Mặc dù mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu có từ những năm 1970 nhưng ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực hợp tác này của Việt Nam và Nga vẫn chưa có được những tiến triển tương xứng với thế mạnh cũng như hiểu biết về nhau.
Điều đó cho thấy, một mặt hai quốc gia có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai, nhưng mặt khác cần khắc phục những điểm tồn tại để đạt được điều đó.
Diễn ra ngày 29/5/2019 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc – Chủ tịch Phân ban Việt Nam, và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Aleksey Mikhailovich Medvedev - Chủ tịch Phân ban Nga, khóa họp lần hai Ủy ban hợp tác về giáo dục, KH&CN Việt Nam – Nga đã nhìn lại và đánh giá những hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia kể từ năm 2014, khi chính phủ hai nước ký kết Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN.
Có lẽ trong các mối quan hệ hợp tác KH&CN và giáo dục song phương mà Việt Nam có được, chưa có mối quan hệ hợp tác nào ở mức “hiểu biết sâu sắc” như vậy – cụm từ thường được dùng mỗi khi nhắc đến sợi dây liên kết đặc biệt giữa Việt Nam và Nga. Trong quá khứ, đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu đã được đào tạo ở Xô viết cũng như Nga sau này, và trở thành những gương mặt trụ cột trong việc đặt nền móng nhiều lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam, ví dụ theo đánh giá của TS. Lê Thị Quỳnh Liên, Phó trưởng Ban hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), “những kết quả mà Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đạt được cho tới bây giờ đã bắt nguồn rất nhiều từ những mối quan hệ hợp tác ban đầu Việt – Nga từ những năm 1970”.
Hợp tác trong bối cảnh mới
Hiện tại, mối quan hệ hợp tác Nga – Việt vẫn được duy trì nhưng với một số điểm khác biệt so với trước đây, cả từ phía Nga và Việt Nam.
Nếu nhìn từ Nga, có thể thấy những chuyển biến trong giáo dục đại học với quan điểm đổi mới “học đi đôi với hành”, “nghiên cứu gắn với đào tạo” thông qua việc thực hiện Dự án 5-100, dự án được Chính phủ Nga khởi động vào năm 2013 để thực hiện mục tiêu có 5 trường lọt vào top 100 thế giới vào năm 2020, và Chương trình Phát triển đổi mới sáng tạo trong các công ty quốc gia quy mô lớn, một trong những chính sách mà Chính phủ Nga đề ra nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo ở các công ty nhà nước qua hợp tác với trường, viện. Trả lời trang timeshighereducation.com, giáo sư vật lý hạt nhân Andrei Volkov - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của dự án 5-100, đánh giá đây là “một cải cách có ảnh hưởng nhất” trong vòng 20 năm qua và “một cuộc cách mạng văn hóa” của giáo dục đại học Nga khi chấm dứt chia tách giữa giảng dạy và nghiên cứu.
Chuyển biến tương tự cũng tới với khoa học Nga, sau cuộc cải tổ Viện Hàn lâm Khoa học Nga năm 2013 và việc thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế. Nhắc đến vấn đề này tại khóa họp, Thứ trưởng A.M Medvedev nêu những điểm mấu chốt trong mục tiêu chiến lược phát triển khoa học Nga là hội nhập quốc tế về KH&CN, giáo dục; hiện đại hóa công tác quản lý khoa học, giáo dục; doanh nghiệp và khoa học cùng hình thành những dự án R&D…Những đối tượng được ưu tiên trong khoa học là các nhà khoa học, các tập đoàn và cơ quan hành pháp để quá trình thực hiện các chương trình, dự án không gặp những rào cản thủ tục. Khi đã xác định được các mục tiêu và những lĩnh vực ưu tiên, Chính phủ Nga sẽ xây dựng các chương trình, dự án KH&CN liên bang – một trong những công cụ hữu ích để phát triển khoa học.
Theo thông tin từ nhật báo Nga Kommersant, kể từ đó, số lượng công bố của Nga trên các tạp chí đa ngành hàng đầu như Science, Nature và PNAS tăng lên 40%, chiếm khoảng 0,8% tổng số công bố, trong khi công bố trên các tạp chí chuyên ngành Geology, Earth and Planetary Science Letters duy trì ở mức 2%, Physical Review Letters 6,5%... Một cơ chế đầu tư cho khoa học minh bạch và có cạnh tranh như các quốc gia tiên tiến phương Tây và Mỹ cũng được của Chính phủ Nga áp dụng nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. Nếu tính riêng số các bài báo xuất bản năm 2013 trên Science, Nature và PNAS thì có 60 công bố từ kết quả tài trợ của Quỹ Khoa học Nga, 51 từ Quỹ Khoa học cơ bản Nga và 28 từ Bộ GD&ĐT Nga (nay là Bộ KH và GDĐH).
Một bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng tương tự cũng xuất hiện ở Việt Nam với những đổi mới trong quản lý và nghiên cứu khoa học. Sự ra đời của Quỹ NAFOSTED đã góp phần tạo ra một môi trường nghiên cứu tương đối thuận lợi cho nghiên cứu cơ bản, qua đó hạn chế tình trạng chảy máu chất xám cũng như góp phần đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ. Trong giai đoạn 2008-2017, công bố do NAFOSTED tài trợ chiếm 20% tổng số công bố của Việt Nam và khoảng 60% công bố do Việt Nam tài trợ. Bên cạnh đó, những chương trình đầu tư cho đổi mới sáng tạo như Quỹ NATIF, các chương trình KH&CN quốc gia, Chương trình sản phẩm quốc gia… cũng được triển khai.
Tất cả những điểm mới ấy khiến mối quan hệ hợp tác Nga – Việt mang màu sắc mới, đặc biệt trong khoa học. Nếu trước đây, việc hợp tác thông thường chỉ gói gọn trong việc đào tạo nguồn nhân lực và một chiều “do trình độ khoa học khi đó còn thấp, Việt Nam chưa thể thành lập được các nhóm nghiên cứu riêng mà chỉ có thể cử cán bộ tham gia vào các nhóm nghiên cứu của Nga và của các nước thành viên khác” như lời nhận xét của GS. TS Lê Hồng Khiêm (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – đại diện của Việt Nam tại Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, thì nay ở một số lĩnh vực như công nghệ nano, hóa sinh, khoa học vật liệu, môi trường… các nhà khoa học Việt Nam đã có đủ năng lực xây dựng các dự án nghiên cứu chung với các đồng nghiệp Nga và thực hiện chúng trên các phòng thí nghiệm cả hai quốc gia.
Sự tồn tại của những điểm khuyết thiếu
Xét về bên ngoài, bối cảnh mới đó hứa hẹn nhiều tiềm năng đem lại những hợp tác đào tạo và nghiên cứu ở mức cao hơn, nhất là khi “Chính phủ Nga coi Việt Nam là đối tác ưu tiên chiến lược, năm 2020 sẽ cấp 1000 suất học bổng đại học và sau đại học, đưa Việt Nam trở thành quốc gia được nhận học bổng từ Nga nhiều nhất” và “coi một trong những ưu tiên cốt lõi trong hợp tác với Việt Nam là mở rộng hợp tác về KH&CN, phát triển theo những ngành KHCN ưu tiên”, theo Thứ trưởng A.M Medvedev.
Tuy nhiên trên thực tế, mối quan hệ hợp tác đó vẫn chưa đạt tới quy mô và mức độ như kỳ vọng của hai quốc gia. Dù đã có kết quả ban đầu nhưng các nghiên cứu chung giữa các viện nghiên cứu hai quốc gia vẫn ở quy mô manh mún và nhỏ lẻ, chưa hình thành một chương trình mang tính hệ thống để có thể đạt được những kết quả lớn hơn và tương xứng với trình độ phát triển. Ví dụ, nhìn vào mối hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Nga, có thể thấy “có 120 dự án được hai bên tài trợ. Năm 2019, hai bên đã lên khung các dự án đồng tài trợ nghiên cứu chung, tài trợ được 8 dự án với Viện Hàn lâm Khoa học Nga, 20 dự án với các phân viện Viễn Đông tại Siberie của Viện Hàn lâm Khoa học Nga…”, TS. Lê Thị Quỳnh Liên cho biết. Tuy nhiên, trao đổi bên lề cuộc họp, chị cũng thừa nhận, hầu hết đều mới là trong một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như sinh học, hóa học, toán học, vật lý, sinh thái tài nguyên sinh vật biển… với thời gian thực hiện là hai năm, kinh phí trung bình cũng chỉ ở mức 200 triệu, chủ yếu là kinh phí cho “đoàn ra, đoàn vào”. Vì vậy “phần lớn mới chỉ là nhiệm vụ khoa học chứ chưa phải dự án và do đó hợp tác cũng chỉ là ở mức duy trì mối quan hệ lâu dài”, chị nhận xét.
Trong vòng 5 năm qua, kể từ ngày Việt Nam và Nga ký kết Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, KH&CN, nhiệm vụ hợp tác theo chương trình Nghị định thư, hai bên đồng tài trợ cũng mới có “bốn nhiệm vụ được nghiệm thu, hai nhiệm vụ đang triển khai, hai nhiệm vụ đã được phê duyệt và hai vụ đang được tiến hành các thủ tục cần thiết”, trải rộng từ các lĩnh vực công nghệ môi trường, vật liệu mới, chế tạo máy, công nghệ thông tin, y học đến khoa học xã hội nhân văn, theo bà Lê Thị Việt Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN).
Có thể thấy, ngoại trừ một số nhiệm vụ hợp theo chương trình Nghị định thư, còn lại dường như các hợp tác nghiên cứu mới ở giai đoạn “thăm dò” – thông thường chỉ xảy ra khi các bên mới thiết lập mối quan hệ tìm hiểu về năng lực nghiên cứu của nhau. Ông I.M. Romanov, Vụ trưởng Vụ Chính sách KH&CN (Bộ KH và GDĐH) không giấu nổi băn khoăn về tình trạng này. “Chúng ta cần mở rộng lĩnh vực và đề tài hợp tác nghiên cứu bởi hiện nay chúng ta mới có được một số dự án nghiên cứu ở một vài lĩnh vực như môi trường, sinh vật biển, vật lý hạt nhân…” trong khi tiềm năng khoa học của Nga còn rất lớn và trình độ của khoa học Việt Nam cũng đã tăng lên với khả năng hội nhập quốc tế cao, ông nêu lên suy nghĩ của mình về tính hiệu quả trong hợp tác Nga – Việt thời gian qua. Đây cũng là quan điểm của đại sứ Nga tại Việt Nam, ông K.V Vnukov ở đầu khóa họp khi đề cập đến việc cần tập trung vào những dự án KH&CN hai bên có thế mạnh và lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ hạt nhân với Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia mới được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo quan sát của ông I. M Romanov, việc tăng cường một cách thực sự phạm vi hợp tác trong khoa học cần dựa vào thế mạnh của Nga và Việt Nam như “mở rộng nghiên cứu về vật lý thiên văn, vật lý năng lượng cao, vũ trụ, công nghệ nano, công nghệ hạt nhân…, ngoài nghiên cứu cơ bản cần hướng đến cả các ứng dụng thực tế như xây dựng các công cụ, thiết bị nhận tín hiệu từ Hệ thống định vị toàn cầu GPS để Việt Nam có thể sử dụng dữ liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giám sát quản lý vận tải, trắc địa môi trường…”
Một nhà quản lý khác của Bộ KH và GDĐH, bà N.I Golubeva, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, đề cập đến một số dự án hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nghuyên sông biển Nga – Việt đã thực hiện và một số dự án về công nghệ nano, vật liệu composite được thực hiện từ năm 2019 này. Bà cho rằng, “số lượng các dự án có thể tăng lên” và để có được những kết quả hợp tác tốt hơn, “chúng ta cần gia tăng thời gian thực hiện dự án, đưa thời gian lên trên ba năm chứ nếu dưới ba năm như hiện nay thì không thể có kết quả như mong muốn”.
Những khó khăn cần khắc phục
Trong cuộc họp, rất nhiều đại biểu Việt Nam đã đưa ra một số vấn đề tồn tại, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt – Nga, trong đó nổi lên vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận và rào cản ngôn ngữ. Sau biến động những năm 1990 với sự tan rã của Liên bang Xô viết, tiếng Nga không còn là ngôn ngữ ưu tiên của giới trẻ Việt Nam và họ học tiếng Anh để chuyển hướng chọn trường đại học tại các quốc gia Tây Âu hoặc Mỹ. Trong khi đó, “các nhà khoa học từng có thời gian học tập tại Nga, có bề dày kinh nghiệm mà chúng tôi dựa vào để kết nối với đồng nghiệp Nga đang dần nghỉ hưu, vì thế chúng tôi bị hẫng mất một thế hệ và gặp khó khăn trong việc kết nối và trao đổi, làm việc với các đối tác Nga”, ThS Văn Thị Thanh Bình, Phó trưởng Ban hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), nói. Theo chị, đây là một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện những dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với các viện nghiên cứu của Nga chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tình trạng đó không chỉ có ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mà còn ở một số đơn vị khác, ví dụ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nơi có rất nhiều nhà nghiên cứu từng học tập và nghiên cứu ở Liên bang Xô viết trước đây. Trao đổi bên lề phiên họp, TS. Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết, mặc dù Nga là một trong số ít các quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân, vật lý hạt nhân và Nga hết sức tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam theo học những trường tốt nhất của Nga trong lĩnh vực này nhưng Viện vẫn rất khó khăn tuyển người theo các suất học bổng sau đại học. “Mỗi năm, Viện được cấp 20 suất học bổng nhưng chúng tôi vẫn chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu này”, anh nói.
Ngay cả với những nơi nhiều năm có tiếng là đào tạo và nghiên cứu tốt như Viện Liên hợp hạt nhân Dubna – nơi Việt Nam là một trong số các thành viên chính thức, thì việc đưa các nhà nghiên cứu Việt Nam sang đó cũng không dễ. Trên Tia Sáng, GS. TS Lê Hồng Khiêm từng lý giải, bên cạnh vấn đề ngôn ngữ thì có những rào cản về chính sách còn tồn tại, khiến “các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại Dubna không được quyền đăng ký đề tài nghiên cứu, không được hưởng các chế độ về lương và phụ cấp như ở Việt Nam, không được dùng tiền của Việt Nam để trang bị một số dụng cụ nghiên cứu nhỏ cần thiết cho các công việc nghiên cứu của mình”.
Lo ngại về tình hình này, Thứ trưởng A.M Medvedev cũng nói, “có những vấn đề thiếu hụt đang tồn tại như vậy cần phải được củng cố. Việc số lượng nhà nghiên cứu Việt Nam biết tiếng Nga, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội nhân văn, ngày một ít đi sẽ là một rủi ro về lâu dài”. Vì vậy, cần có những giải pháp như “phát triển việc học tiếng Nga tại Việt Nam là mục tiêu quan trọng” và “chúng tôi sẽ ủng hộ việc thực thi các giải pháp đó”, ông cam kết.
Mặt khác, ông cho rằng, để gia tăng thêm số lượng và chất lượng các dự án hợp tác, Việt Nam có thể chủ động lên kế hoạch hợp tác với các trường viện của Nga, cử các nhóm nghiên cứu cùng thực hiện các dự án nghiên cứu chung, một trong những cách hợp lý là dựa ngay vào kế hoạch của các trường viện Nga cho các năm 2020, 2021. “Chúng tôi sẽ thông báo chương trình của chúng tôi cho các viện của Việt Nam. Chúng ta cần thực hiện từng bước như vậy”, ông nói. Việc chủ động lên kế hoạch hợp tác sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, đó cũng là thành công của Trung tâm nghiên cứu nhiệt đới Việt – Nga, nơi nhiều năm qua thực hiện nghiên cứu trên ba hướng chính là sinh thái nhiệt đới, vật liệu nhiệt đới và y sinh nhiệt đới: trong năm 2018-2019 đã hoàn thành chương trình hoạt động 5 năm tới và được Chính phủ Nga tăng gấp ba kinh phí cho các đề tài.
Những thuận lợi cho những hợp tác nghiên cứu và đào tạo sâu rộng hơn giữa Nga và Việt Nam đã được mở ra ngay tại khóa họp, không chỉ là lời cam kết của Thứ trưởng A.M Medvedev và một phần kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào thời gian tới của Bộ KH&GDĐH Nga, mà còn ở thái độ cởi mở của các nhà khoa học Nga. “Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác với 42 viện ở Nga, họ cũng sẵn sàng cùng làm việc với Việt Nam. Bản thân viện của chúng tôi sẵn sàng cung cấp các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Chúng ta có thể tổ chức các hội thảo, seminar qua mạng internet, cơ hội để có thể mở ra những hợp tác sâu hơn. Và chúng tôi sẵn sàng mở cửa mời mọi người đến với mình”, ông Mikhail Petrovich Egorov, Giám đốc Viện Hóa học hữu cơ N.D Zelinsky (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) – một trong những viện hóa học hàng đầu thế giới theo xếp hạng năm 2019 của Phòng Thương mại khoa học châu Âu, nói.
“Khoa học Nga đang ngày một trẻ trung và lớn mạnh hơn, nhiều năng lượng và khả năng cạnh tranh hơn. Phải nói thêm rằng, hơn một nửa những người làm việc trong các phòng thí nghiệm ở đó, khoảng 60%, là các nhà khoa học dưới 39 tuổi…
Việc nâng cấp nền tảng thiết bị của các viện nghiên cứu và các trường đại học mới được bắt đầu. Việc đặt bệ phóng cho một thế hệ các siêu dự án khoa học đang tiếp tục với hy vọng đưa khoa học Nga trở thành một lực hút trí tuệ đích thực với các nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau tham gia, không chỉ nước Nga. Đây sẽ là nguyên tắc hướng dẫn cho các dự án này; chúng ta sẽ tạo dựng các cơ hội cho các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia cùng đến đây làm việc”.
(Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi với các nhà quản lý và nhà khoa học trẻ Nga tại Sochi ngày 17/5/2019). |