Khó có thể gói gọn những phát triển và chuyển động đa dạng của khoa học Việt Nam trong một năm vào một vài sự kiện nhưng theo nhận định của các chuyên gia, có thể hình dung ra năm 2023 với năm điểm nhấn quan trọng, góp phần định hình hoạt động của năm cũng như gợi mở các tác động sâu rộng trong tương lai.

GS. Nguyễn Văn Hiếu, một trong hai nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới.
GS. Nguyễn Văn Hiếu, một trong hai nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới.

Với một nền khoa học còn đang ở giai đoạn hội nhập và bắt nhịp với sự phát triển của khu vực và thế giới như Việt Nam, những khung chính sách có vai trò hết sức quan trọng bởi đó sẽ là những hàng lang thông thoáng và những cơ chế dẫn lối. Không có đột phá khoa học nào mà lại không dựa trên đột phá chính sách. Nỗ lực riêng lẻ của một nhà khoa học, một nhóm nghiên cứu hay thậm chí là một viện nghiên cứu sẽ chỉ là muối bỏ bể nếu không được sự tiếp sức và hỗ trợ của chính sách, và hơn nữa của cả một cộng đồng nghiên cứu theo nhiều cách khác nhau.

Mặt khác, những gì diễn ra trong thế giới những năm gần đây cho thấy, sức đóng góp của KH&CN vào một nền kinh tế, một vị thế quốc gia ngày một gia tăng. Vì vậy, việc đầu tư cho KH&CN sẽ là một trong những con đường bền vững nhất của phát triển.

1. Nghị quyết 45-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, đó là một trong những lý do để Nghị quyết 45-NQ/TW hướng tới phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước với những cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ.

Trong không gian của KH&CN Việt Nam, tuy đã tồn tại nhiều cơ chế và chính sách nhưng vẫn chưa đủ sức giải quyết được những vấn đề căn cốt để thúc đẩy sự phát triển về chất lượng và số lượng của đội ngũ trí thức Việt Nam. Nghị quyết đã hứa hẹn mang đến những làn gió đổi mới khi nhấn mạnh vào các yếu tố: đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế…

Từ Nghị quyết này, khoa học Việt Nam có niềm tin vào cơ hội phía trước, nơi hứa hẹn có tiềm năng thiết kế cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng tính tự chủ trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, các chức danh khoa học; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KH&CN, GD&ĐT, tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, phát huy hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN quốc gia…

2. Cơ hội hoàn thiện thiết kế thị trường KH&CN

Những điểm nghẽn trên con đường đưa sản phẩm công nghệ từ phòng thí nghiệm ra đến thị trường và chuyển giao cho doanh nghiệp đang được từng bước tháo gỡ, sau nhiều năm chật vật tồn tại. Mặc dù sở hữu rất nhiều sản phẩm tiềm năng, hứa hẹn sẽ trở thành các giải pháp công nghệ, các quy trình công nghệ chứa đựng những know-how độc đáo và tiên tiến nhưng các trường, viện của Việt Nam vẫn còn loay hoay. Bởi lẽ, ngoài sự cần thiết của các khoản đầu tư tiếp theo về vốn, cơ sở hạ tầng để tối ưu cho các sản phẩm ấy thành công nghệ và sẵn sàng chuyển giao, vẫn còn những khuyết thiếu khác về cơ chế như sự phân định rõ ràng về cơ chế sở hữu tài sản hình thành từ đề tài do nhà nước tài trợ, sự hỗ trợ của đội ngũ trung gian, giải tỏa nút thắt về việc sử dụng Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhà khoa học hợp tác với doanh nghiệp…

Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập đã mở cơ hội giải quyết những điểm nghẽn ấy khi yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp các bộ, ngành tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường KH&CN để trình các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, đề xuất phương án thúc đẩy doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động R&D theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…

3. Quỹ NAFOSTED trước nhiều bất định sau 20 năm vận hành

Từ một mô hình học hỏi Quỹ Khoa học Thụy Sĩ, cách đây hai thập niên, Quỹ NAFOSTED ra đời như một điểm sáng về cơ chế đầu tư cho khoa học mới ở Việt Nam. Sự xuất hiện của NAFOSTED không chỉ từ sự cởi mở về tư duy quản lý của các bộ, ngành, bố trí nguồn kinh phí ngay từ đầu năm tài chính theo mức vốn điều lệ quỹ để đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN được giải ngân theo tiến độ nhiệm vụ mà còn là cam kết hội nhập quốc tế của một cộng đồng khoa học.

Đột phá chính sách này đã đem lại đột phá cho khoa học Việt Nam khi thúc đẩy công bố quốc tế, nâng cao chất lượng nghiên cứu, gia tăng số lượng các nhà khoa học và hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”… Ngay trong thời kỳ đầu đi vào hoạt động, số lượng công bố từ đề tài do NAFOSTED tài trợ tăng trưởng mạnh (2009-2011) và chiếm hơn 60% công bố do các tổ chức Việt Nam tài trợ (2012-2014).

Tuy vậy những thay đổi của môi trường khoa học theo nhiều cách khác nhau đã tác động đến Quỹ. Hiện tại, số lượng công bố trên các tạp chí ISI từ các đề tài do Quỹ tài trợ chỉ còn chiếm từ 10 đến 12% số lượng công bố của Việt Nam. Đó là một trong những thách thức để Quỹ phải thay đổi trong những năm tới để lấy lại vị thế của mình với những sản phẩm đầu ra có giá trị ngày một cao hơn.

4. Cơ hội từ nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa

Những phát triển đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã đặt nền móng cho nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa, một cơ hội phát triển mới dựa trên các thuật toán và dữ liệu, thay vì dựa trên các nguồn lực tự nhiên đang dần cạn kiệt. Vượt qua cả tự động hóa, yếu tố đang làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của chúng ta ngày nay, AI đang hứa hẹn rất nhiều ở tương lai khi bắt đầu chứng tỏ cho chúng ta thấy khả năng đem lại trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Với một quốc gia như Việt Nam, nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa đang mở ra rất nhiều con đường phát triển và rất nhiều cơ hội tiềm tàng, nếu bắt kịp xu hướng này. Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều sự lựa chọn khi có một đội ngũ các nhà nghiên cứu sẵn sàng hội nhập, một lượng dữ liệu lớn trong khắp nhiều lĩnh vực của một xã hội đang trong quá trình chuyển đổi số. Mặt khác, một đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài về AI, khoa học dữ liệu, học máy… có trình độ rất cao. Đây sẽ là những nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế mới này. Nếu tận dụng được tốt những nguồn lực này, Việt Nam sẽ có thể giải quyết được rất nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, già hóa dân số, nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao năng suất lao động…

Ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội. Tuy nhiên, nếu không có một chiến lược phát triển rõ ràng để nắm bắt lợi thế của AI thì chúng ta không chỉ mất đi cơ hội có được nhiều giá trị mới cho cuộc sống mà còn đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro khi không được trang bị đủ tốt kiến thức và kỹ năng.

5. Liêm chính học thuật

Ứng xử như thế nào trước hiện trạng liêm chính học thuật trong bối cảnh một nền khoa học đang hội nhập là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý khoa học trong vài năm trở lại đây, khi có nhiều tín hiệu cảnh báo về những vi phạm liêm chính đang xảy ra. Có rất nhiều cách “lách luật” khác nhau mà một số nhà khoa học hoặc một số tổ chức đã tận dụng để có được số lượng công bố và trích dẫn vượt ngoài năng lực nghiên cứu của mình: xuất bản bài báo kém chất lượng, thậm chí đạo văn, trên các tạp chí “ăn thịt”, tạp chí săn mồi thuộc các nhà xuất bản tai tiếng hoặc mua bán bài báo, “ké tên” trong bài báo…

Từ những bàn thảo ở các diễn đàn trên mạng internet như facebook Liêm chính Khoa học đến những trao đổi thẳng thắn ở hội thảo Liêm chính đầu tiên ở Việt Nam do Quỹ NAFOSTED (Bộ KH&CN) và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức vào tháng 12/2023, vấn đề liêm chính học thuật và những khía cạnh liên quan đã được đề cập một cách công khai. Có lẽ, sẽ vẫn tồn tại những nhìn nhận khác nhau và yêu cầu khác nhau về xử lý tình trạng vi phạm liêm chính học thuật nhưng chắc chắn là Quỹ NAFOSTED sẽ không nằm ngoài cuộc.