Việt Nam về cơ bản vẫn là quốc gia đi sau trong công nghiệp 4.0, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định chúng ta vẫn còn cơ hội với blockchain, lĩnh vực công nghệ cho phép con người kết nối và giao dịch với nhau một cách thông minh. Như nhận định của ông Đặng Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET1: “Nếu muốn xây dựng các trung tâm tài chính lớn, hay các trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới thì Việt Nam gần như không có cơ hội; nhưng với blockchain chúng ta có cơ hội rất lớn vì tất cả các nước trên thế giới cũng đang ở bước khởi đầu.”
Tuy nhiên, một trong những điều kiện không thể thiếu để các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội là một hành lang pháp lý cho phép họ thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan tới blockchain một cách thông thoáng.
Ông Vương Quang Long, Sáng lập và Giám đốc của Tomochain - công ty hoạt động về ứng dụng blockchain tại Việt Nam - cho biết công ty cần rất nhiều nhân lực kỹ thuật cao với mức lương tương xứng, mà để có nguồn lực đáp ứng yêu cầu này doanh nghiệp phải gọi vốn đầu tư từ quốc tế. Song với những rào cản pháp lý hiện hành ở Việt Nam, Tomochain buộc phải đăng ký công ty ở Singapore, dù 90% đội ngũ kỹ sư là người Việt.
Xây dựng khung pháp lý cần lường trước các rủi ro
Nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain, trong thời gian qua một số cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt đầu có những dịch chuyển cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp cho biết, tại Nghị quyết 23 của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 22/3/2018 về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tư pháp đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của blockchain.
Vai trò của Nhà nước, theo ông Tú cần giải quyết 4 điểm: 1/ khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên blockchain; 2/ Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng blockchain. 3/ Tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. 4/ Các bộ, ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần bổ sung.
Tuy nhiên, theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo về blockchain, nhận diện các ưu việt và lường trước cả những rủi ro. Cùng quan điểm này, ông Đặng Minh Tuấn cho rằng công nghệ blockchain còn mới, chưa ổn định, sẽ tiếp tục thay đổi, nên cần có nghiên cứu sâu và dài để hiểu rõ bản chất của công nghệ blockchain, đồng thời Nhà nước và các cơ quan chức năng phải có sự kiểm soát đối với tiền mã hóa cũng như các dự án ứng dụng công nghệ blockchain.
Cần một “khoán 10” với blockchain?
Để không rơi vào tình trạng chần chừ bỏ lỡ cơ hội, trong khi chưa thể đánh giá toàn diện ngay tất cả những lợi ích và rủi ro từ blockchain, nên chăng cần một hành lang pháp lý mang tính thí điểm đối với loại công nghệ giàu tiềm năng này?
Ông Đặng Minh Tuấn bày tỏ: “Chúng ta từng có những chính sách đưa Việt Nam có những bước đột phá như khoán 10, để từ một nước đói nghèo, nhập khẩu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo. Vì vậy, chúng tôi mong có một chính sách ‘khoán 10’ trong công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực blockchain”.
Theo đánh giá của ông Dane Elliott, Giám đốc kinh doanh Achain, yêu cầu xây dựng các quy định cụ thể để điều phối phát triển ứng dụng blockchain đang đặt ra không chỉ riêng với Việt Nam mà với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông nhấn mạnh: “Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam là những nước phát triển về ứng dụng blockchain nhưng vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý toàn diện. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài. Bởi vậy, việc xây dựng cơ chế pháp lý sẽ góp phần mang lại nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này”.
(1) Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET thuộc Công ty cổ phần Giáo dục và Công nghệ QNET được thành lập bởi các chuyên gia trong ngành phần mềm, nghiên cứu mật mã và blockchain. Trung tâm tập trung nghiên cứu phát triển các phương pháp đào tạo blockchain chuyên sâu.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, qua đó có thể tạo không gian cần thiết để lĩnh vực blockchain có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Theo ông Đàm Bạch Dương, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng trong ngành công nghiệp 4.0, và nếu không có gì thay đổi, trong tháng Tám Thủ tướng sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước đưa ra những khung hỗ trợ các công ty fintech. |
“Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp ứng dụng blockchain cần thay đổi hai thứ quan trọng đó là về quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức về mặt nhân sự. Nếu chỉ tập trung vào công nghệ sẽ rất khó triển khai. Với tư cách là cơ quan quản lý, chúng tôi đang đồng hành cùng các bạn”. Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |