Ngày 3/10 vừa qua Ủy ban châu Âu đã công bố danh sách sơ bộ gồm bốn lĩnh vực công nghệ cao có tính “nhạy cảm”, cần bảo vệ trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Trung Quốc đang là một đối thủ cạnh tranh lớn trong sản xuất chip.
Trung Quốc đang là một đối thủ cạnh tranh lớn trong sản xuất chip.

Theo bản danh sách này, các công nghệ vi mạch tiên tiến, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và kỹ thuật di truyền sẽ được xem xét rất kỹ lưỡng để xác định xem liệu hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ này có gây nguy hiểm cho an ninh của Liên minh châu Âu hay không.

Sau khi công bố bản danh sách sơ bộ, Ủy ban châu Âu sẽ cần có sự tham vấn chặt chẽ và chuyên sâu từ 27 quốc gia thành viên và các doanh nghiệp tư nhân để đưa ra danh sách cuối cùng về các công nghệ có tính rủi ro cao vào đầu năm sau.

Bản danh sách vào ngày 3/10 vừa qua là kết quả đầu tiên của chiến lược “giảm rủi ro” do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra với mục tiêu giảm bớt nguy cơ phụ thuộc công nghệ trong bối cảnh cái bóng của Trung Quốc đang phủ lên hoạt động công nghệ dưới cả lăng kính kinh tế và lăng kính an ninh công nghệ ngày càng lớn.

EU đang cố gắng trở nên ít phụ thuộc hơn vào công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc và đảm bảo có thể dẫn đầu toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ quan trọng. Ursula von der Leyen cũng đề cập nhiều đến vấn đề “quyền tự chủ chiến lược” cũng như cảnh báo về nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc khi nói đến các công nghệ quan trọng.

Trước động thái này, gần đây EU cũng đã giảm hợp tác khoa học với Trung Quốc, trong đó hạn chế sự tham gia của Trung Quốc vào chương trình nghiên cứu Horizon Europe.

Tránh nguy cơ phụ thuộc

Věra Jourová, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: “Công nghệ hiện đang là trọng tâm của cạnh tranh địa chính trị và EU muốn trở thành một người chơi chứ không phải một sân chơi. Do vậy, chúng ta cần có lập trường thống nhất dựa trên đánh giá chung về rủi ro”.

Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa cũng giải thích rằng động thái này “không chống lại bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi làm những gì chúng tôi tin rằng đó là vì lợi ích chung của chúng tôi”. “Khi chúng tôi nhận thấy có nguy cơ phụ thuộc quá mức, nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng có thể rất quan trọng đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động chứ không chờ đợi”.

Các đánh giá rủi ro được đưa ra vừa rồi nhằm mục đích phân tích và mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về bốn lĩnh vực công nghệ chính, đã được lựa chọn cẩn thận dựa trên các yếu tố: tính chất biến đổi, không ngừng phát triển và khả năng “sẽ xảy ra” nếu công nghệ đó bị lạm dụng cho mục đích quân sự và vi phạm quyền con người. Chẳng hạn như sử dụng công nghệ cho mục đích giám sát hàng loạt. Bốn lĩnh vực công nghệ chính gồm:

• Chất bán dẫn tiên tiến, bao gồm vi điện tử, quang tử, chip tần số cao và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

• Trí tuệ nhân tạo, bao gồm điện toán hiệu năng cao, điện toán đám mây và biên, phân tích dữ liệu, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ và công nghệ nhận dạng.

• Công nghệ lượng tử, bao gồm điện toán lượng tử, mật mã lượng tử, truyền thông lượng tử, cảm biến lượng tử và radar.

• Công nghệ sinh học, bao gồm các kỹ thuật chỉnh sửa genee, kỹ thuật gen mới, ổ gene và sinh học tổng hợp.

Các quốc gia thành viên, chuyên gia và đại diện của các doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia vào quá trình phân tích sâu về các công nghệ này, sau đó gửi phản hồi, nhận xét và lý tưởng nhất là thông tin bí mật có thể cung cấp cái nhìn phong phú hơn về những rủi ro và tác động không mong muốn khi phát triển những công nghệ này.

Song song với đó, Ủy ban châu Âu cũng sẽ thảo luận về sáu lĩnh vực công nghệ “quan trọng khác” nhằm đánh giá được các rủi ro trong tương lai, nhưng không phải ngay lập tức. Nhóm này bao gồm nhiều sản phẩm đang được ưa chuộng hiện nay như thực tế ảo, các sản phẩm an ninh mạng, cảm biến, điều hướng không gian, lò phản ứng hạt nhân, hydro, pin, máy bay không người lái và robot...

Có thể áp các hạn chế thương mại?


Khi đánh giá rủi ro trong phát triển các công nghệ có tính nhạy cảm và quan trọng này, các quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu đã đưa ra ba khả năng: thúc đẩy các lựa chọn thay thế trong nước; hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm và bảo vệ trước các mối đe dọa kinh tế; và cuối cùng là có thể phải có thể áp đặt các hạn chế thương mại.

Trong các quốc gia thành viên EU, Hà Lan đã mở đường cho các hạn chế thương mại, vào đầu năm nay khi quyết định chặn xuất khẩu công nghệ vi mạch tiên tiến sang Trung Quốc, cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng cho những mục đích “không mong muốn”. Quyết định của Hà Lan đã ảnh hưởng đến việc Ủy ban châu Âu soạn thảo chiến lược an ninh kinh tế đầu tiên được thông qua vào tháng sáu vừa qua. Trong chiến lược an ninh kinh tế, các nhà quản lý cũng đang nghiên cứu cơ chế sàng lọc các dòng đầu tư, các dự án đầu tư mà các công ty thuộc EU thực hiện bên ngoài biên giới của khối. Công cụ này dự kiến ra mắt trước cuối năm nay và sẽ chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư có nguy cơ rò rỉ bí quyết và các mối đe dọa bảo mật cao.

Nhưng đối phó với Trung Quốc là con đường khó khăn, vì nước này đang là nhà xuất khẩu các nguyên liệu thô và là một phần không thể thiếu trong chuỗi sản xuất chuyển đổi xanh và hiện đại hóa nền kinh tế, bao gồm các tấm pin mặt trời, pin và ô tô điện…

Đồng thời, cả hai con đường – kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn và sàng lọc đầu tư ra nước ngoài – đều chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối của một số quốc gia thành viên EU không muốn xa lánh Trung Quốc vì sợ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

“Nhìn chung, những chính sách nghiêm ngặt này chứng tỏ các nước phương Tây sẵn sàng thực thi các biện pháp mạnh mẽ, điều mà chỉ vài năm trước đây là điều không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, việc đưa các công ty tham gia [vào những kế hoạch này] với những nỗ lực giảm thiểu rủi ro có thể sẽ gặp khó khăn. Bất chấp những lời cường điệu về việc giảm rủi ro, 2/3 số công ty EU không có kế hoạch chuyển hướng khỏi Trung Quốc”, Agedit Demarais, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết.

Nguồn bài và ảnh: sciencebusiness.net, euronews.com