Tác giả Alex Friedman – cựu giám đốc tài chính quỹ Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF), và Julie Sunderland – cựu giám đốc quỹ đầu tư Bill & Melinda Gates Strategic Investment Fund (BMGSIF), có bài viết trên Project Syndicate đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các tổ chức thiện nguyện do tư nhân sáng lập.

Vụ ly hôn của vợ chồng Bill Gates đang gây xôn xao dư luận. Bên cạnh việc phân chia khối tài sản khổng lồ, nó còn gián tiếp tác động đến cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Mặc dù quỹ thiện nguyện BMGF đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực trên phạm vi toàn cầu, nhưng cách mà gia đình Gates lựa chọn để quản lý ngân khoản 50 tỷ USD của quỹ là chưa thực sự hiệu quả, gây trở ngại cho việc lập kế hoạch và thực thi những chương trình dài hạn.

.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong vụ ly hôn của gia đình Bill Gates, bên cạnh việc phân chia khối tài sản khổng lồ hơn 100 tỷ USD, là tương lai của quỹ thiện nguyện lớn nhất hành tinh (BGMF).

Thứ nhất, quỹ thiếu một cơ chế quản trị linh hoạt. Hiện BMGF chỉ có ba cá nhân được quyền ủy thác là Bill, Melinda Gates và Warren Buffett. Đây là điều bất hợp lý đối với mọi tổ chức, chứ đừng nói quỹ thiện nguyện lớn nhất thế giới. Bất kỳ sự rạn nứt nào giữa các cá nhân được quyền ủy thác (như ly hôn, từ mặt, …) cũng có thể khiến mô hình quản trị dù tốt đến mấy cũng trở nên bất khả thi.

Vì lẽ đó, những tổ chức thiện nguyện nên được đối xử ngang hàng như các công ty đại chúng (public company). Chúng cần hội đồng quản trị đủ lớn để giảm thiểu rủi ro trước những rạn nứt cá nhân và đảm bảo mọi thành viên hội đồng đều có khả năng đưa ra quyết định độc lập trước các vấn đề mang tính chiến lược. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổ chức cần có những vị trí giám sát ngoài CEO, nhóm sáng lập và thành viên gia đình họ.

Thứ hai, các tổ chức thiện nguyện cần minh bạch hơn. Như tại BMGF, có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ báo cáo tài chính hàng năm theo các biểu mẫu công khai của Cục Thuế nội địa Hoa Kỳ (IRS) với những yêu cầu hết sức chi tiết liên quan đến chi tiêu. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá của IRS – đo lường hiệu quả dựa theo số tiền đã chi chứ không phải tác động xã hội – lại thường kìm hãm tinh thần thiện nguyện trong các hoạt động.

Giải pháp ở đây là những tổ chức từ thiện cần nộp báo cáo hoạt động hàng năm tương tự như các công ty đại chúng. Báo cáo này không những chỉ liệt kê từng khoản chi mà còn cần giải trình lý do cùng kết quả đạt được (thành công hay không thành công), bên cạnh những rủi ro có thể xảy đến. Theo thời gian, các báo cáo minh bạch và toàn diện như vậy sẽ giúp hoàn thiện cơ chế thị trường – điều chỉnh trách nhiệm giải trình công khai và tính hiệu quả của mọi tổ chức thiện nguyện.

Thứ ba, những quỹ thiện nguyện như BMGF nên đặt mục tiêu tăng gấp đôi số tiền giải ngân sau mỗi năm. Kể từ năm 1969, luật thuế của Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các tổ chức quyên góp trung bình 5% giá trị tài sản hàng năm để duy trì tư cách phi lợi nhuận. Tỷ lệ này được xem là phù hợp, đóng vai trò nền tảng cho những khoản tài trợ, đồng thời cân bằng với tỷ suất lợi nhuận trên thị trường tài chính – hiện đã vượt xa mức 5%, chẳng hạn chỉ số S&P 500 tăng trung bình hơn 10%/năm kể từ năm 1969, và lãi suất tiền gửi từ các khoản tài trợ cho tổ chức thiện nguyện thậm chí còn tăng nhiều hơn thế (gấp đôi số tiền được giải ngân mỗi năm). Điều này mang đến động cơ mạnh mẽ cho các nhà tài trợ – về bản chất rất muốn hưởng ưu đãi đáng kể về trách nhiệm thuế khi làm thiện nguyện.

Đây sẽ là giải pháp nền tảng để tăng cường nguồn lực cho các tổ chức phi lợi nhuận nhận tài trợ – thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính để thực hiện ý tưởng của mình. Một vấn đề nữa cần được xem xét nghiêm túc là những quỹ thiện nguyện thường có xu hướng siết chặt tài trợ cho các chương trình mang tính đặc – vốn được định hướng theo mức độ ưu tiên của nhà tài trợ hơn là nhu cầu của người thụ hưởng. Điều này sẽ kìm hãm năng lực lãnh đạo và thể chế để làm việc hiệu quả, cùng với đó là phạm vi tác động xã hội.

Chúng ta thường nghĩ những mạnh thường quân hay người hùng là hoàn hảo. Khi thấy họ cũng giống như bao người thường khác, một số sẽ dễ thất vọng, thậm chí hả hê, bất chấp điều phi thường mà họ đã làm. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta cùng tư duy để tìm cách phát huy hiệu quả từ sáng kiến của các cá nhân như vậy thay vì quá quan tâm đến đời tư của họ.