Malaysia sẽ sớm xây dựng công viên trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của nước này, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và tăng cường sức mạnh cho ngành công nghiệp điện & điện tử (E&E) trong nước.

Malaysia muốn dẫn đầu ASEAN về AI. Ảnh: Prosyscom Tech News.

Malaysia muốn dẫn đầu ASEAN về AI. Ảnh: Prosyscom Tech News.

Quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt là trung tâm sản xuất chế tạo Penang ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã tạo dựng thành công vị thế trên thị trường bán dẫn khu vực. Sự tham gia của một điểm nút (node) mới chuyên về phát triển AI được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng địa phương, đồng thời củng cố sức mạnh cho ngành bán dẫn đang mong muốn bứt phá.

“Bán dẫn về cơ bản chính là não bộ của công nghệ AI. Dự án công viên AI này vì thế sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, hứa hẹn đưa Malaysia lên một tầm cao mới. Nó chắc chắn sẽ được nhắc tới nhiều trong các chương trình nghị sự quốc gia về thúc đẩy sự phát triển của cả một ngành công nghệ cao và kiến tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đất nước,” Tiến sĩ James Tee trao đổi với nhật báo StarBiz.

Ông Tee mới đây vừa được bổ nhiệm làm CEO của G3 Global Bhd. Năm ngoái, công ty đã ký kết thỏa thuận với các đối tác SenseTime Group và China Harbour Engineering Co (của Trung Quốc) để đầu tư dự án công viên AI đầu tiên tại Malaysia, với số vốn lên tới 1 tỷ USD (4,15 tỷ RM), trong thời gian 5 năm.

Tee tin tưởng AI chắc chắn sẽ trở thành xu hướng chủ đạo của tương lai. Khi điều đó xảy ra, cùng với sự hội tụ của một loạt các công nghệ bao gồm blockchain, dữ liệu lớn (big data) và nhiều giải pháp chuyển đổi số khác, nó chắc chắn sẽ tạo thành động lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và toàn bộ lĩnh vực E&E trong nước tăng trưởng. “Malaysia có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn và sản xuất chế tạo, chúng tôi mong muốn phát huy lợi thế này để tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á về AI,” ông nói.

“Công viên AI, và thậm chí cả thành phố AI, sẽ là tiền đề quan trọng giúp Malaysia phát triển nhảy vọt để tiến ra biển lớn,” Tee nhận định. Ngoài ra, dự án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi (như miễn thuế) nhờ chủ trương khuyến khích tư nhân đầu tư và thu hút FDI. Theo kỳ vọng, công viên này sẽ trở thành nơi diễn ra các hoạt động R&D chuyên sâu, thương mại hóa và đổi mới công nghệ AI, đóng góp vào tầm nhìn tăng trưởng năng suất và GDP của Malaysia.

Khu vực E&E đang chiếm tới 38% doanh thu của ngành sản xuất chế tạo Malaysia, trong đó lĩnh vực bán dẫn đóng góp gần 23%. “Đó là nơi AI nên góp mặt và kết nối với toàn bộ chuỗi cung ứng đã sẵn có, khi ấy không chỉ bán dẫn mới được hưởng lợi,” Tee nói. “Nguồn nhân lực chất lượng cao làm công việc thiết kế mạch tích hợp, kiểm thử và đóng gói sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển này. AI sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất E&E, mang đến sức sống mới cho toàn bộ nền kinh tế, nhất là khi ngành dịch vụ của Malaysia đang chịu rất nhiều sức ép,” ông chia sẻ.

Một trong những mục tiêu chiến lược của G3 Global Bhd khi xây dựng công viên AI đầu tiên ở Malaysia là nhằm định vị quốc gia này như một trung tâm kỹ thuật số và dịch vụ AI cho toàn khu vực ASEAN, mục tiêu mà các láng giềng như Indonesia hay Singapore cũng đang theo đuổi. Singapore từ lâu đã thu hút được nhiều khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực AI, còn Indonesia cũng đang xây dựng một kế hoạch quốc gia đầy tham vọng nhằm bứt phá trong giai đoạn 2020 – 2045.

Trong bài viết “ASEAN faces wide AI gap as Vietnam and Philippines lag behind” hôm 23/10, Nikkei Asian Review đã trích dẫn báo cáo của Kearney và EDBI (Singapore) cho biết: Nếu các nước Đông Nam Á đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ AI, GDP của khu vực từ nay đến năm 2030 có thể tăng thêm gần 1.000 tỷ USD. Theo tính toán do Kearney thực hiện, AI có thể đóng góp thêm 110 tỷ USD cho nền kinh tế Singapore, tức tương đương 18% GDP dự kiến vào năm 2030; Đối với Malaysia, con số này được ước tính vào khoảng 115 tỷ USD – tức 14% GDP; Việt Nam (109 tỷ USD) và Philippines (92 tỷ USD) – tức chưa tới 12% GDP. Như vậy, Singapore hiện đang dẫn đầu khu vực về đầu tư cho AI, đạt 68USD/người năm 2019, trong khi con số này của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đều ở mức dưới 1USD/người.

So sánh tỷ lệ đầu tư cho AI tại các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian Review.
So sánh tỷ lệ đầu tư cho AI tại các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian Review.