Dự báo có thể sai nhưng chuyện tương lai thì ai cũng tò mò – hãy cùng TS Phạm Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Đại học Phú Xuân, tìm hiểu viễn cảnh của giáo dục đại học Việt Nam trong năm 2019.


Một phòng thí nghiệm ở trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên. Ảnh: tuaf.edu.vn

1. Kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học bớt nóng: Bê bối gian lận thi THPT năm 2018 chính là lý do khiến kỳ thi này trở nên bớt nóng trong năm 2019. Thứ nhất, việc thanh tra, giám sát sẽ nghiêm túc hơn, quy trình thực hiện cũng sẽ bớt sơ hở hơn; những người có ý định gian lận cũng sẽ dè chừng hơn vì cũng đã nhìn thấy trước hậu quả sẽ đến với mình nếu sự việc bị phát hiện. Thứ hai, và quan trọng hơn, Chính phủ và Bộ GD&ĐT chắc chắn chưa thể tiến hành những thay đổi triệt để, ví dụ như tổ chức thi thành nhiều đợt, hay áp dụng thi trên máy tính…

2. Hàng loạt chính sách mới sẽ ra đời: Với những cơ quan tham gia vào việc làm chính sách giáo dục, 2018 có thể xem là năm “mệt mỏi” với việc sửa Luật GDĐH. Năm 2019 được dự đoán sẽ là năm tiếp tục mệt mỏi không kém bởi sau khi Luật sửa đổi ra đời, một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo cũng đang chờ được soạn thảo. Những vấn đề nóng được “treo” lại, chờ Luật GDĐH được sửa đổi thì mới xử lý tiếp, như quy hoạch cơ sở GDĐH, tự chủ đại học… chắc chắn sẽ được làm kỹ trong năm nay.

3. Thị trường mua, bán sáp nhập đại học ngoài công lập tiếp tục sôi động: Năm 2018 chứng kiến nhiều cuộc chuyển đổi chủ sở hữu của các cơ sở GDĐH ngoài công lập, ví dụ như trường hợp Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại ĐH Hoa Sen, Tập đoàn Phenikaa mua lại ĐH Thành Tây (nay là ĐH Phenikaa), Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ mua lại ĐH Phú Xuân. Năm 2019 dự báo thị trường này tiếp tục sôi động. Nguyên nhân là bởi nhiều đại học ngoài công lập, được thành lập 10-30 năm trở lại đây, theo mô hình cũ (“bản sao không hoàn hảo của đại học công”) đã đi đến bế tắc. Trong khi đó, làn sóng các doanh nghiệp có nguồn lực, muốn mở rộng phạm vi hoạt động cũng đang lên cao. Cung gặp cầu, và điều gì tất yếu sẽ phải đến.

4. Một số cơ sở GDĐH công lập cũng chuyển đổi mô hình: Ngân sách nhà nước cho GDĐH eo hẹp dần; yêu cầu của Chính phủ và xã hội về tính hiệu quả ngày càng cao, người học không phải ai cũng nhất quyết muốn lấy bằng đại học như trước nữa khiến cho nhiều cơ sở GDĐH đang đứng trước sức ép chưa hề có tiền lệ. Nhiều trường sẽ thay đổi mô hình để trở thành đại học tự chủ tài chính tương tự như 23 trường đã làm theo khung của Nghị quyết 77 của Chính phủ. Nhiều trường, vì khó khăn hoạt động sẽ phải sáp nhập vào trường lớn hơn. Thậm chí, nếu có trường công nào chuyển đổi mô hình thành trường tư thì cũng không phải là điều quá bất ngờ.

5. Thị trường nhân lực cho giảng viên trình độ cao được hình thành: So với khoảng 10 năm trước, việc dịch chuyển giữa các trường đại học/viện nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học sẽ sôi động hơn rất nhiều. Các đơn vị tư nhân ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng thu hút giảng viên, nhà khoa học trình độ cao. Luật Viên chức cũng cởi mở hơn, khiến cho ‘biên chế’ giảng viên, nghiên cứu viên không phải là gì quá ghê gớm như trước nữa. Và khi giảng viên và nhà khoa học có thể thay đổi công việc dễ dàng thì đó cũng chính là dấu hiệu cho thấy một nền giáo dục đại học và khoa học lành mạnh hơn đang được định hình.

6. Nhiều chương trình tiến sĩ theo mô hình mới xuất hiện: Quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT với yêu cầu khắt khe hơn (yêu cầu giảng viên hướng dẫn và điều kiện tốt nghiệp phải có công bố quốc tế) khiến cho số lượng tuyển sinh tiến sĩ ở các trường sụt giảm mạnh trong những năm qua. Điều này cho thấy nhiều trường đã không hề có sự chuẩn bị cho sự thay đổi đột ngột đó. Mặc dù vậy, 2019 được dự đoán là năm mà một số trường sẽ có phản ứng, bằng cách điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chất lượng hơn, phù hợp hơn với yêu cầu mới. Nói cách khác, nhiều chương trình “tiến sĩ chất lượng cao” sẽ ra đời.

7. Sự khẳng định của Edtech: Xu hướng áp dụng tiến bộ của công nghệ trong giáo dục đã trải qua giai đoạn “làm quen” với Việt Nam; dự đoán sẽ phát triển mạnh trong 2019 và các năm tiếp theo. Học online, học từ xa, học hỗn hợp online và trên lớp (blended learning) sẽ tiếp tục mở rộng. Khoảng cách giữa các hình thức học đã, đang và sẽ bị xóa nhòa. Khung pháp lý cho hoạt động này cũng sẽ được nới lỏng giúp cho trường đại học có quyền tự chủ hơn (ví dụ chấp nhận cho sinh viên lấy tín chỉ ở các chương trình online uy tín quốc tế như tại Coursera thay cho việc học trên lớp).

8. Sinh viên quốc tế đến Việt Nam không còn là điều lạ lẫm nữa: Vốn là một nước có truyền thống gửi sinh viên đi du học, nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu thấy ở chiều ngược lại, có sinh viên quốc tế đến Việt Nam. Thực tế trong 5 năm trở lại, rất nhiều trường, với tầm nhìn vượt qua khỏi biên giới, đã âm thầm tìm cách thu hút sinh viên quốc tế đến, trước tiên là học tập ngắn hạn, trao đổi văn hóa, thực tập; tiếp đến là học toàn thời gian và lấy bằng tại Việt Nam. Điều này một phần được hưởng lợi nhờ vị trí địa lý của Việt Nam nằm giữa trung tâm mới của thế giới sinh viên quốc tế (bao gồm Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia, Singapore). Thống kê gần nhất cho thấy, trong năm 2016, có khoảng 20.000 lượt sinh viên quốc tế đã đến Việt Nam học ngắn hạn hoặc dài hạn; và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 2019 và các năm tiếp theo.

9. Xếp hạng đại học tiếp tục gây tranh cãi: Câu chuyện về xếp hạng đại học chưa bao giờ hết nóng ở Việt Nam. Trong khi một số người cho rằng xếp hạng đại học là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng đại học thông qua kết quả so sánh giữa các trường; số khác lại cho rằng đây là công việc chỉ dành cho một số đại học nghiên cứu, và hệ quả là tạo ra cuộc đua tranh không lành mạnh. Năm 2019, nhiều khả năng sẽ có thêm một vài đại học Việt Nam lọt vào top khu vực hoặc quốc tế; và cũng có khả năng, sẽ có một đơn vị trong nước công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam. Cuộc tranh cãi về chủ đề này lại có cớ để trở lại.