Với mong muốn đảm bảo các nguồn lực cho phát triển sở hữu trí tuệ, ngày 14/9, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ - đã tổ chức tọa đàm “Tăng cường phối hợp giữa Cục SHTT với Hội SHTT Việt Nam (VIPA) và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN)”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT - cho biết, sau 35 năm xây dựng và phát triển, cục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục và giải quyết. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tập trung giải quyết đơn xác lập quyền SHCN tồn đọng. Hiện số đơn SHCN nộp vào Cục tăng trung bình khoảng 10-15%.

Chỉ tính riêng năm 2016, có gần 60.000 đơn nộp vào cục, trong đó cục đã xử lý được gần 40.000 đơn, cấp hơn 29.000 văn bằng bảo hộ SHCN. Dù rất nỗ lực nhưng lượng đơn tồn đọng còn nhiều, đặc biệt là đơn đăng ký sáng chế.

Ông Phí cho rằng tình trạng này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nổi bật nhất là tình trạng thiếu nhân lực và quá trình phối hợp giải quyết công việc với các bên liên quan.


Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi tọa đàm
Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi tọa đàm.

Chính vì thế, thông qua buổi tọa đàm, Cục trưởng mong muốn được nghe ý kiến chia sẻ và đóng góp của VIPA và các tổ chức đại diện SHCN đối với hoạt động của Cục SHTT để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cũng thừa nhận vai trò của Cục SHTT khi tốc độ gia tăng số đơn tăng nhanh. “Tuy nhiên, hệ thống SHTT của Việt Nam có những đặc điểmrấtkhác so với các hệ thống SHTT trên thế giới, mà công chúng và xã hội là một mắt xích quan trọng trong hệ thống đó” - ông Lâm nói và cho biết, đến nay ở Việt Nam có 182 tổ chức với 325 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện SHCN. Con số này cho thấy sự lớn mạnh của các tổ chức đại diện SHCN.

Ông Lê Ngọc Lâm phát biểu tại cuộc tọa đàm
Ông Lê Ngọc Lâm phát biểu tại buổi tọa đàm

“Đây cũng là đội ngũ trực tiếp chia sẻ gánh nặng các công việc của cục, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của mình” - ông Lâm nói và đánh giá cáo vai trò của VIPA trong việc kết nối các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sáng tạo với các cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT, giúp cho việc thực thi quyền và thương mại hóa tài sản SHTT thành công.


Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp, chia sẻ nhiều ý kiến góp ý các văn bản pháp luật liên quan đến SHTT, đào tạo nhân lực SHTT, thực trạng và nhu cầu tra cứu thông tin về SHTT,các hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT…