IPP là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ngày 15 tháng 1 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức Lễ Kết thúc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2).Chương trình thực hiện trong 4.5 năm (3/2014-10/2018) với tổng ngân sách là 11 triệu Euro, trong đó Chính phủ Phần Lan tài trợ 9.9 triệu Euro, phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.1 triệu Euro.Chương trình có ba cấu phần chính: (i) Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; (ii) thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo và (iii) hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Nhìn tổng thể, các hoạt động của Chương trình IPP2 đã tác động tích cực tới hầu hết các yếu tố cấu thành của Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bao gồm từ i) Chính sách của Chính phủ và khung pháp lý (Government Policy; Regulatory Framework); ii) Định chế tài chính cho khởi nghiệp (Funding and Finance); iii) Văn hóa khởi nghiệp thông qua đào tạo, lan tỏa tri thức (Culture); iv) Đội ngũ chuyên gia huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp (Mentors, Advisors & Support Systems); v) Vai trò của các trường đại học như nhân tố xúc tác khởi nghiệp (Universities as Catalysts); vi) Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp (Education & Training); và vii) Gián tiếp tác động tới chất lượng nguồn nhân lực (Human Capital & Workforce) thông qua các nỗ lực hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như thúc đẩy chương trình đào tạo và giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các trường đại học của Việt Nam.
Như một số chuyên gia đã nhận định, việc kết thúc thành công Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là một dấu mốc quan trọng, xứng đáng là một sự kiện KH&CN và đổi mới sáng tạo hàng đầu của năm 2018.
Báo KH&PT xin trích đăng bài phát biểu của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại buổi lễ.
Với các nỗ lực của IPP trong giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một tư duy mới về đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm Phần Lan như một công cụ mới để phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững. Cho đến hôm nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những động lực mới quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, và là một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức đảm nhiệm.
Bước sang giai đoạn tiếp theo của IPP2, chương trình đã lại một lần nữa đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng mới và tiến bộ ở Việt Nam. Đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Từ việc hỗ trợ thiết kế các chính sách lớn của Chính phủ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, đào tạo đội ngũ tư vấn khởi nghiệp và giảng viên nguồn của các trường đại học, cho tới việc thử nghiệm các mô hình mới trong tài trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học và kết nối doanh nghiệp Phần Lan với thị trường năng động của Việt Nam: Trong từng hoạt động, IPP2 luôn đổi mới sáng tạo và linh hoạt điều chỉnh để mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng trúng nhu cầu của thực tiễn Việt Nam.
Thành công của các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp được IPP2 hỗ trợ, trong đó nhiều dự án đã tiếp tục gọi vốn thành công và vươn ra thị trường khu vực, quốc tế, đã minh chứng sự phù hợp của các mô hình mới, tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IPP2 đối với Việt Nam, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nếu có các can thiệp chính sách kịp thời và phù hợp, thì tiềm năng đó có thể trở thành hiện thực, các nhóm khởi nghiệp non trẻ có thể trở thành doanh nghiệp trưởng thành có tiềm lực mạnh trong tương lai, mang lại việc làm và giá trị gia tăng cho xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao các tác động bền vững mà Chương trình IPP2 mang lại đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, khi các chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp và các bạn trẻ khởi nghiệp, các giảng viên đại học và cán bộ hoạch định chính sách được IPP2 hỗ trợ nâng cao năng lực trong thời gian qua đã và đang trở thành các tác nhân thay đổi, liên kết thành mạng lưới để nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa, tư duy về đổi mới sáng tạo, tri thức và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Đồng thời, với sự tham gia tích cực của các trường đại học trong hoạt động hợp tác với IPP2, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên đại học đã và đang trở thành một xu hướng tiến bộ được các trường đại học Việt Nam quan tâm đẩy mạnh.
Với sự hỗ trợ của Chương trình IPP2, nhiều chính sách, chương trình mới về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã lần lượt được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong đó có các văn bản mang tính bản lề quan trọng như: Luật Chuyển giao Công nghệ 2017, chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp Trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Các bài học kinh nghiệm và công cụ thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Chương trình IPP2 là nguồn tham khảo hữu ích để các cơ quan, tổ chức liên quan ở Việt Nam nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị mình.