nếu không bắt kịp, có thể chúng ta sẽ tụt hậu và mất tất cả. Cùng với đó là sự phụ thuộc vào nền tảng của các ông lớn. Startup cần suy nghĩ tới việc bán hàng đa kênh, đa nền tảng và thoát ra khỏi sự phụ thuộc để làm chủ cuộc chơi của chính mình.

Shark Phạm Thành Hưng.

Nguyễn Thành Trung - Founder Axie Infinity: Muốn xây dựng sản phẩm bền vững

Hai năm vừa qua, Sky Mavis đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng cuối năm niềm vui là thứ đọng lại nhiều nhất. Tôi vui vì đã có nhiều giây phút đáng nhớ, những trải nghiệm mới chỉ nghe kể hay trong sách vở đã thực sự diễn ra với mình và đội ngũ. Khởi nghiệp đã nhiều nhưng lần đầu tôi mới hiểu thế nào là startup đúng nghĩa.

Lĩnh vực game blockchain mà chúng tôi phát triển còn nhiều việc phải làm. Vẫn còn rất nhiều người chơi game truyền thống chưa biết đến game blockchain và với họ, chơi game chỉ để giải trí, không cần quan tâm tới việc có thể tương tác với nhiều người, có thể trao đổi, mua bán, thậm chí, nếu không chơi game, họ có thể chuyển giao giá trị đó cho người khác. Xu hướng play to earn (chơi để kiếm tiền) vẫn còn rất mới, chúng tôi có thể là người đi đầu nhưng vẫn cần nhiều startup khác cùng tham gia để tạo thành một ngành công nghiệp.

Nếu hỏi chúng tôi có lo lắng việc lên xuống của thị trường thì câu trả lời là không, bởi khởi nghiệp là vậy, sẽ có lúc được quan tâm, có lúc không. Việc của chúng tôi là đóng cửa vào và tiếp tục tạo ra các sản phẩm. Bài học lớn nhất chúng tôi nhận ra là nếu không liên tục sáng tạo, xây dựng sản phẩm mới thì sẽ tụt hậu. Chúng tôi không nghĩ đến một game blockchain đơn thuần mà sẽ xây dựng một hệ sản phẩm bền vững. Để làm được điều đó thì cần làm nhiều thứ như xây một platform, một hệ thống nhân vật với các IP kết nối, và kể cả bán đất ảo. Sky Mavis chỉ đơn giản là muốn trao cho người chơi nhiều quyền hơn với những vật phẩm của họ.

Anh Nguyễn Thành Trung.

Trần Anh Tùng - Giám đốc điều hành quỹ VIC Partners: Cạnh tranh gắt gao để tìm kiếm cơ hội đầu tư

Dòng tiền cứu trợ và thúc đẩy nền kinh tế hậu COVID-19 của các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản làm gia tăng mạnh lượng tiền tệ chảy trong thị trường. Năm 2021 là một năm rất vất vả của đội ngũ VIC Partners để chọn lựa và tìm kiếm cơ hội đầu tư bởi sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các quỹ đầu tư trong cùng phân khúc.

Là một quỹ nội địa, chúng tôi không có nhiều tiền như các ông lớn trong khu vực. Chúng tôi coi trọng việc hỗ trợ sau đầu tư và luôn ưu tiên những công ty có thể vận dụng kinh nghiệm của các nhà sáng lập đi trước chia sẻ lại cũng như mối quan hệ rộng rãi trong mạng lưới của VIC Partners để tạo ra sự khác biệt và tăng trưởng thần tốc trong thời gian ngắn.

Sau hơn ba năm gắn bó với đầu tư khởi nghiệp, tôi nhận thấy điểm chung của những thất bại là startup thiếu nhân sự hoặc không giỏi việc vận hành và bán hàng. Đây là điểm yếu chí mạng bởi 12-18 tháng runway (thời gian mà nguồn vốn đầu tư trong 1 vòng gọi vốn có thể giúp công ty sinh tồn) qua rất nhanh, và những công ty không thể hiện hoặc duy trì được đà tăng trưởng sẽ gặp vô vàn khó khăn để tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh COVID-19, số liệu kinh doanh lại càng trở nên quan trọng hơn với các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư. Theo đánh giá của tôi, sau khi gọi vốn từ các quỹ VC giai đoạn sớm như chúng tôi, nếu công ty không tăng trưởng tối thiểu 100% mỗi năm là chúng ta đang bị chậm, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trái với thời điểm cuối năm 2020, chúng tôi đánh giá, từ cuối năm 2021 là thời điểm tốt nhất từ khi dịch bệnh bùng phát để đầu tư khởi nghiệp bứt phá. Những công ty vượt qua được “bài test” COVID-19 để sinh tồn và thậm chí tăng trưởng vượt bậc chính là những ứng viên hàng đầu để giúp các quỹ đầu tư gặt hái thành công trong tương lai. Sau năm tháng kể từ khi gọi vốn thành công cho quỹ số hai, chúng tôi đã đầu tư tổng cộng năm thương vụ. Trong đó có hai công ty Việt Nam trong danh mục đầu tư gọi vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên việc đăng ký cho nhà đầu tư ngoại mất tới vài tháng do một lượng lớn hồ sơ dồn ứ sau quá trình cách ly xã hội vì dịch bệnh. Chúng tôi mong mỏi việc đăng ký nhà đầu tư nước ngoài cho những khoản đầu tư không cần phê duyệt của Thủ Tướng có thể sớm được làm tực tuyến để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Anh Trần Anh Tùng.

Trần Trí Dũng - Quản lý chương trình khởi nghiệp Swiss EP: Các startup đã sẵn sàng cho phục hồi và tăng trưởng

Hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup Việt Nam trong năm 2021 là thành tựu rất khích lệ. Chắc chắn các nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội tăng trưởng thì mới bỏ tiền vào. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều điểm cần cải thiện, nhiều công việc phải hoàn thành để hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo Việt Nam cải thiện vị thế trong thị trường khu vực và thế giới.

Đối với tôi, sự bền bỉ của các nhà sáng lập và các tổ chức hỗ trợ như vườn ươm, chương trình tăng tốc, hay các mạng lưới nhà đầu tư cá nhân là điều đáng để nói nhất về năm 2021. Thật may mắn và hạnh phúc khi những startup và các tổ chức hỗ trợ mà tôi có cơ hội cùng làm việc vẫn đang hoạt động, nỗ lực chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế, thậm chí, có cả tăng trưởng và thành lập mới. Đâu đó cũng có những doanh nghiệp phải dừng lại. Nhưng tôi tin tưởng vào tinh thần mạnh mẽ của các nhà khởi nghiệp chân chính. Họ sẽ lại bước tiếp. Sớm thôi.

Tôi tin năm 2022 sẽ mang tới nhiều điều tốt đẹp cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. “Tâm bão” Covid 19 đã qua rồi. Nguồn lực của thế giới đã đến với các startup Việt Nam, với hệ sinh thái sẽ không dời đi, mà được kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo theo những dòng tiền mới, những kết nối kinh mới và cả những tài năng mới. Các nhà sáng lập đã vững vàng vượt qua hai năm đầy ắp gian nan vừa qua đương nhiên là bản lĩnh và mạnh mẽ hơn. Chính họ sẽ tạo dựng nên những hệ thống kinh doanh dồi dào sáng tạo và đầy sức cạnh tranh. Tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ chứng kiến startup Việt Nam ghi dấu ấn khu vực và thế giới.

Anh Trần Trí Dũng.