Tomochain là một công ty chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng Blockchain cho các ứng dụng phi tập trung, phát tán tiền mã hóa (token) có đội ngũ sáng lập là người Việt nhưng 95% khách hàng đền từ nước ngoài. Hơn nữa, văn phòng R&D ở Việt Nam nhưng Tomochain lại được đăng ký thành lập ở Singapore. Lý do cho “nghịch lý” này, được Vương Quang Long, người sáng lập công ty đưa ra vì “liên quan đến dòng vốn”. Để thu hút một lượng đầu tư lớn và nhanh, họ chọn hình thức ICO (một hình thức phát hành một đồng tiền mã hóa (token) cho các nhà đầu tư trên các sàn giao dịch, giống như hình thức phát hành cổ phiếu).
Ở Việt Nam có vài chục công ty làm trong lĩnh vực blockchain và hầu hết đều đăng ký ở nước ngoài. Theo báo cáo toàn cảnh lĩnh vực blockchain ở Việt Nam của công ty Infinity Blockchain Labs, rào cản lớn nhất cho sự phát triển của công nghệ blockchain tại Việt Nam là pháp lý.
Trong sự kiện “Diễn đàn Blockchain” vừa qua, khi được hỏi về việc làm thế nào để thay đổi điều này, anh Long cho rằng nên xây dựng khung pháp lý, thừa nhận tiền và tài sản kỹ thuật số là tài sản và đưa ra các quy định rõ ràng về việc gọi vốn cho khởi nghiệp sáng tạo, để đầu tư trong lĩnh vực blockchain có thể diễn ra dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Đồng thời, Việt Nam nên xem xét thành lập một ban chuyên trách liên ngành chuyên nghiên cứu phát triển và theo dõi các ứng dụng blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đón nhận thay đổi
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa ra những tuyên bố quyết liệt, rằng không thừa nhận Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Và việc phát hành, cung ứng, sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Trong mắt cộng đồng doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có phần bảo thủ đối với tiền điện tử và như vậy, cũng không thể kì vọng nhiều vào tương lai tươi sáng với công nghệ blockchain và các công nghệ mới khác liên quan.
Tuy nhiên, những gì đại diện các Bộ, ngành trao đổi trong “Diễn đàn Blockchain” vừa qua cho thấy một bức tranh hoàn toàn ngược lại, thể hiện một thái độ tích cực và cởi mở của các cơ quan nhà nước với công nghệ mới. Công nghệ Blockchain ra mắt lần đầu tiên dưới dạng ứng dụng Bitcoin vào năm 2009 nhưng Việt Nam vẫn hoàn toàn xa lạ với nó và chỉ coi tiền điện tử như một “hiện tượng lạ” cho tới một – hai năm trở lại đây.
Các diễn giả trong phiên thảo luận về chính sách thúc đẩy blockchain trong sự kiện Diễn Đàn Blockchain. Nguồn ảnh: VnExpress
Tuy nhiên, các bộ, ban ngành đã nhanh chóng tìm hiểu, nghiên cứu về tiền, tài sản số, công nghệ blockchain để tìm cách đưa ra các văn bản pháp lý phù hợp, khuyến khích các ứng dụng thiết thực cả trong và ngoài khu vực nhà nước. Bản thân Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo Fintech vào tháng 3/2017 để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thống đốc các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ mới, trong đó có blockchain có thể phát triển và ứng dụng nhanh chóng vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng chính phủ khuôn khổ pháp lý dành cho sandbox (một khuôn khổ lỏng cho phép các ý tưởng mới được ứng dụng trong phạm vi nhất định, trước khi mở rộng quy mô và áp dụng đại trà, và nhờ thử nghiệm này, các cơ quan nhà nước sẽ học hỏi để xây dựng chính sách cụ thể và chính xác hơn). Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ứng dụng blockchain trong khâu chuyển tiền, tiến tới giảm thiểu các trung tâm đối chiếu và đối soát trong các công ty tài chính (để đảm bảo rằng, một đồng tiền không bị dùng lại hai lần).
Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp còn tiến thêm một bước nữa khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo (theo quyết định 1225, ngày 21/8/2017). Bộ Tư pháp có xu hướng công nhận những tài sản dựa trên công nghệ blockchain là tài sản được pháp luật bảo vệ và được phép giao dịch, trao đổi.
Dự kiến vào tháng 12, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng khung pháp lý (dưới dạng một nghị định) để quản lý tiền ảo và tài sản ảo. Đúng thời điểm diễn ra Diễn đàn Blockchain, Văn phòng Chính phủ cũng có một buổi họp để áp dụng công nghệ blockchain trong xác thực điện tử (để người dân, doanh nghiệp có thể làm mọi thủ tục thông qua hệ thống chính quyền điện tử mà không cần phải gặp mặt) với chuyên gia đến từ Estonia.
Khoảng trống cho tiền điện tử, ICO
Tuy nhiên, mặc dù có một tinh thần cởi mở, các cơ quan nhà nước ở Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định trong cách tiếp cận với tiền và tài sản điện tử hiện nay. Thứ nhất, mặc dù Bộ Tư pháp có xu hướng cho phép trao đổi và giao dịch tiền và tài sản điện tử nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định rằng, chúng không phải là phương tiện thanh toán. Thứ hai, trong những khung pháp lý dự kiến, hình thức ICO chưa được đề cập và thảo luận. Thứ ba, chưa có một tổ chức liên ngành nào chuyên trách nghiên cứu và tham mưu cho chính phủ về cách ứng xử với công nghệ blockchain nói riêng và công nghệ mới nói chung. Cuối cùng, chúng ta vẫn coi thứ tài sản được tạo ra bởi toán học và công nghệ thông tin này chỉ là “ảo”.
Đúng là, blockchain và tiền điện tử là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Blockchain là công nghệ minh bạch hóa và quản lý dữ liệu phi tập trung còn tiền ảo chỉ là một ứng dụng của công nghệ này nhưng theo báo cáo của Infinity Blockchain Labs, 82% hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ bị thay đổi bởi nó.
Chính vì vậy, theo Manfred Otto, Luật sư Cấp cao của Duane Morris Việt Nam phát biểu trong sự kiện, xây dựng khung chính sách pháp lý cho blockchain, cần phải tính đến tính pháp lý của cả tiền điện tử và ICO. Tiền điện tử (token) không hề đáng lo ngại khi nó không được sử dụng để chi trả cho những hoạt động hằng ngày mà chỉ trong phạm vi một hệ thống nhất định. Luật pháp khi đó sẽ theo hướng giám sát người dùng và người đóng góp cho hệ thống đó. Còn nếu token dùng để chi trả, cần phải có chế tài ngăn cản hoạt động rửa tiền và đầu cơ. Tuy nhiên, các nền tảng blockchain hiện nay minh bạch thông tin của tất cả các giao dịch nên những hoạt động đáng nghi ngờ đều có thể “lần vết”.
Ông Otto cũng khuyến cáo, các chính sách cần phải được xây dựng theo hướng quản lý gián tiếp (hand off) thay vì can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp. Hơn nữa, không thể nào kiểm soát được tất cả mọi giao dịch bằng token. Ví dụ, Chính phủ Nhật Bản chỉ kiểm soát duy nhất các giao dịch mà sau đó tiền điện tử được đổi sang Yên Nhật. Còn ICO là một phương án hết sức hữu ích để kêu gọi vốn trên toàn cầu với tốc độ nhanh, chi phí thấp dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đại đa số ở Việt Nam và là cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn luôn hết sức phức tạp và đòi hỏi một đội ngũ thực sự hiểu về công nghệ thì mới có thể nắm được những tiềm năng và hạn chế của nó. Bản thân Singapore, theo lời kể của ông Tong Hsien Hui, Phó giám đốc SGInnovate Investment - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cho biết trong nhiều năm đầu tự thử nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain, nước này đã có những thất bại liên quan đến thách thức công nghệ và cơ sở hạ tầng nên về sau phải huy động các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Chính vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới, đều có những tổ, nhóm chuyên trách nghiên cứu và tham mưu cho chính phủ về công nghệ mới.
Tiền điện tử, rất có thể sẽ được sử dụng một cách thông dụng trong đời sống hằng ngày. Theo anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty công nghệ DTT, như vậy, nó rất “thật”, chứ không hề “ảo”, “nó giúp tạo ra một mạng internet kiểu mới, cho phép trao đổi giá trị, chia sẻ, lưu giữ các dữ liệu một cách phi tập trung”. Những người làm chính sách, sẽ cần có một hình dung rằng, tương lai gần sẽ có sự hòa trộn mạnh mẽ giữa thế giới thực và số và tiền điện tử, rất có thể, sẽ được bản vị bằng tiền pháp định.