Sự chấp nhận của công chúng đối với điện hạt nhân ngay cả ở những nước tiên tiến cũng không dễ dàng, vì vậy cần thiết phải có sự tuyên truyền lâu dài và trong mỗi giai đoạn khác nhau đều phải được xác định là sự cần thiết.
Tại hội thảo khoa học quốc tế về “An toàn sinh thái của nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và sự chấp nhận của công chúng đối với năng lượng hạt nhân” do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom phối hợp tổ chức vấn đề này một lần nữa lại được đề cập tới.
Theo TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: “Để xây dựng thành công nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam, bên cạnh những khía cạnh về công nghệ và sinh thái thì sự chấp nhận của công chúng đối với ĐHN cũng là một vấn đề đáng quan tâm”.
Trên thực tế, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020”.
Mục tiêu của đề án là đem lại nhận thức và hiểu biết đầy đủ của xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của ĐHN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các yêu cầu về an toàn và an ninh. Việc truyền thông tới người dân về các thông tin liên quan đến ĐHN và tác động tới môi trường xung quanh nhà máy ĐHN cũng là một hợp phần quan trọng trong dự án tổng thể xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Tại Việt Nam, kể từ khi có dự án tiền khả thi nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam, các hoạt động giới thiệu về chủ trương phát triển ngành công nghiệp mới này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam triển khai thường xuyên thông qua các triển lãm, hội thảo, tham quan Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt…
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng tổ chức nhiều khoá kiến tập và tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho đoàn đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận. Thành phần đoàn là cán bộ, nhân dân, học sinh sinh sống tại Ninh Thuận tới tham quan, nhằm giúp người dân ở nơi đặt nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam có thêm kiến thức về hoạt động của lò phản ứng hạt nhân và những tác động tới môi trường xung quanh.
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - cho biết, việc tuyên truyền để có được sự chấp nhận của công chúng đối với ĐHN phải được thực hiện trong suốt cả quá trình dài, qua nhiều giai đoạn khác nhau sẽ có những nội dung khác nhau. Ngay cả khi đã xây dựng nhà máy ĐHN rồi vẫn phải làm công việc này.
Đánh giá về sự chấp nhận của công chúng với ngành công nghiệp mới này, TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng: “Chưa hẳn tất cả người dân đều chấp nhận sự xuất hiện của ĐHN, ngay cả với các nước phát triển cũng chưa chấp nhận 100%. Vì vậy đây là hoạt động lâu dài và thường xuyên, cần phải được thực hiện từng bước theo lộ trình và bài bản”.
Ông Egor Simonov - Giám đốc Rosatom khu vực châu Á - chia sẻ kinh nghiệm của Rosatom. Theo đó, trong quá trình công khai thông tin về ĐHN, Rosatom đã đa dạng hóa các hình thức tiếp cận, hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội như: Tổ chức những cuộc thi câu cá tại hồ làm mát nhà máy ĐHN, trình chiếu các bộ phim, chương trình truyền hình và thông tin về ĐHN qua các ứng dụng điện thoại, mở nhiều tour tham quan các cơ sở hạt nhân của Nga dành cho giới truyền thông... Những số liệu cụ thể về thực trạng bức xạ tại các nhà máy ĐHN Nga đều được công khai trên cổng thông tin russianatom.ru.
Ngoài ra, Rosatom còn chủ động thực hiện công tác truyền thông ở các quốc gia mà mình cung cấp công nghệ nhà máy ĐHN, trong đó có Việt Nam với Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử do Rosatom xây dựng trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Được biết, trong năm 2014, hơn 30.000 lượt khách đã tới thăm trung tâm này. Số liệu khảo sát cũng cho thấy, hơn 80% khách tham quan đã thay đổi quan điểm của mình về công nghệ hạt nhân sau khi thăm các trung tâm thông tin hạt nhân.
Theo TS Nguyễn Nhị Điền, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho việc ra đời nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, vấn đề đảm bảo thông tin một cách toàn diện, củng cố tâm lý của công chúng về sự an toàn của ĐHN được coi là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Ngành điện sau này sẽ phải dành kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ về ĐHN hơn” - TS Điền nói.