Trong bối cảnh thiếu vắng các doanh nghiệp lớn với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự tăng trưởng của cả một ngành hay cụm công nghiệp, thì khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam, mặc dù áp đảo về mặt số lượng song năng lực cạnh tranh hãy còn rất yếu kém và hầu như chưa thể hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Rất ít doanh nghiệp Việt Nam tự tạo được vị thế như Minh Long và Mỹ Lan. Ảnh: PV
Rất ít doanh nghiệp Việt Nam tự tạo được vị thế như Minh Long và Mỹ Lan. Ảnh: PV

Cộng đồng DNVVN thường tạo ra đóng góp đáng kể vào GDP và kiến tạo công ăn việc làm cho người lao động tại hầu hết các quốc gia thị trường. Bên cạnh vai trò thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn (DNL), DNVVN còn đóng vai trò quyết định sức cạnh tranh năng động và duy trì hoạt động lành mạnh của nền kinh tế (giống như bộ phận giảm xóc trên một chiếc xe), một phần cũng nhờ quy mô nhỏ gọn nên có thể dễ dàng điều chỉnh chiến lược và ra quyết định nhanh chóng. Trong khi ở Việt Nam, hàng trăm ngàn DNVVN đã và đang thu hút một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ vốn đòi hỏi năng suất và thu nhập cao hơn, dẫn tới sự hình thành và phát triển của những khu – cụm – điểm công nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách ổn định cho các địa phương. Mặc khác, cũng do giới hạn về nguồn lực (như vốn, đất đai), DNVNN thường sẽ phải lựa chọn đi theo theo hướng chuyên môn hóa, vì thế được kỳ vọng trở thành động lực thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ.

Bài học của một số nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới cho thấy, những nơi này đã luôn rất quan tâm, khuyến khích và hậu thuẫn cho các DNVVN, tiêu biểu là trường hợp của Đài Loan, Đức và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, trong khi những đại gia như Sony, Panasonic đang gặp nhiều khó khăn và đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Hàn Quốc hay Trung Quốc thì những nhà vô địch ẩn danh ở xứ sở này – ám chỉ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (chuken kigyo) – lại tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh nổi trội nhờ nắm giữ bí quyết và chất lượng hoàn hảo trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu, từ giấy tráng ảnh cho tới bóng phát sáng trong màn hình tivi, máy tính; hay tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện trên các thiết bị … tức thị trường ngách, song nếu thiếu chúng thì gần như toàn bộ quy trình lớn toàn cầu cũng sẽ bị gián đoạn. Đó chính là những cái tên mà không nhiều người biết tới song vẫn đang sống khỏe như Japan Steel Works (đơn vị nắm giữ độc quyền công nghệ hàn các mối ghép cho lò phản ứng hạt nhân an toàn nhất thế giới), Nidec (mô-tơ ổ đĩa cứng), Shimano (bánh răng và ghi đông xe đạp), YKK (phéc-mơ-tuya), Mabuchi (mô-tơ siêu vi trong kính chiếu hậu ô tô), Shin-Etsu (chất tạo nền dùng để cố định các đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn) … với tỷ suất lợi nhuận thậm chí còn vượt cả những ngân hàng đầu tư phố Wall. Người Đức cũng có cụm từ Mittelstand dùng để chỉ những công ty tương tự. Hay tại Việt Nam, một số doanh nghiệp như Minh Long (gốm sứ cao cấp) và Mỹ Lan (vật liệu nhiệt ngành in) cũng đã rất nỗ lực để tự xây dựng được cho mình chỗ đứng vững chắc trên thế giới, nhưng chưa có nhiều.

Đặc điểm tương đồng của các DNVVN nhưng thành công đặc biệt này là: 1) Rất chịu khó đầu tư cho hoạt động R&D; 2) Luôn tự mình thực hiện những công đoạn then chốt tạo nên phần lõi của sản phẩm, và thường ở trong nước; 3) Tìm cách tự xây dựng các chuỗi cung ứng của riêng mình, bao gồm cả linh kiện và công cụ sản xuất – tất cả đều nhằm cắt giảm chi phí, tránh bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài và nắm độc quyền bí quyết … Nhìn chung, so với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN thì trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của DNVVN Việt Nam hãy còn rất yếu kém, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia còn ít ỏi, bên cạnh phần lớn máy móc công nghệ là phải nhập khẩu và lạc hậu, chuẩn bị hết khấu hao. Ngoài ra, hoạt động chuyển giao công nghệ còn nhiều chậm trễ, chưa kể những khó khăn trong khâu tiếp cận vốn, nhất là từ các quỹ đầu tư rủi ro …

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức hôm 15/3 ở Hà Nội, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – đã nêu nhận định, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang rất có vấn đề khi cộng đồng DNVVN nội địa, mặc dù đông đảo (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp) nhưng kém phát triển và rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng – miếng bánh vốn đang nằm gọn trong tay khối FDI. Trong khi ông Ljungreen – cựu Đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc và Việt Nam – cũng có bài viết Vietnam: Globalized Party – State (Việt Nam: toàn cầu hóa Đảng – Nhà nước) trên Yale Global chỉ rõ: tiến trình thu hút FDI ở Việt Nam có vẻ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều so với nhiệm vụ phát triển các DNVVN. Bài báo cũng trích dẫn một vài số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu hơn 200 tỷ USD của Việt Nam năm 2018 thì có đến 75 – 78% là từ khu vực FDI, còn lại hàng trăm ngàn doanh nghiệp quốc nội cũng chưa nắm nổi 25%. Thứ nữa, trong danh mục các sản phẩm thâm dụng chất xám và kỹ thuật do doanh nghiệp FDI làm ra tại Việt Nam, phần đóng góp của người Việt Nam hầu như cũng chỉ gói gọn ở các khâu đòi hỏi lao động giản đơn – thành thử, nền kinh tế có tiếng mà không có miếng và rất dễ bị tổn thương trước các biến động.

Thời gian qua, sự lớn mạnh và chuyển dịch của một số doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như Vin Group, THACO – với mô thức khá gần với các Chaebol (Hàn Quốc) và Keiretsu (Nhật Bản) trong quá khứ – thực sự là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy nền kinh tế đã trưởng thành và chuyên nghiệp hơn, đồng thời mở ra nhiều triển vọng phát triển chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, điều này còn cần thời gian để kiểm chứng, ngoài ra cũng không phải là không tồn tại những lo ngại liên quan đến nguy cơ méo mó thị trường, bởi “những đại công ty sẽ có nhiều sức mạnh lobby để gây ảnh hưởng lên quyết sách của chính phủ nhằm giành lấy lợi thế cho mình và gây bất lợi cho các DNVVN khác.”

Việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DNVVN ở Việt Nam chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm chính trị rất lớn – theo nhân định của ông Ljungreen. Một số hỗ trợ về mặt thể chế được đề xuất bao gồm: kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi (xây dựng và hoàn thiện luật về DNNVV, cải cách thủ tục cấp giấy phép, ban hành thông tin…), hỗ trợ bồi dưỡng năng lực doanh nghiệp (đào tạo nhân sự, hỗ trợ công nghệ...), ưu đãi tín dụng (thành lập các ngân hàng chuyên cho DNNVV vay, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm…). Sau cùng, mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện đường lối cải cách kinh tế theo hướng ngày càng phi tập trung suốt 30 năm qua, nhưng chúng ta cần thiết phải làm nhiều hơn thế để đánh thức tiềm năng to lớn của đất nước.