Chủ động loại bỏ công nghệ cũ
Với công nghệ quá cũ và lạc hậu, nhà máy nhiệt điện Uông Bí (thuộc Tổng công ty phát điện 1 -
Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã buộc phải tạm dừng tổ máy 110MW từ ngày 1/1/2015 do không đảm bảo
tiêu chí môi trường.
Ông Lê Văn Hanh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 1 cho biết: Đây là dây chuyền công
nghệ do Liên Xô tài trợ từ những năm 1970. Theo lịch trình tổ máy được phép hoạt động đến năm 2020.
Tuy nhiên, vừa qua nồng độ khí lưu huỳnh đã vượt quá giới hạn cho phép nên ảnh hưởng đến môi trường
và buộc tổ máy phải dừng hoạt động. Trước đó, để làm giảm lượng khí bụi trong không khí, công ty đã
đầu tư hơn 100 tỉ đồng để mua thiết bị xử lý.
Cũng theo ông Hạnh, hướng xử lý của công ty đang trình Thủ tướng đó là tháo dỡ hoàn toàn tổ máy
110MW để lắp đặt tổ máy mới chứ không tiến hành nâng cấp. Sở dĩ trình phương án như vậy là do dây
chuyên công nghệ đã lạc hậu, cũ kỹ nên nếu đầu tư nâng cấp thì cũng hoạt động kém hiệu quá.
"Một trong những hướng mà chúng tôi tính đến là phải nhập mới hoàn toàn một dây chuyền công nghệ
hiện đại để đảm bảo 15-20 năm sau không bị lạc hậu. Việc nhập thiết bị cũ vừa khấu hao nhiên liệu
lại ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả không cao", ông Hanh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Quách Đình Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Quảng Ninh chia sẻ: Trước
đây cảng chủ yếu nhập trang thiết bị của Trung Quốc. Sau khi Nhà nước đầu tư bến tàu 567 thì chuyển
sang nhập máy móc hiện đại từ Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cơn lốc lớn năm 2006 đã khiến
đổ sập gần như toàn bộ số trang thiết bị này. Vào tình thế khó khăn đó, lãnh đạo công ty đã xin mua
một số thiết bị đã qua sử dụng tính từ ngày sản xuất trên 15 năm. Số thiết bị này đáp ứng được yêu
cầu cấp bách khi đó nhưng hiệu suất không cao. Khi cảng đã hoạt động ổn định, dây chuyền công nghệ
cũ được nâng cấp, đồng thời nhập thêm những công nghệ mới.
Cảng Quảng Ninh chủ động đầu tư, nâng cấp thiết bị công
nghệ mới
"Trước đây, việc bốc dỡ chủ yếu được thực hiện bằng các loại máy ngoạm cỡ nhỏ từ 2,5-5m3, do các
nhà máy trong nước chế tạo với giá thành từ 40-50 triệu. Để gia tăng công suất bốc dỡ, cảng Quảng
Ninh đã đầu tư các máy ngoạm cỡ lớn (25m3), nhập khẩu từ Hàn Quốc, với giá thành lên tới 1,4 tỉ
đồng/chiếc. Đây là công nghệ bốc dỡ tiên tiến bậc nhất thế giới, có điều khiển từ xa, vừa an toàn
cho thiết bị, hàng hóa vừa đảm bảo năng suất tăng gấp 2-3 lần" - ông Phú cho biết.
Trong khi không ít các đơn vị đóng tàu khác gặp nhiều khó khăn thì Công ty đóng tàu Hạ Long lại
có lượng đơn đặt hàng khá lớn. Chia sẻ về sự thành công này, ông Ông Đàm Đức Kháng - Phó Tổng giám
đốc Công ty đóng tàu Hạ Long cho biết, ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam chủ yếu mang tính gia
công nên giá trị gia tăng không lớn. Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu kém nên hầu hết
trang thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài.
"Năm 2000, Chính phủ Ba Lan có đề nghị hỗ trợ đầu tư cho chúng tôi 147 tỉ đồng vốn vay ODA. Sau
khi thẩm định, chúng tôi đã từ chối vì công nghệ của họ quá cũ, gây ảnh hưởng tới môi trường. Sản
phẩm của công ty chủ yếu bán cho nước ngoài, nếu không đổi mới công nghệ thì không thể có những đơn
hàng quốc tế. Chúng tôi không thể sử dụng công nghệ từ năm 1976 để chế tạo những con tàu hiện đại"
- ông Khang cho biết.
Với máy móc, thiết bị nhập khẩu mới và tự động hóa hoàn toàn, Công ty
đóng tàu Hạ Long đã nâng cao chất lượng và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài
nước
Cũng theo ông Kháng, để có thể cạnh tranh được với thị trường quốc tế, công ty đã phải đổi mới
công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Toàn bộ trang thiết bị được nhập
từ các nước có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới như Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan
Mạch,…Tại xưởng chế tạo tàu trọng tải 53.000 tấn, tất cả các loại máy cắt đều nhập từ Nhật Bản, Đài
Loan, cả dây chuyền hoàn toàn tự động. Với công nghệ cũ, mỗi năm nhà máy chỉ xử lí được 2.000 tấn
thép. Tuy nhiên, với dây chuyền công nghệ tự động này, mỗi tháng có thể xử lí được 3.000 tấn thép,
gấp gần 20 lần.
Cần chế tài để doanh nghiệp thành công!
Việc doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ là tín hiệu đáng mừng khi mà Việt Nam đang ngày
càng hội nhập sâu. Tuy nhiên, với việc chi phí đầu tư công nghệ mới khá lớn nhưng trong nước không
có những chế tài đổi với nhập khẩu thiết bị cũ, lạc hậu khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.
Công ty TNHH Hương Hải (xã Lê Lợi, Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vôi
hóa với dây chuyền công nghệ nguồn hiện đại nhập từ Ý. Dây chuyền hoạt động hoàn toàn tự động hóa
với công suất có thể đạt 980.000 tấn/năm. Sản phẩm đầu ra ở dãi từ vôi có hoạt tích thấp đến hoạt
tính cao.
Ông Bùi Tuấn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải chia sẻ: Vốn đầu tư khi sử dụng công nghệ mới
rất cao so với công nghệ cũ của Trung Quốc. Nếu cùng sản lượng 300 tấn/lò/ngày thì giá thành đối
với công nghệ của Trung Quốc không quá 100 tỷ, trong khi đó công nghệ của Ý lên đến hơn 200 tỷ. Nếu
đầu tư cả một dây chuyền thì nó có thể chênh lệch lên đến 10 lần. Tuy nhiên, nhiên liệu tiêu hao
đối với công nghệ của Trung Quốc lên đến 60%, chất lượng sản phẩm không cao (chỉ ở mức vôi hoạt
tính thấp).
Sở dĩ chúng tôi quyết định đầu tư là tin tưởng vào quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất
vôi. Thời gian tới sẽ siết chặt và giảm dần các lò làm vôi cục thủ công bằng công nghệ cũ, lạc hậu.
Nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ thì những doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào chế biến sâu
như sẽ thua lỗ.
"Nếu việc quy hoạch này không làm triệt để thì chắc chắn doanh nghiệp chúng tôi sẽ gặp khó khăn.
Với các lò thủ công chỉ cần đầu tư vài trăm triệu cùng với nhân công giá rẻ thì có thể sản xuất
được 25 tấn/ngày và sẵn sàng thải chất độc hại ra môi trường. Trong khi đó, các đơn vị sử dụng vôi
trong nước (phần lớn là các nhà máy luyện kim) thì cũng chỉ đòi hỏi vôi cục có hoạt tính thấp. Như
vậy, chúng tôi không thể cạnh tranh được về giá đối với các lò thủ công khi phí đầu tư của doanh
nghiệp lớn lại chịu quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn môi trường" - Giám đốc Bùi Tuấn Ngọc bày tỏ.