Chính sách chưa nổi trội, thẩm quyền của ban quản lý thường bị bỏ qua, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn thiếu sự thống nhất… là những khó khăn được chỉ ra tại hội nghị Giao ban 3 khu công nghệ cao (CNC) quốc gia tổ chức ngày 20/11 tại Khu CNC Hòa Lạc.


Vướng cơ chế một cửa

Thực tế hiện nay, 3 khu CNC quốc gia có 3 mô hình tổ chức khác nhau: Khu CNC Hòa Lạc là cơ quan quản lý nhà nước cấp tổng cục, trực thuộc Bộ KH&CN; Khu CNC TPHCM không được quy định là cơ quan cấp tổng cục, trực thuộc UBND TPHCM; Khu CNC Đà Nẵng là cơ quan quản lý nhà nước cấp tổng cục, trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, khó khăn mà cả ba khu này gặp phải có rất nhiều điểm tương đồng.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - nêu thực tế, hiện ưu đãi được xem là điển hình và dễ nhận thấy nhất là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, sự ưu đãi này thật ra đã trải rộng ở nhiều nơi chứ không riêng gì ở Khu CNC Hòa Lạc.

“Để thúc đẩy hoạt động đầu tư tại các khu CNC thì mục tiêu lớn và rất thực tế, nhưng ưu đãi thu hút không có gì nổi trội, thậm chí là thua kém so với các khu kinh tế, đối tượng ưu đãi thì đa dạng. Ví dụ, thuế thu nhập cá nhân ở các khu kinh tế khác được miễn 50%, nhưng ở các khu CNC thì hoàn toàn không được. Thẩm quyền pháp lý của ban quản lý về cơ chế một cửa còn vướng rất nhiều” - ông Quỳnh nêu khó khăn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương - Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương - Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phát biểu tại Hội nghị

Đồng cảm với Khu CNC Hòa Lạc, bà Lê Thị Bích Loan - Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC TPHCM - cũng chỉ thêm hàng loạt khó khăn mà thực tế khu này đang gặp phải.

Cụ thể, hiện việc triển khai áp dụng cơ chế một cửa tại khu đang có nhiều vướng mắc chồng chéo. Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật liên tục điều chỉnh, thay đổi, bổ sung dẫn đến thực hiện ủy quyền không còn giá trị hiệu lực.

Chức năng quản lý nhà nước của ban quản lý khu CNC không được xem xét khi các văn bản này được điều chỉnh.

Lý giải thêm về khó khăn này, PGS-TS Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM - cho biết, trước đây khi DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu CNC là bao hàm cả giấy đăng ký kinh doanh. Theo Nghị định 99/2003 của Chính phủ - quy định giao cho ban quản lý khu CNC được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hàm nghĩa được cấp cả giấy đăng ký kinh doanh trong đó. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật dần phân định rõ và tách bạch.

“Bây giờ, sau khi các nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu CNC lại phải chạy đến sở kế hoạch và đầu tư để xin giấy đăng ký kinh doanh. Như vậy, thay vì trước đây phải đến một nơi thì nay DN phải chạy đến hai nơi” - ông Quốc cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Trưởng ban Kế hoạch đầu tư, Khu CNC Đà Nẵng - cũng phản ánh thực trạng đang xảy ra tại khu này, đó là thiếu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu CNC; tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm và đặc biệt chưa ban hành được cơ chế đặc thù…

Hoạt động đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc cần thêm một cơ chế cởi mở và thông thoáng hơn. Ảnh: Lê Loan
Hoạt động đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc cần thêm một cơ chế cởi mở và thông thoáng hơn. Ảnh: Lê Loan

Ban hành cơ chế đặc thù – Khu CNC Hòa Lạc nên đi đầu

Từ hàng loạt những khó khăn được chỉ ra, đại diện 3 khu CNC quốc gia đều cho rằng, điều này đang khiến cho việc thu hút đầu tư thiếu sức hút.

Theo đó ông Quỳnh cho rằng, rất cần sự quan tâm của Chính phủ, đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ, điều chỉnh làm rõ vai trò của ban quản lý. Cần phải có cách thức hay thể chế nào đó, một cơ chế phối hợp giữa ban quản lý các khu CNC với các cơ quan chuyên môn. Nếu có cơ chế để giải quyết các vấn đề thì có thể mọi việc sẽ trôi chảy hơn.

Bà Loan đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định 99/2003 về quy chế khu CNC kết hợp nội dung hướng dẫn Luật CNC, trong đó khẳng định cơ chế một cửa dành cho các khu CNC và thống nhất thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước như nhau.
“Xem xét ủy quyền cho các ban quản lý khu CNC là đầu mối tiếp nhận đăng ký DN CNC chuyển cho Bộ KH&CN thẩm định cấp giấy chứng nhận, đồng thời có văn bản hướng dẫn cơ chế liên thông” - bà Loan kiến nghị.

Liên quan đến việc xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù, đại diện các khu CNC thống nhất kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đồng thuận để Khu CNC Hòa Lạc có được cơ chế này và tiếp đến là các khu CNC khác nhằm nhanh chóng thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển CNC tại đây.