Sự kiện 18.000 chai tương ớt của Masan bị cơ quan kiểm tra của Nhật Bản dừng lưu hành do vượt quá nồng độ chất bảo quản cho phép, của nước này nếu nhìn ở góc cạnh tiêu chuẩn – hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong một thị trường toàn cầu hóa sẽ là một điển cứu thú vị.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật trong thương mại

Để một biện pháp kỹ thuật không trở thành hàng rào kỹ thuật không cần thiết cho thương mại quốc tế, theo Hiệp định TBT của WTO, biện pháp đó phải được xây dựng, ban hành và áp dụng trên cơ sở để thực hiện các mục tiêu hợp pháp như bảo vệ sức khoẻ con người, động thực vật, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa hành vi gian lận, bảo vệ an ninh quốc gia… và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế liên quan.

Các cam kết TBT trong các Hiệp định thương mại khu vực mà Việt Nam tham gia gần đây cũng khẳng định vai trò quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế vì đây là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp. Hơn thế nữa đây cũng là cơ sở để đánh giá một biện pháp TBT được xây dựng và ban hành có là rào cản kỹ thuật không cần thiết cho thương mại quốc tế hay không.

Đến cuối năm 2017, trong WTO đã có tổng số 485 vụ kiện tranh chấp thương mại trong các lĩnh vực, trong đó có 54 vụ liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Tiêu chuẩn quốc tế cũng là một nội dung được Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO xem xét để đánh giá khả năng biện pháp TBT do một nước thành viên WTO ban hành có phải là rào cản kỹ thuật không cần thiết cho thương mại quốc tế hay không. Nếu tiêu chuẩn dùng làm căn cứ để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp được xác định không phải là tiêu chuẩn quốc tế liên quan có nghĩa là quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp đó có khả năng bị xem là một hàng rào kỹ thuật không cần thiết cho thương mại. Ví dụ, Trong vụ tranh chấp nổi tiếng giữa EU và Peru về cá sardin, việc Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm xác định Tiêu chuẩn Codex 94 của Ủy ban Codex là một tiêu chuẩn quốc tế liên quan đã giúp cho Peru thắng kiện trước EU.

Như vậy, tiêu chuẩn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật nếu không được xây dựng theo quá trình chuẩn mực tức là không phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT WTO, không hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế liên quan và không phải là tiêu chuẩn theo định nghĩa đã quy định. Trong đó, việc xây dựng tiêu chuẩn cần tuân thủ nguyên tắc của Hiệp định WTO/TBT về Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn để đảm bảo các tiêu chuẩn được xây dựng và công bố không tạo ra rào cản không cần thiết cho thương mại.

Trên thế giới có thể lấy một ví dụ điển hình liên quan đến tiêu chuẩn của EC đối với hàm lượng độc tố nấm Aflatoxin trong ngũ cốc và các loại hạt (chủ yếu là lạc) để hình dung về vai trò và mức độ ảnh hưởng đáng kể đến thương mại của tiêu chuẩn. Theo nghiên cứu của Wilson và Otsuki (2003), năm 1997 với lý do bảo vệ sức khỏe người dân, EC đã giảm hàm lượng này xuống mức 4ppb1(riêng B1 là 2ppb) trong khi tiêu chuẩn của Codex là 9ppb. Theo tính toán2 , việc thắt chặt tiêu chuẩn này của EC có thể làm giảm xuất khẩu ngũ cốc và hạt toàn cầu khoảng 3,1 tỷ USD, nhưng nếu các nước nhập khẩu, kể cả EU, áp dụng tiêu chuẩn của Codex thì xuất khẩu toàn cầu mặt hàng này có thể tăng đến 38,8 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng tiêu chuẩn đóng một vai trò quan trọng trong thương mại, giúp thúc đẩy thương mại và cũng làm ảnh hưởng tới thương mại nếu không được áp dụng một cách phù hợp.

Tuy nhiên hiện nay trên thế giới có một xu thế là nhiều tiêu chuẩn không phải do các cơ quan nhà nước ban hành mà do các tổ chức, hiệp hội tư nhân xây dựng và khuyến khích áp dụng. Các tiêu chuẩn như vậy gọi chung là tiêu chuẩn tư nhân. Những tiêu chuẩn này được yêu cầu bởi các doanh nghiệp nhập khẩu và cũng gây ra tốn kém chi phí, thời gian để đạt được những yêu cầu của tiêu chuẩn thông qua các chứng chỉ tương ứng.

Những ví dụ cụ thể về vướng mắc của doanh nghiệp

- Để có thể xuất khẩu gỗ sang châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đạt được chứng chỉ về khai thác bền vững FSC với giá từ 3-5 USD cho 1 ha rừng trồng, tùy thuộc vào loại rừng khác nhau. Sau khi đạt chứng chỉ FSC, hằng năm chuyên gia sẽ đến kiểm tra và cấp lại chứng chỉ 5 năm một lần. Hoặc sản phẩm nội thất xuất khẩu sang châu Âu cũng phải đáp ứng các yêu cầu về hóa chất trong quy định REACH của châu Âu như hàm lượng chì trong dầu, sơn không được quá 1%, để an toàn cho người sử dụng trước khi gỗ đưa vào chế biến phải khử côn trùng để tránh sâu, mọt…

Trước hàng loạt các tiêu chuẩn phức tạp từ các rào cản kỹ thuật mới dựng lên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không đáp ứng nổi. Ảnh: nhipcaudautu.vn
Trước hàng loạt các tiêu chuẩn phức tạp từ các rào cản kỹ thuật mới dựng lên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không đáp ứng nổi. Ảnh: nhipcaudautu.vn

- Trong quá trình thực hiện cảnh báo về hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên WTO, một số doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam cũng nêu khó khăn vướng mắc họ gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa. Chẳng hạn năm 2015 Trung Quốc xây dựng một quy định mới về công thức cao su hỗn hợp, trong đó hàm lượng cao su tự nhiên được yêu cầu ở mức 88%, trước đó là 95%-99,5%, thành phần còn lại là bột carbon đen. Về thuế quan, cao su hỗn hợp khi nhập khẩu vào Trung Quốc được hưởng thuế 0% trong khi cao su tự nhiên phải chịu thuế suất khoảng 17-20%. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cao su, các nhà công nghiệp chế biến của Trung Quốc có xu hướng tăng sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên truyền thống với tiêu chuẩn quốc tế ISO. Việt Nam cũng đã có các tiêu chuẩn quốc gia cho các chủng loại cao su tự nhiên tương đương với tiêu chuẩn quốc tế như TCVN 3762:2004; TCVN 6314:2013. Để đáp ứng quy định xuất khẩu cao su hỗn hợp vào Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, máy móc với kinh phí cao, tăng giá thành do phải nhập khẩu cao su tổng hợp và bột than carbon đen, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường sẽ cao hơn so với sản xuất, chế biến cao su thiên nhiên truyền thống.

Do vậy thay vì sản xuất cao su hỗn hợp, để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại sản xuất để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng cao su truyền thống, cao su tự nhiên đã có tiêu chuẩn quốc tế và có thể đa dạng hóa thị trường nhưng đồng nghĩa với việc chấp nhận mức thuế cao hơn so với cao su hỗn hợp khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Một biện pháp kỹ thuật khác của Trung Quốc đưa ra năm 2017 quy định thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng thư do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc các tổ chức được ủy quyền, chỉ định tại nước xuất khẩu cấp. Chứng thư này sẽ được xuất trình cho cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch tại các cảng, cửa khẩu khi nhập khẩu thực phẩm. Mẫu chứng thư phải được Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) xác nhận trước. Trường hợp không xuất trình được chứng thư đi kèm, hàng hóa thực phẩm sẽ không được phép nhập khẩu. Nhiều nước Thành viên WTO đã có ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan như tiêu chuẩn và hướng dẫn của CODEX, không được xây dựng trên cơ sở khoa học chắc chắn… Khi tham dự các phiên họp của Ủy ban TBT, Việt Nam cũng đưa ra ý kiến góp ý của mình và đề nghị Trung Quốc tạm hoãn thời gian thi hành các quy định này để không ảnh hưởng tới thương mại.

Gợi ý hướng tháo gỡ khó khăn

Theo cam kết của Hiệp định TBT/WTO và các cam kết TBT trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, doanh nghiệp được phép tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp của các nước Thành viên WTO ngay khi các nước này gửi thông báo cho WTO. Các dự thảo này được cập nhật trên trang web ePing của WTO (http://www.epingalert.org/en) và trên Cổng thông tin TBT Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng quyền lợi này của mình để tham gia đóng góp ý kiến trong trường hợp những biện pháp TBT trong tương lai có thể sẽ cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của mình tới các thị trường nước ngoài, gây ra tổn thất chi phí, thời gian… Như vậy, vô hình trung các rào cản kỹ thuật có thể được tháo gỡ ngay từ khi chưa hình thành và chưa gây ra những ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Mặt khác, việc tiếp cận thông tin sớm và tìm hiểu về biện pháp TBT đang xây dựng và sẽ ban hành trong tương lai cũng giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị cho việc đáp ứng quy định khi xuất khẩu hàng hóa, ví dụ chủ động thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện các thử nghiệm, chứng nhận cho sản phẩm hàng hóa theo yêu cầu… tránh các chi phí phát sinh trong quá trình xuất khẩu.

Mặc dù tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng theo Hiệp định TBT WTO và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhưng đây là nền tảng quan trọng để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và thừa nhận tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên nhiều căn cứ trong đó có tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài. Do vậy, bên cạnh quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp cũng cần quan tâm tìm hiểu các tiêu chuẩn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình và chủ động tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo tiêu chuẩn liên quan trong nước và nước ngoài. Như vậy, các rào cản kỹ thuật trong tương lai có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp như những ví dụ nêu ở trên cũng sẽ được gỡ bỏ từ sớm.

Chú thích:
(1) Part per billion (ppb): phần tỷ.
(2) Được nhắc đến trong phần giới thiệu cuốn sách ‘the WTO and Technical Barriers to Trade’về nghiên cứu của John S. Winson and Tsunesiro Otsuki (2003), ‘Food safety and Trade: Winners and Losers in Non-Harmonized World’ Journal of Economic Intergration, 18 (2), June, 266-287.