Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp - theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA).
Việt Nam hiện có kim ngạch xuất khẩu hàng hoá lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế.
Báo cáo ước tính, các tập đoàn đa quốc gia đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hoà carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, Việt Nam cần có biện pháp phù hợp với hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này.
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch.
Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở việc các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán được gấp rút phát triển, ví dụ như điện mặt trời áp mái cung cấp điện cho khu công nghiệp và thương mại.
Các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, chẳng hạn, các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội. Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo sẽ xây một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.
Nhìn chung, thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp giữa các doanh nghiệp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng mạnh. Do đó, việc triển khai cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam củng cố vị thế của mình.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các thị trường, xu hướng và chính sách năng lượng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang một nền kinh tế năng lượng đa dạng, bền vững và đem lại lợi nhuận. (www.ieefa.org) |
Nguồn:
Xuân Thu tổng hợp