Trong tiến trình đổi mới và phát triển kinh tế, với một nước vốn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, những thành tựu trong lĩnh vực này đã không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn góp phần tạo dựng sự ổn định cho chính trị và xã hội.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chia sẻ với phóng viên TTXVN về những thành tựu trong công cuộc đổi mới của ngành nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới.

- Thưa Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được sau 30 năm đổi mới?

Ông Vương Đình Huệ: Qua 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: Tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản đạt bình quân 3,7 %/năm, là mức cao trên thế giới và khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 70% những năm 1990 còn khoảng 47% vào cuối 2014.

Xuất khẩu nông sản tăng mạnh, năm 2014 đạt trên 34 tỷ USD. Có 11 sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng. Tổ chức sản xuất, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã được đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần nông dân được cải thiện khá nhiều. Trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo.

Huyện Châu Thành, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nguồn: TTXVN
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nguồn: TTXVN

- Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng về cơ bản nhiều ý kiến cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực sự bền vững. Theo ông, giải pháp nào để Việt Nam phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng kinh tế thị trường hiện đại?

Ông Vương Đình Huệ: Nông nghiệp Việt Nam đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, như vùng sản xuất lúa gạo đồng bằng sông Cửu long, vùng chuyên canh cao su, cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vùng chăn nuôi bò sữa ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhưng phần còn lại là nền kinh tế hộ, tiểu nông sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, tỷ suất hàng hoá rất thấp. Sản xuất nhỏ và manh mún đang là lực cản kìm hãm sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, đòi hỏi phải tìm kiếm động lực mới gắn với cơ cấu nông nghiệp mới, để tạo bước đột phá mới.

Do đó, Đảng và nhà Việt Nam đã đưa ra chủ trương tái cấu trúc nền nông nghiệp, tạo bước đột phá mới về nông nghiệp Việt Nam trong vài thập niên tới. Để thực hiện được điều này đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ, phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với những giải pháp được thực thi trong 30 năm qua.

Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất. Chính sách ruộng đất phải đảm bảo tích tụ ruộng đất ở từng vùng để cả hộ trang trại sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và hộ trang trại quy mô nhỏ có điều kiện phát triển những loại cây, con phù hợp đồng thời tìm kiếm những đối tượng sản xuất phù hợp cho các hộ sản xuất nông lâm nghiệp siêu nhỏ.

Hiện nay trong quá trình tái cơ cấu đã xuất hiện nhu cầu chuyển đổi một số diện tích lúa sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả cao hơn và có thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, cần có những quy định thông thoáng hơn để nông dân được thực thi quyền lựa chọn đối tượng sản xuất đem lại lợi ích cho chính họ, có chính sách để sử dụng hợp lý đất lúa.

Thứ hai phát triển khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Khoa học nông, lâm nghiệp của Việt Nam mới chỉ đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, ở các nước tiên tiến tỷ lệ này thường là 80%-90%. Với đà phát triển này, nếu tỷ lệ cống hiến của khoa học nông lâm nghiệp chỉ tăng 1%/năm, thì sau 50 mươi năm nữa, Việt Nam mới đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Thời điểm này là một dịp và cũng là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại trách nhiệm của khoa học công nghệ đối với sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống nông dân.

Với diện tích đất sản xuất của mỗi nông hộ khá hạn chế, để nâng cao thu nhập cho nông dân cần phải tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn trong khuyến khích việc liên kết và đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, nhất là đối với khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch…

- Nhiều ý kiến cho rằng dù đã có nhiều, song những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa đủ mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào ?. Theo ông, giải pháp nào để Việt Nam có thể phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới?

Ông Vương Đình Huệ: Đổi mới hoạt động khoa học công nghệ được kỳ vọng như là giải pháp trọng yếu để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia về công nghệ cao đến năm 2020.

Nhiều chính sách đã được ban hành bước đầu tạo được sự chuyển biến, một số dự án đã được triển khai; hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có mặt ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế, công tác xây dựng cơ chế chính sách cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều trở ngại và chậm; nguồn nhân lực chất lượng cao suy giảm do thiếu chính sách ưu đãi; các nghiên cứu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa được phát triển đúng mức; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn thấp lại dàn trải.

Kinh tế hộ với ruộng đất manh mún trong nông nghiệp đang là lực cản cho quá trình đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng phát triển; sự hỗ trợ chưa đồng bộ và đủ mạnh…

Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo chúng tôi rất cần có những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Cụ thể đối với các Bộ, ngành Trung ương cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó có chính sách đặc thù cho nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn cần được tăng cường. Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với các địa phương cần quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập của địa phương theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp vào việc ứng dụng kết quả khoa học công nghệ , đổi mới công nghệ. Có cơ chế khuyến khích hình thành mối liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao, tiếp nhận các sản phẩm khoa học công nghệ giữa các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh....

Đối với doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chủ động đổi mới công nghệ. Chủ động phối hợp, liên kết ứng dụng khoa học công nghệ. Tham gia xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

- Trong thời gian qua, vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo. Vai trò của nhà nước trong vấn đề này cần đặt ra như thế nào thưa ông?

Ông Vương Đình Huệ: Về vấn đề này, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đã thể chế thành cơ chế chính sách đem lại nhiều kết quả trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn như nhận thức về liên kết chưa đầy đủ, trong tổ chức thực hiện còn chưa quyết liệt, hiệu quả còn thấp.

Nhà nước cần tạo lập môi trường thuận lợi, khuyến khích hình thành các liên kết và liên kết phát triển cả về lượng và chất. Cụ thể nâng cao nhận thức về liên kết trong sản xuất cho xã hội, đặc biệt là đối với cán bộ công chức và các chủ thể kinh tế; ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ và toàn diện để liên kết trong nông nghiệp hình thành và hoạt động có hiệu quả

Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành hàng, cụm sản xuất công nông nghiệp; tổ chức, thành lập và trợ giúp có hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác, nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.