Các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu thường quá tập trung vào các công nghệ sạch và hữu hình như xe điện và tấm năng lượng mặt trời mà bỏ qua tiềm năng vô hình của giáo dục.

Chương trình Nghị sự 2030 và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc tin rằng các cơ sở giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Bắt kịp xu hướng với khối doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu tác động của họ đến biến đổi khí hậu. Dưới sức ép của các cam kết môi trường hoặc các phong trào sinh viên, lãnh đạo các trường cũng phải chịu áp lực theo dõi sát sao dấu chân carbon (lượng khí nhà kính thải vào khí quyển do một hoạt động nào đó). Không chỉ có vậy, các chính phủ hướng tới phát thải ròng bằng không (net-zero emission) cũng đang để mắt đến hệ thống giáo dục, nhất là khi đưa ra các quyết định về ngân sách. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều các khung đánh giá và bảng xếp hạng chẳng hạn như THE Impact Ranking, STARS, UI GreenMetric, đặt các trường đại học lên bàn cân để so sánh đóng góp và tác động đến sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường sống.

Có thể thấy các cơ sở giáo dục đại học đang phải chịu nhiều áp lực để tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến biến đổi khí hậu. Để đạt được điều đó, bước sơ bộ là phải mổ xẻ và đo lường được tác động của các trường đại học đến môi trường.

Sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM tham gia “Trồng cây gây rừng - phát triển mảng xanh đô thị”, một hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2020. Ảnh: MOET

Đo lượng phát thải khí nhà kính

Dấu chân carbon là một công cụ rất hữu ích để kiểm soát các hoạt động tác động đến môi trường và cung cấp cơ sở để đánh giá hiệu quả của các nỗ lực giảm thiểu khí thải. Thông thường, lượng phát thải khí nhà kính của một tổ chức được đo qua ba nguồn: 1) từ các hoạt động trực tiếp, 2) qua năng lượng tiêu thụ, 3) qua các hàng hóa và dịch vụ của tổ chức đó (xử lý nước, xử lý chất thải, văn phòng, phòng thí nghiệm, đi lại, vật liệu xây dựng, căng-tin…).

Nghiên cứu năm 2021 của Eckard Helmers và các đồng nghiệp đã tạo ra một chỉ số tổng hợp của ba nguồn này để đo lượng khí thải carbon của 20 trường đại học. Kết quả cho thấy, năng lượng để đảm bảo hoạt động của các trường đại học là thủ phạm lớn nhất gây ra khí thải carbon, tiếp đến là sự di chuyển của sinh viên và giảng viên (đi trao đổi, công tác…).

Một nghiên cứu khác năm 2019 của Robin Shields ước tính rằng mỗi năm, lượng khí thải liên quan đến việc dịch chuyển của sinh viên trên toàn cầu nằm trong khoảng 14,01 megaton CO2 (xấp xỉ mức phát thải quốc gia của Latvia) cho đến 38,54 megaton (xấp xỉ mức phát thải quốc gia của Tunisia), và còn tăng hằng năm.

Một nghiên cứu độc đáo của Eugene Cordero và các đồng nghiệp năm 2020 đo lường tác động dài hạn của một học phần về Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Đại học San José đến hành vi của sinh viên. Nhóm tác giả ước tính rằng trong 5 năm sau khi tham gia khóa học, mỗi sinh viên trung bình giảm 2,86 tấn CO2/năm thông qua các hành vi hằng ngày. Giáo dục giúp sinh viên hiểu được những việc họ có thể làm để bảo vệ môi trường. Nếu các nội dung giáo dục tương tự được tiến hành trên quy mô lớn thì lượng khí thải carbon giảm được sẽ không thua kém tác động của những phát kiến như xe điện và tấm năng lượng mặt trời.

Các luồng ảnh hưởng của các trường đại học đến khí hậu

Nghiên cứu của Eugene Cordero nêu trên cho thấy một sự thật đáng buồn rằng các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu thường quá tập trung vào các công nghệ sạch và hữu hình như xe điện và tấm năng lượng mặt trời mà bỏ qua tiềm năng vô hình của giáo dục. Lượng khí thải chỉ là một phần nhỏ trong phạm vi tác động của một trường đại học. Các trường đại học còn góp phần định hình trí tuệ, phát triển khoa học và đào tạo các chuyên gia - tất cả đều có tác động đến tiến trình biến đổi khí hậu.

Dự án Transforming Universities for a Changing Climate (Climate–U) đã khái quát hoạt động của một trường đại học bằng năm phương thức:

1. Giáo dục (các khóa học cung cấp cho sinh viên, cũng như các hoạt động đào tạo khác);

2. Sản xuất tri thức (nghiên cứu cơ bản, đổi mới và ứng dụng tri thức, và xuất bản học thuật);

3. Cung cấp dịch vụ (dự án cộng đồng, tư vấn);

4. Tranh luận công khai (truyền thông khoa học, vận động chính trị…);

5. Các hoạt động vận hành và tổ chức trong khuôn viên trường học.


Các giai đoạn mà các cơ sở giáo dục đại học tác động đến biến đổi khí hậu. Nguồn: Climate-uni.com

Có thể hiểu tác động của năm phương thức này đối với khí hậu qua nhiều giai đoạn.

Đầu tiên là thông qua các nhóm người trực tiếp tiếp xúc với các trường đại học, như lực lượng sinh viên tốt nghiệp và gia nhập xã hội, địa phương, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Những “tác nhân cầu nối” này giúp chuyển ảnh hưởng của trường đại học đến xã hội rộng lớn hơn.

Trong giai đoạn tiếp theo, các trường đại học tác động đến xã hội thông qua việc định hình thực tiễn làm việc, sản xuất công nghệ mới, và lưu thông ý tưởng - tất cả đều có tác động trực tiếp đến sinh quyển. Tất nhiên, những ảnh hưởng này có thể là tiêu cực hoặc tích cực, và đây không phải là quá trình tuyến tính một chiều mà sinh quyển và xã hội cũng ảnh hưởng ngược lại đến hệ thống giáo dục đại học.

Những thách thức về đo lường

Mô hình nói trên giúp chúng ta hiểu các luồng ảnh hưởng của đại học lên môi trường và khí hậu, nhưng không giải quyết được các nan đề về đo lường đang tồn tại.

Các trường đại học thường là tổ hợp nhiều tòa nhà với các mục đích khác nhau: lớp học, phòng thí nghiệm, văn phòng, căng-tin, ký túc xá, phòng y tế v.v. Bất kỳ hoạt động nào trong số này đều góp phần vào dấu chân carbon, và cần được đo đạc. Nhiệm vụ này có thể rất phức tạp và tốn kém tùy thuộc vào loại hình và quy mô của trường học, trong khi hiện tại chưa có một tiêu chuẩn chung nào.

Các nghiên cứu thực nghiệm đo đạc lượng khí thải từ các hoạt động giáo dục đại học hiện nay rất sơ khai. Một tài liệu tổng quan chỉ ra rằng số các nghiên cứu như vậy mới dừng ở 35, và phần lớn chỉ đo một hoạt động hay khía cạnh cụ thể, nhỏ lẻ. Có sự chênh lệch rất lớn giữa các kết quả đo lượng khí thải trên mỗi sinh viên ở các nghiên cứu. Điều này có thể được giải thích do thiếu tiêu chuẩn chung về thời gian (tính theo năm, học kỳ), đơn vị chức năng (sinh viên, nhân viên, khoa), cũng như thiếu định nghĩa rõ ràng về các nguồn phát thải (như đã trình bày ở phần 1).

Vấn đề thứ hai nằm ở bài toán quy kết muôn thuở. 40 năm trước, nhận thức môi trường và mối quan tâm đến biến đổi khí hậu chỉ là một ngọn lửa nhỏ nhen nhóm trong một số ít dân số. Hiện nay, hơn 60% dân số thế giới cho rằng chúng ta đang sống trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu (theo một cuộc khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc/Đại học Oxford). Nhưng liệu rằng bao nhiêu phần trăm trong sự thay đổi to lớn đó có thể quy cho tác động của các trường đại học và các nhà nghiên cứu? Làm sao để chúng ta biết được chính xác mức độ mà giáo dục và khoa học hình thành nhận thức xã hội?

Ngay cả khi có thể giải quyết vấn đề quy kết nói trên, chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức về cường độ, độ rộng, và thời gian. Một số tác động của trường đại học là sâu sắc, nhưng chỉ tập trung vào một số ít người. Ví dụ, đối với sinh viên thế hệ thứ nhất, trải nghiệm học tập trong trường đại học có thể thay đổi cuộc đời họ và dẫn đến những thay đổi lớn về nghề nghiệp, lối sống và các cam kết chính trị. Một số tác động khác lại lan tỏa mỏng hơn trên một bình diện rộng hơn, ví dụ như phái một giáo sư đại học đi hỗ trợ chính sách giáo dục về biến đổi khí hậu của UNESCO. Một số tác động có thể thấy ngay lập tức, nhưng một số tác động khác phải mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ mới thấy được.

Với những lý do kể trên, các tác động tích cực và tiêu cực của các cơ sở giáo dục đại học lên biến đổi khí hậu có thể sẽ không bao giờ được xác định, đo đạc, và so sánh một cách đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, Tristan McCowan - Giáo sư Giáo dục Quốc tế tại University College London - cho rằng chúng ta vẫn cần nghiêm túc theo dõi những tác động này, với ba nguyên tắc sau:

Đầu tiên, chúng ta cần đo lường cẩn thận những thứ có khả năng đo lường được trong tầm tay, ví dụ như lượng khí thải trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc các công cụ cần được phát triển thêm và phương pháp cần được chuẩn hóa.

Thứ hai là đa dạng hóa các cách chúng ta ghi nhận tác động bằng cách sử dụng cả nghiên cứu định tính và định lượng để nắm bắt những khía cạnh không thể dùng con số.

Cuối cùng, không thể vì năng lực hạn chế hiện tại của khoa học mà bỏ qua những tác động tiềm năng mà hiện tại các nhà nghiên cứu không thể nắm bắt được đầy đủ.

Điều đáng lưu tâm hơn là: ngay cả khi không có bằng chứng nghiên cứu có hệ thống, chúng ta không được trì hoãn mà phải hành động ngay dựa trên kinh nghiệm và các suy luận hợp lý, trong khi chờ đợi các nhà lý luận và nghiên cứu giáo dục đại học tìm ra những phương pháp và công cụ đo lường mới.

Nguồn:

1. Helmers, E., Chang, C. C., & Dauwels, J. (2021). Carbon footprinting of universities worldwide: Part I—objective comparison by standardized metrics. Environmental Sciences Europe, 33(1), 1-25.

2. Shields, R. (2019). The sustainability of international higher education: Student mobility and global climate change. Journal of Cleaner Production, 217, 594-602.

3. Cordero, E. C., Centeno, D., & Todd, A. M. (2020). The role of climate change education on individual lifetime carbon emissions. PloS one, 15(2), e0206266.

4. McCowan, T. (2020). The impact of universities on climate change: A theoretical framework.

5. McCowan, T. (2022). Measuring universities’ climate impact is hard, but vital.

6. Valls-Val, K., & Bovea, M. D. (2021). Carbon footprint in Higher Education Institutions: a literature review and prospects for future research. Clean Technologies and Environmental Policy, 23(9), 2523-2542.