Sau đọc báo online, mua sắm online, mạng xã hội kết nối online, đặt vé máy bay – khách sạn online, liệu học online có trở thành xu hướng ở Việt Nam?

Công cụ giải quyết các vấn đề của giáo dục

“Có một giáo sư đại học ở Bekerley viết đề án lập đại học dựa trên nền tảng internet với mục tiêu đào tạo chất lượng như trường top. Do mọi cấu phần của trường đều ở đâu đó trên mạng - thư viện trên mạng, giảng đường trên mạng, giáo sư cũng trên mạng - nên chi phí rất thấp. Đề án của ông bị từ chối, bởi nó quá cách mạng, nó sẽ xóa sổ đại học truyền thống. Tôi đọc bài viết về đề án này của ông và rất thích phát biểu sau: ‘Tôi tin rằng ai đó sẽ thực hiện như đề án của tôi, vì đó là xu thế tất yếu’. Hiện giờ, chúng tôi đang làm đúng như thế” - TS Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập đại học trực tuyến FUNiX chuyên đào tạo kỹ sư phần mềm, cho biết như vậy trong cuộc trò chuyện với Khoa học và Phát triển về xu thế đào tạo trực tuyến.

Sinh viên FUNiX trong một buổi gặp gỡ offline. Ảnh: funix.edu.vn

Sinh viên FUNiX trong một buổi gặp gỡ offline. Ảnh: funix.edu.vn

Ngoài FUNiX là đại học “hoàn toàn trên mạng”, theo khảo sát của chúng tôi, hiện còn có khoảng hơn chục trường đại học ở Việt Nam đang triển khai một hoặc một vài chương trình đào tạo trực tuyến, chủ yếu thuộc 7 ngành: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Luật, Luật kinh tế, Công nghệ thông tin, Anh ngữ. Theo học các chương trình này, sinh viên chủ động xem tài liệu (bài giảng video, audio, bài giảng điện tử), nghe giảng bài trực tiếp với giảng viên qua hệ thống trực tuyến. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng, các sinh viên vẫn được yêu cầu đến lớp hoặc gặp mặt offline ít nhất một lần để chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm. Kết thúc môn học/học phần, sinh viên làm bài thi tại trường hoặc thi vấn đáp trực tuyến. Trong quá trình học, sinh viên được các cố vấn (mentor), bao gồm cả giảng viên của trường và chuyên gia bên ngoài, giải đáp kiến thức trong nội dung học tập. Sinh viên cũng được đội ngũ hỗ trợ theo dõi sát sao tiến độ học tập và động viên, nhắc nhở khi tiến độ học tập chưa đạt.

Cũng có những trường đại học tuy chưa mở hệ đào tạo trực tuyến nhưng đã bắt đầu cho phép sinh viên học trực tuyến một số môn thiên về lý thuyết như chính trị, triết học Mác – Lênin... hoặc tổ chức hoạt động cố vấn học tập trực tuyến cho sinh viên.

Ông Nguyễn Thành Nam nhìn nhận đào tạo trực tuyến như một công cụ giúp giải quyết nhiều vấn đề của giáo dục đại học. “Có những việc trường truyền thống không làm được thì giờ đã làm được với sự hỗ trợ của công nghệ,” ông nói và lấy ví dụ, ở FUNiX, giáo trình thường xuyên được cập nhật, loại bỏ nguy cơ bị lạc hậu như của các giáo trình in; sinh viên không lo thiếu thầy giỏi, được học theo kiểu hỏi đáp một trò nhiều thầy, và có cơ hội được tuyển dụng sớm bởi nhiều người trong số các thầy đều đang làm việc tại doanh nghiệp.

Tác động đến đại học truyền thống

TS Giáp Văn Dương, người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến miễn phí GiapSchool, cũng cho rằng, học trực tuyến đang bổ sung một số giá trị như tìm kiếm kiến thức dễ dàng hơn, học tập tiện lợi hơn (về thời gian, địa điểm), chi phí học thấp hơn. Và ông hình dung, với những điểm mạnh đó, dù không thay thế hoàn toàn nhưng đào tạo trực tuyến có khả năng sẽ xóa sổ một số trường truyền thống, đặc biệt là những trường mà người học có thể học và thực hành trực tiếp trên máy tính, hoặc các trường dạy nghề và không có nghiên cứu. “Ngoài ra, sẽ xuất hiện một loại hình đại học lai ghép, sử dụng các chương trình trực tuyến để học tập, nhưng thực hành lại trực tiếp tại trường học hoặc công xưởng. Loại hình này sẽ phục vụ rất tốt cho các trường thực hành,” ông Dương dự đoán.

Xét về tính chính danh, ở Việt Nam hiện nay, đại học trực tuyến chưa được công nhận như một thực thể độc lập, bởi quy chế hiện tại đòi hỏi phải có cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu mới được công nhận là trường. Như FUNiX, dù xưng danh “đại học trực tuyến” song nó không “trực thuộc” Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là “đơn vị thành viên của Khối giáo dục FPT”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nam, vấn đề được công nhận chính danh “chuẩn đại học hay không không phải là nỗi lo lớn” bởi nếu “làm được” thì sớm muộn gì cũng sẽ được công nhận.

Trả lời câu hỏi liệu đại học trực tuyến có thể tích hợp nghiên cứu với giảng dạy để trở thành “chuẩn đại học”, ông Nam cho rằng ngay cả trong nghiên cứu cũng nên nắm bắt xu hướng chia sẻ và làm việc từ xa. “Có thể chia sẻ các trang thiết bị nhàn rỗi trong phòng thí nghiệm giống như cách ngành thiên văn dùng chung kính thiên văn. Trong ngành thiên văn, đã có kính thiên văn lớn ở California, cả thế giới cùng dùng, không lẽ Việt Nam lại mua thêm cái nữa?”, ông Nam nói. Kể cả khi thực tế đòi hỏi đại học trực tuyến cần có phòng thí nghiệm thì họ chắc chắn sẽ làm được. “Trong đầu những người làm đại học trực tuyến không có chữ không làm được”.

Ông Giáp Văn Dương thì lưu ý một xu hướng: Các tập đoàn tư nhân đa quốc gia, các viện nghiên cứu tư nhân đang nổi lên cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí là vượt trước trong rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu, so với các đại học. “Do vậy, nghiên cứu trong đại học không phải là không thể bị thay thế.”

Nhiều người sau khi ra trường tổng kết “điều còn lại sau đại học là bạn học”. Trên thế giới cũng hình thành những cộng đồng cựu sinh viên mạnh có ảnh hưởng tới xã hội như của Stanford, Harvard. Xét về khía cạnh này, ông Dương nghĩ rằng, đại học trực tuyến khó có thể tạo ra văn hóa và cộng đồng đại học đầy sống động, được nuôi dưỡng bởi tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, như ở các trường danh tiếng. “Cách học mới này có bổ sung một số giá trị, nhưng cũng lấy đi nhiều giá trị khác, như sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Các yếu tố ngoài tri thức, như tính cách, lối sống, văn hóa… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Song ông Dương không quên nói thêm: “Nhưng có thể trong vài chục năm tới, khi thực tế ảo trở nên phổ biến trong giáo dục, và con người có những cách thức tương tác mới, ví dụ tương tác trực tiếp giữa máy tính và não bộ chẳng hạn, thì hai thế giới thực và ảo sẽ thu hẹp rất nhiều. Khi đó, chưa biết thế giới nào sẽ thực hơn.”

Không quá băn khoăn về việc người học trực tuyến sẽ không có bạn đồng môn, ông Nguyễn Thành Nam kể: “Một giáo sư Mỹ cũng tranh luận với tôi chuyện đó. Ông này cho rằng ‘bạn học’ là không thể thay thế được. Tôi hỏi ‘con ông nói chuyện trên mạng hay ngoài đời nhiều hơn?’ Đó là nói đời con, chưa nói tới đời cháu. Bạn bè thế hệ tôi là gặp gỡ, cùng cà phê đầu ngõ; bạn của con tôi là bạn chat. Thực tế đã là như thế!”

Cuối cùng, ông Nam dẫn ra một bài báo, trong đó nhiều giáo sư Mỹ thừa nhận rằng, “5 năm trước chúng ta cười họ [những người làm đại học trực tuyến] còn bây giờ chúng ta đang làm giống như họ” - để khẳng định học trực tuyến là một xu thế tất yếu và sẽ phát triển rất nhanh.

Trong khi đó, ông Dương kết luận bỏ ngỏ: “Xét đến kỳ cùng, thì cấu trúc việc làm, cách thức tổ chức sản xuất – dịch vụ, và lối sống mới trong một thời đại công nghệ mới, sẽ quyết định tương lai của các đại học. Mà những điều này thì còn quá mới, ngoài sự dự đoán của chúng ta, trong vài chục năm tới.”