Thay vì thu hẹp nội dung Trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông vào các hoạt động “vui vui” như tham quan thực địa, sinh hoạt tập thể, có thể biến nó thành cơ hội trau dồi và phát triển tư duy phản biện cho học sinh.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xác định: hoạt động Trải nghiệm là nội dung bắt buộc ở tất cả các khối lớp, với thời lượng khoảng 3 tiết/tuần, triển khai trong từng môn học cũng như tích hợp liên môn, nhằm tạo cho học sinh cơ hội học tập sinh động trong sự hòa nhập tích cực với thực tiễn đời sống, mở rộng kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân.
Thi “Người dẫn chương trình” của CLB Văn chuyên Bắc Giang, ngày 21/8/2019. Nguồn: Trường THPT chuyên Bắc Giang
Dạy học qua trải nghiệm thực sự là hướng đi đúng đắn, đưa nhà trường trở thành một phần trong tiến trình phát triển của xã hội, đưa học sinh trở thành những người nhập cuộc với từng nhịp sống, đúng như triết lý “Giáo dục chính là cuộc sống” của Dewey. Do vậy, hoạt động Trải nghiệm không nên chỉ được hiểu là tên gọi khác cho hoạt động ngoài giờ lên lớp, phân biệt với dạy học chính khóa, từ đó thu hẹp nội dung vào các hoạt động “vui vui” như tham quan thực địa, sinh hoạt tập thể cấp trường/lớp định kỳ… “Trải nghiệm” cần được hiểu là hoạt động mở rộng biên giới của lớp học tới đời sống thực tiễn, qua đó giúp học sinh cảm nhận ý nghĩa của việc học, tạo động lực học cho các em.
Tư duy phản biện là năng lực tư duy bậc cao, cần thiết cho mỗi cá nhân vượt ra khỏi những suy nghĩ định kiến, khuôn mẫu; và tìm hiểu, phát hiện những ý tưởng, giá trị mới của vấn đề - từ đó nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Biên độ mở của hoạt động Trải nghiệm trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới là mảnh đất vàng giúp tư duy phản biện có cơ hội hình thành, trau dồi và phát triển, từ cấp Tiểu học tới những cấp học cao hơn, theo mức độ và yêu cầu khác nhau. Bài viết dưới đây chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển tư duy phản biện cho học sinh THPT qua hoạt động Trải nghiệm sáng tạo ở bộ môn Ngữ văn, hy vọng góp thêm một tham khảo cho các thầy cô trong việc triển khai hoạt động mới mẻ này.
Làm quen với cách nghĩ đa chiều qua các dự án học tập
Học qua dự án là một dạng hoạt động trải nghiệm phổ biến ở trường học. Các dự án học tập có thể được thiết kế hướng tới những nội dung có tính chất phản biện, đi ngược lại những tư duy theo khuôn khổ thông thường, giúp học sinh nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn đa chiều. Ở môn Ngữ văn, các dự án học tập có thể triển khai kết hợp cùng hoạt động dạy học các tác phẩm trong chương trình, hoặc hoạt động tổng hợp ứng dụng kiến thức và năng lực Ngữ văn trong thời gian hè của học sinh.
Ví dụ, trong quá trình học tác phẩm “Người trong bao” của A. Sê-khôp, chương trình Ngữ văn lớp 11, chúng tôi tổ chức cho học sinh thực hiện dự án học tập “Những ý nghĩ không ở trong bao”, kết hợp với chương trình hành động vì môi trường “Đối thoại với túi nylon”. Sau khi học sinh tìm hiểu và nắm được giá trị của tác phẩm (phê phán thái độ sống và cách tư duy rập khuôn, hèn nhát, ích kỉ…), giáo viên gợi ý học sinh ứng dụng kiến thức và các năng lực cơ bản giải quyết hai câu hỏi phản biện thói quen sử dụng túi nylon trong cộng đồng: Tại sao lại cứ phải đựng bằng túi nylon? và Sẽ như thế nào khi túi nylon không chỉ dùng để đựng? Kết quả là, học sinh phải suy nghĩ và đề xuất những hành động cụ thể thay thế túi nylon bằng các vật dụng đựng đồ khác thân thiện với môi trường và tái chế túi nylon thành những vật dụng hữu ích.
Đặc biệt, đối với kỳ nghỉ hè, thay vì biến khoảng thời gian đó thành “học kỳ thứ 3” khi yêu cầu học sinh hoàn thành các bộ đề luyện thi thì nên khuyến khích các em thực hiện những dự án học tập đòi hỏi sự vận dụng những gì đã học để khám phá và giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống của chính các em. Ví dụ, trước khi nghỉ hè, giáo viên có thể định hướng học sinh thực hiện dự án học tập “Nhỏ mà không nhỏ”, yêu cầu các em suy ngẫm, tìm hiểu và trình bày về các vấn đề nhỏ đến mức thường bị bỏ qua hay bị lãng quên trong đời sống, nhưng có thể có một ý nghĩa quan trọng, mới mẻ nếu các em chịu nhìn gần, nghĩ sâu. Học sinh có thể tùy chọn các nội dung cụ thể theo quan sát, nghiên cứu của mình, song giáo viên cũng có thể gợi ý, giúp các em đỡ bỡ ngỡ trong việc nhận diện vấn đề, ví dụ:
- Lời nói/hành động nhỏ - Hiệu quá/Hậu quả lớn
- Kích thước nhỏ - Tác dụng/Tác hại lớn
- Phát minh/phát kiến nhỏ - Tác động lớn
- Chủ thể nhỏ - Hành động lớn
- …
Về hình thức sản phẩm, giáo viên có thể gợi ý học sinh chọn một trong các cách: làm phim, video clip, Power Point, vẽ tranh hoặc tùy chọn. Giáo viên cũng có thể khuyến khích (nhưng không bắt buộc) học sinh sử dụng song ngữ (ví dụ: Việt – Anh) trong quá trình trình bày sản phẩm.
Trưởng thành về tư duy qua hoạt động tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện trường học tạo sự háo hức cho học sinh khi các em được học trong không khí “lễ hội”. Thông qua việc tổ chức các sự kiện toàn trường hay sự kiện của các câu lạc bộ, học sinh có cơ hội tìm hiểu, lắng nghe, lên tiếng về các vấn đề tự nhiên, xã hội.
Trong bộ môn Ngữ văn, giáo viên có thể xây dựng chuỗi sự kiện gắn với chủ đề Tiếng nói trẻ. Đó có thể là các cuộc thi tranh biện dựa trên phiên bản chương trình “Trường teen” trên kênh truyền hình VTV7. Qua mỗi cuộc tranh biện, người chơi cũng như khán giả học được cách trình bày, bảo vệ quan điểm của đội mình, phản bác quan điểm đối phương với những lý lẽ và lập luận được nghiên cứu kỹ lưỡng theo chiến lược tranh biện, đồng thời dần dần hình thành thái độ tranh biện phù hợp để đạt được hiệu quả tranh biện tốt nhất. Ngoài ra, học sinh có thêm hiểu biết về tư duy phản biện: phản biện còn cần đi kèm với lắng nghe, xem xét, học hỏi để mở rộng quan điểm từ góc nhìn của người khác.
Đó cũng có thể là cuộc thi Người dẫn chương trình tài năng. Để tăng tính trí tuệ, mở rộng kiến thức văn hóa liên ngành, rèn luyện năng lực cảm thụ nghệ thuật cho học sinh, giáo viên nên định hướng nội dung dẫn chương trình gắn với các sự kiện giới thiệu, trình chiếu những bộ phim kinh điển nổi tiếng của Việt Nam (ví dụ: các bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh - Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê…) hoặc thế giới (ví dụ: bộ phim xuất sắc về tình cảm gia đình và niềm lạc quan trong những trải nghiệm sống khắc nghiệt ở nhà tù Đức quốc xã Life Is Beautiful của đạo diễn Rorberto Benigni; bộ phim kinh điển được người Mỹ xem mỗi dịp Giáng Sinh It’s a wonderful life của đạo diễn Frank Capra; bộ phim nhân văn về những người được xem là “người thừa” trong xã hội Intouchables của đạo diễn Eric Toledano và Olivier Nakache...). Trong hành trình mở rộng kiến thức, bên cạnh khai thác các tình huống đời sống hay đọc sách/báo, việc tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật - không chỉ điện ảnh mà cả hội họa, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc… - góp phần không nhỏ.
Ngoài ra, chúng tôi muốn gợi ý một chuỗi sự kiện khác, tạm gọi là Vượt qua định kiến. Ở chuỗi sự kiện này, khởi đầu dưới hình thức một cuộc thi, học sinh có cơ hội trình bày những ý tưởng, quan niệm vượt qua định kiến thông thường, như định kiến giới trong truyền thông, định kiến với cộng đồng LGBT, định kiến con trai không nên mặc màu hồng, định kiến nghề nghiệp, định kiến với người tự hại, định kiến hình xăm, định kiến về giá trị của người phụ nữ, định kiến vùng miền, định kiến đẳng cấp gắn liền với Tây… Học sinh có thể dự thi với bài thuyết trình, tranh vẽ, ca khúc, truyện tranh, phim ngắn, video clip, Power Point. Sau cuộc thi, giáo viên cùng học sinh chọn lựa một số quan điểm nổi bật để tổ chức sự kiện toàn trường theo hình thức sân khấu hóa, thu hút sự thảo luận, tương tác đa chiều hơn giữa các em. Bằng cách này, chuỗi hoạt động sẽ khiến học sinh quan tâm đến các vấn đề xã hội và học được cách phân tích nguyên nhân, hậu quả, nêu giải pháp, nhờ đó trưởng thành lên trong tư duy và thái độ sống.
Cần chuẩn bị gì?
Xây dựng hoạt động trải nghiệm sáng tạo hướng tới phát triển tư duy phản biện cho học sinh, giáo viên có thể đối diện với những tình huống sư phạm thách thức: Làm thế nào trước những ý kiến trái chiều, những ý kiến chưa giải quyết được vấn đề, đặc biệt những ý kiến cá nhân khó kiểm soát?… Để đặt ra những tình huống phản biện đa chiều cho học sinh, và để học sinh giải quyết được các tình huống đó, cả Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và học sinh cần chuẩn bị các điều kiện sau:
Thứ nhất, bản thân giáo viên phải có kiến thức rộng để nêu và giải quyết được vấn đề dưới góc nhìn mới mẻ; đồng thời có bản lĩnh giải quyết các tình huống sư phạm, không áp đặt cách suy nghĩ một chiều song cũng không dễ dãi chấp nhận những quan điểm hoặc lập luận thiếu căn cứ, như vậy mới tạo cho học sinh niềm tin để các em bộc lộ quan điểm của mình một cách thẳng thắn và khoa học.
Thứ hai, về phía học sinh, các em cần được trang bị những kỹ năng lập luận, năng lực nghiên cứu để giải quyết được các yêu cầu đa dạng của tình huống trải nghiệm sáng tạo. Ngoài ra, học sinh cũng cần được khuyến khích đọc sách, theo dõi cập nhật tình hình thời sự, xã hội trên các kênh thông tin khác nhau để mở rộng quan điểm và hiểu biết, từ đó mới dần hình thành lập trường cởi mở trước những vẫn đề vốn bị đóng khung trong khuôn khổ tư duy.
Thứ ba, nhà trường, đặc biệt là Ban giám hiệu, cần có tư duy sư phạm tiến bộ, cởi mở để khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên xây dựng những không gian học tập sáng tạo, những hoạt động trải nghiệm bổ ích trong và ngoài chương trình chính khóa, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.