Dalal Saeed hiểu rõ những gì mình muốn: một sự nghiệp nghiên cứu trong lĩnh vực địa hóa môi trường. Nhưng không có chương trình PhD về khoa học tự nhiên nào trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - các khu vực bị Israel chiếm đóng kể từ năm 1967, gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967 giữa Israel và các láng giềng Arab. Vì vậy hằng ngày cô phải từ ngôi làng của mình ở khu vực Bờ Tây băng qua bức tường ngăn cách Palestine với Israel để tới trường Đại học Hebrew của Jerusalem để theo học chương trình này. Mặc dù khoảng cách chỉ có 10km nhưng cô phải trải qua quá trình kiểm tra mất hơn 3 giờ.
Khoa học chưa được ưu tiên đầu tư
Những người dân Palestine trong lãnh thổ bị chiếm đóng cảm thấy tuyệt vọng. Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa đều bị quân đội Israel kiểm soát chặt chẽ. Nhà hóa học polymer và Hiệu phó trường Đại học Al-Quds, Hasan Dweik, chua chát nói: “Tình hình ngày một xấu thêm. Chúng tôi đang ở một nhà tù lớn”.
Bất chấp những vấn đề đó, một số nhà khoa học và nhà giáo dục Palestine đang cùng nhau phát triển một cộng đồng khoa học ở đây. Họ xây dựng các nhóm nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ và tìm kiếm các cơ hội học tập tại nước ngoài và đón nhận hỗ trợ từ các chính quyền nước ngoài. “Chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng chúng tôi cố gắng làm nghiên cứu và tạo ra sự tiến bộ”, nhà hóa học vô cơ Abdullatif Abuhijleh – Hiệu trưởng trường Đại học Birzeit gần Ramallah, cho biết.
Với chính quyền Dân tộc Palestine, khoa học không phải là ưu tiên nên hiếm có tiền đầu tư cho nghiên cứu. Tuy nhiên kế hoạch của Bộ trưởng Bộ giáo dục Sabri Saidam giai đoạn 2017–2022 cũng cố gắng phát triển năng lực nghiên cứu. Năm ngoái, bộ này đã loan báo một ngân sách khiêm tốn 20 triệu shekel (5,5 triệu USD) cho nghiên cứu — khoản chi đầu tiên cho khoa học trong giai đoạn 5 năm — cho 14 trường đại học với 2.200 giáo sư, phó giáo sư.
Các nhà nghiên cứu Palestin Anfal Abuhilal (trái) và Rahmeh Natsheh đang nghiên cứu hoạt động não bộ tại trường Đại học Al-Quds. Nguồn: Heidi Levine/Nature
“Đây là một tín hiệu tốt” về hỗ trợ cho khoa học, theo Isam Ishaq – Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của trường Đại học Al-Quds, một trong những trường dẫn đầu ở lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên thì việc tìm nguồn đầu tư cho khoa học và có được các thiết bị tốt cho nghiên cứu là một cuộc vật lộn liên tục của các trường đại học.
Một trong những giải pháp được cho là mang lại nhiều cơ hội cho các nhà khoa học Palestine là tham gia một số dự án hợp tác với nước ngoài. Chẳng hạn như dự án do Quỹ nghiên cứu Đức (DFG) đã tập hợp được các nhà khoa học Đức, Israel hợp tác với đồng nghiệp Palestine.
Nhận sự đầu tư từ bên ngoài
Kể từ khi chương trình của DGF bắt đầu từ năm 1995, hơn 71 triệu euro (81 triệu USD) đã được cung cấp cho các dự án nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều chương trình nghiên cứu quốc tế khác cũng được thiết lập để hỗ trợ người Palestine, bao gồm Cầu nối khoa học Palestine– Đức với 12, 5 triệu euro trong vòng 5 năm từ Bộ KH Đức để giúp các sinh viên học tập tại Đức.
Năm ngoái, vùng Quebec của Canada đã mở chương trình kéo dài 4 với cả triệu USD kinh phí để đưa 60 nhà nghiên cứu từ vùng bị chiếm đóng tới Quebec thực hiện nghiên cứu trong vòng 3 đến 5 tháng. Các nhà khoa học Palestine còn nhận được một số chương trình khác từ Liên minh châu Âu trị giá gần 3 triệu euro để tham gia vào các dự án hợp tác với đồng nghiệp châu Âu trong suốt thập kỷ qua.
Cộng đồng quốc tế hỗ trợ để giúp Palestine ít nhất có được một nền tảng khoa học thông qua các chương trình tài trợ, quyên góp thiết bị, một số trường viện còn cho phép các đồng nghiệp Palestin truy cập miễn phí vào các thư viện của họ trong thời gian ngắn. Nhà vật lý Hala El-Khozondar tại trường Đại học Islamic ở Gaza, cho rằng cô và đồng nghiệp đều cố gắng tận dụng cơ hội đó. “Chúng tôi muốn cập nhật để chờ cho tình trạng thay đổi; vì vậy chúng tôi cố gắng làm tốt những gì có thể để giữ lấy cơ hội của mình.”
Theo các nhà khoa học, giới hạn lớn nhất với họ không phải là kinh phí đầu tư mà là việc tự do đi lại và cơ hội đưa nghiên cứu của mình ra ngoài khu vực bị Israel chiếm đóng. Nhiều người khó nhập các thiết bị hóa chất phục vụ nghiên cứu bởi phải được an ninh Israel chấp thuận. Một số vật tư cơ bản như nitrat amoni hay đơn giản là các loại acid đều bị cấm vì có khả năng được sử dụng để chế tạo vũ khí. Hơn nữa, việc bị cô lập khiến cộng đồng khoa học của họ trở nên quá nhỏ và không đủ thành lập các chương trình đào tạo tiến sỹ. Dẫu vậy, các thách thức không đủ sức giết chết hoài bão của họ.
Một số nhà khoa học Palestine đang làm việc ở nước ngoài như nhà công nghệ nano Mukhles Sowwan vẫn dõi theo phòng thí nghiệm cũ của mình tại Al-Quds từ Viện nghiên cứu KH&CN Okinawa, Nhật Bản thì hi vọng sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu khi trở lại quê hương trong tương lai. Anh hướng dẫn sinh viên cao học tại Al-Quds để tìm ra những cơ hội nhận học bổng thuận lợi nhất cho họ ở Đức, Pháp và Nhật Bản, Phần lớn các nghiên cứu sinh đều phải thỏa thuận sẽ trở về Al-Quds sau khi kết thúc chương trình.
Nhà khoa học thần kinh Mohammad Herzallah, một postdoc tại trường Đại học Rutgers tại New Jersey, có cách làm khác: lập sáng kiến khoa học thần kinh Palestine (PNI) tại trường Al-Quds từ năm 2009, cho phép hơn 30 sinh viên có mục tiêu trở thành nhà khoa học tham gia vào các dự án nghiên cứu. Hầu hết các dự án của PNI đều có các tổ chức nước ngoài tài trợ, ví dụ như Viện Nghiên cứu y tế Mỹ.
Herzallah coi các thành viên của PNI như những hạt giống của một trung tâm nghiên cứu ở tầm quốc tế trong tương lai. Abdul-Rahman Sawalma, một sinh viên đang chuẩn bị tới Đức sau khi nhận được học bổng cao học và tiến sỹ cho rằng “cảm thấy lâng lâng khi nghĩ đến chuyện trở về và xây dựng những thứ mang tính tiên phong ở Palestine”.
Việc tương tác với các đồng nghiệp quốc tế khiến các nhà khoa học Palestine không chỉ giảm bớt cảm giác bị cô lập mà có thể là một công cụ hữu ích để góp phần giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestin.
Ví dụ các thỏa thuận hợp tác khoa học giữa CERN và các viện nghiên cứu Xô viết đã được ký vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh lạnh những năm 1960. Tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Synchrotron cho khoa học thực nghiệm và ứng dụng ở Trung Đông (SEASAME) cũng bắt đầu chứng kiến các nhà khoa học Israel và Palestine cùng làm việc trong một dự án. Những bước như thế có thể giúp xây dựng một nền tảng khoa học cho nhà nước Palestine.