Là cơ quan phụ trách nghiên cứu khoa học của chính phủ, Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) được tạo ra như một phần của quá trình xây dựng đất nước với mục tiêu giải quyết những thách thức lớn thông qua KH&CN thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Phòng thí nghiệm số 22 nổi tiếng của CSIRO phá vỡ những rào cản để đưa công nghệ in 3D vào các doanh nghiệp nhỏ. Nguồn: CSIRO
Phòng thí nghiệm số 22 nổi tiếng của CSIRO phá vỡ những rào cản để đưa công nghệ in 3D vào các doanh nghiệp nhỏ. Nguồn: CSIRO

Bám sát quá trình phát triển của đất nước

Thành lập vào năm 1916 với tên gọi Hội đồng cố vấn Khoa học và công nghiệp, tổ chức này sau đó trở thành Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp năm 1920 và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và công nghiệp (CSIR) năm 1926. CSIR tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai mỏ, khai khoáng...

Sau thời kỳ Đại suy thoái, CSIR mở rộng sang hướng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tại nhiều thời điểm trong lịch sử, tổ chức này “tiến hóa” một cách liên tục, sáp nhập và chia tách với những viện nghiên cứu công lập khác. Vào năm 1949, CSIR tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu về quốc phòng và bắt đầu chính thức mang tên CSIRO như ngày nay.

Với chiến lược CSIRO 2020, tầm nhìn của CSIRO là trở thành điểm xúc tác cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hiệu suất đổi mới sáng tạo của Australia. Nhiệm vụ của nó là tạo dựng giá trị thông qua đổi mới sáng tạo và lan truyền tác động tích cực của nó trên khắp đất nước. Điều này mới xuất hiện ở CSIRO vào năm 2014, nó hoàn toàn khác với quan điểm trước đây, khi chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản. Nguyên nhân đằng sau sự chuyển đổi này là những nhà hoạch định chính sách Australia và nhà quản lý CSIRO nghĩ là CSIRO phải giải quyết vấn đề tồn tại nhiều năm: sự liên kết còn lỏng lẻo giữa giới học thuật và giới công nghiệp. CSIRO được trông đợi giải quyết vấn đề thị trường và thất bại mang tính hệ thống từ mối quan hệ đó cũng như phải trở nên định hướng theo hướng toàn cầu hóa hơn để có nhiều mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế (hiện họ có đối tác ơt 80 quốc gia trên thế giới).

CSIRO vận hành thông qua ba khía cạnh, đó là:

• Tác động của khoa học: 14 bộ phận chuyên môn tập trung vào những thách thức lớn nhất mà quốc gia phải đối mặt;

• Các hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia: CSIRO quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng và các cơ sở sinh học vì lợi ích của khoa học và ngành công nghiệp;

• Các dịch vụ của CSIRO: CSRIO cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thương mại, lấy khách hàng làm trung tâm cho ngành công nghiệp, chính phủ và cộng đồng, bao gồm giáo dục, xuất bản, các công nghệ cơ sở hạ tầng, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Định hướng phát triển của CSIRO do Ban giám đốc CSIRO và Nhóm điều hành CSIRO thiết lập. Trong đó, Ban giám đốc bao gồm các thành viên do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghiệp lựa chọn, người dẫn đầu ban giám đốc hiện nay là David Thodey, từng là CEO của Telstra – công ty dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Australia, CEO của IBM tại Australia và New Zealand, và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Điều phối Covid-19 Australia. Những thành viên khác của Ban giám đốc có một người từ ngành công nghiệp, một số có kinh nghiệm trong đầu tư mạo hiểm. Người đứng đầu Nhóm điều hành CSIRO từng quản lý một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, Thượng Hải và Sydney.

Nếu xét về mặt doanh thu thì trong năm 2014 - 2015, CSIRO có tổng doanh thu 1.230,8 triệu đô la Úc (875 triệu USD), bao gồm 60% từ chính phủ và 40% từ các nguồn phát sinh khác. Đặc biệt, 5,2% đến từ các hợp đồng nghiên cứu, tư vấn và dịch vụ cho khu vực tư nhân của Australia, 6,6% đến từ các dự án nghiên cứu quốc tế, 4,9% từ phí bản quyền và phí chuyển giao công nghệ. Nhìn tổng thể thì ngành công nghiệp đem lại cho CSIRO khoảng dưới 20% doanh thu. Các chính quyền bang cũng đầu tư một số khoản kinh phí cho CSIRO nhưng số lượng rất nhỏ.


Việc đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc của CSIRO cũng thay đổi theo thời gian, ví dụ chính sách chuyển đổi sang đổi mới sáng tạo khiến họ không quá coi trọng số lượng bài báo quốc tế nữa, thay vào đó là lối tiếp cận trong đánh giá kết hợp giữa định tính và định lượng. Cách tiếp cận định tính là cách làm hữu ích để các chính trị gia và công chúng hiểu được những gì CSIRO đã làm được cho đất nước.


Vào năm 1985, chính phủ đã đề ra mục tiêu 30% cho đầu tư bên ngoài cho CSIRO, điều đó dẫn đến việc nhiều nhà nghiên cứu CSIRO phải bước vào thế giới công nghiệp để tìm kinh phí cho các dự án nghiên cứu. Đầu những năm 2000 khi chính phủ thấy hiệu quả này đã đạt mức như mong đợi liền loại bỏ ngay mức này để rồi trên thực tế, phần lớn kinh phí từ bên ngoài đều đến từ chính phủ và chính quyền bang chứ không phải ngành công nghiệp.

Mỗi năm, CSIRO làm việc với khoảng 3000 khách hàng, trong đó các cơ quan trung ương của Chính phủ Australia là những khách hàng quan trọng đầu tiên và 500 doanh nghiệp lớn hàng đầu Australia. Mặc dù vậy, CSIRO vẫn quan tâm tới khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 1200 công ty).

Chuyển hướng từ cơ bản sang đổi mới sáng tạo

Mặc dù không thể so sánh về quy mô với Fraunhofer nhưng CSIRO cũng có số lượng nhân viên khá lớn với gần 5.300 người, trong đó 65% là các nhà nghiên cứu với số lượng trên 2.000 người đạt trình độ tiến sĩ (theo số liệu năm 2015). Do mối hợp tác của CSIRO tỏa khắp toàn cầu nên họ cần ngày một nhiều hơn các nhà nghiên cứu sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau, ví dụ ở thời điểm hiện tại, họ có khoảng 300 đến 400 nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc. Dù tuổi nghỉ hưu tại đây là 65 nhưng có một số nhà nghiên cứu xuất sắc vẫn được họ mời ở lại như chuyên gia của CSIRO (không hưởng lương mà chỉ được cung cấp không gian làm việc). Chỉ có nhà nghiên cứu có kinh nghiệm mới được ký hợp đồng dài hạn còn các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ tiếp theo thì được ký hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên trên thực tế thì biến động nhân sự ở CSIRO ở mức thấp là 4% mỗi năm, không có nhiều nhà nghiên cứu của CSIRO rời đến làm việc cho ngành công nghiệp mà phần lớn là tới các trường đại học. Do đó trong thời gian gần đây CSIRO đã bắt đầu có chính sách ký hợp đồng 12 tháng để cho phép các nhà nghiên cứu của mình tới làm việc với các công ty. Sau khi trở lại, kinh nghiệm họ tích lũy được sẽ là điểm cộng cho vị trí công việc tương lai.

90% những nghiên cứu mà CSIRO triển khai đều thực hiện cùng với các đối tác của mình. Chỉ có 10% là nghiên cứu cơ bản không đem lại thu nhập ngay lập tức. Điều này phản ánh sự thay đổi trọng tâm của CSIRO từ một tổ chức đầu tư cho nghiên cứu cơ bản sang trở thành nơi xúc tác cho đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, việc chuyển hướng như vậy cũng nhận được nhiều lời chỉ trích bởi họ cho rằng CSIRO phải duy trì sức mạnh của mình trong nghiên cứu cơ bản nếu như họ muốn đạt được mục tiêu là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi nghiên cứu cơ bản là điểm tựa quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Họ muốn nghiên cứu của CSIRO phải là “góc phần tư của Pasteur” – một thuật ngữ dùng để chỉ các dự án nghiên cứu khoa học nhằm đem lại những hiểu biết cơ bản về các vấn đề khoa học nhưng vẫn có tác dụng ngay lập tức cho xã hội, và nếu CSIRO muốn giữ vững vai trò tư vấn chính cho chính phủ thì họ cần hiểu biết sâu sắc về khoa học và sự phat triển trong tương lai của khoa học. Một số nhà quan sát đồng thuận với chỉ trích này và cho rằng CSIRO đã phạm phải sai lầm khi lơ là nghiên cứu cơ bản.

Trong nguyên tắc của CSIRO, việc lựa chọn các dự án dựa trên một cách tiếp cận hỗn hợp giữa đề xuất từ dưới lên của các nhà khoa học muốn khám phá điều mới mẻ và chỉ định từ trên xuống của Nhóm điều hành. Mỗi bộ phận của CSIRO đều có nhóm tư vấn công nghiệp với những người có thể đề xuất các chủ đề nghiên cứu, mặt khác mỗi lĩnh vực công nghiệp cũng thực hiện những cuộc khảo sát để chọn lọc thông tin hỗ trợ quá trình tuyển chọn dự án này. Với từng dự án, tác động trở lại vào đầu tư đều được đánh giá một cách cẩn trọng. Đây là lý do giải thích vì sao CSIRO cân bằng được giữa chiều rộng của tác động với độ sâu của năng lực thực hiện, một số dự án có thể đủ để giúp họ có thể hợp tác với các trường đại học.

Khuyến khích hợp tác theo vùng

Cũng như nguyên tắc của Fraunhofer, các chi nhánh của CSIRO đều được đặt ở các địa phương và hoạt động gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp địa phương, chính quyền bang và các trường đại học của bang. Mỗi chi nhánh tập trung vào giải quyết những vấn đề thách thức của địa phương. Trong thời kỳ còn mang tên CSIR, các chi nhánh vùng hoạt động theo phương thức bán tự chủ còn khi đã trở thành CSIRO, thì quyền hạn này đã bị giới hạn hơn bởi tổ chức này được gắn kết chặt chẽ hơn và các nguồn lực được san sẻ khắp. Hiện tại một địa điểm vùng đều tự chủ theo khía cạnh khởi đầu dự án. Nếu ngân sách cho dự án vượt quá một mốc nhất định thì cần được sự cho phép của trụ sở trung tâm. Quyền hạn của những người đứng đầu chi nhánh vùng và các bộ phận chuyên môn cũng được giới hạn; dẫu sao họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các nhà khoa học vào những dự án cụ thể.

Gần đây, CSIRO còn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển năm vùng “ảnh hưởng toàn cầu” của Australia: Vùng Khoa học nông nghiệp và môi trường quốc gia – Canberra; Vùng khoa học sinh thái – Brisbane; Vùng Khoa học nguồn lực quốc gia – Perth; Vùng khoa học sự sống để chăm sóc sức khỏe con người – Parkville; Vùng Khoa học vật liệu và sản xuất Australia – Clayton. Trong cái nhìn của CSIRO, sự gần gũi về mặt khoảng cách vẫn rất quan trọng, một vùng khoa học như vậy có thể mang đến rất nhiều đối tác đa dạng khi các hoạt động xảy ra trong một không gian văn hóa hợp tác chung. Ví dụ tại Clayton, một số phòng thí nghiệm và không gian làm việc khác đã được chia sẻ cùng nhau như kết quả bàn bạc giữa CSIRO và trường Đại học Monash khi cả hai đều được đặt cạnh nhau và nhiều nhà nghiên cứu postdoct tại đây thường chọn hợp tác với Monash.

Nghiên cứu theo hợp đồng và hợp tác là phương thức quan trọng bậc nhất để tạo nên doanh thu ở CSIRO. CSIRO giữ mối hợp tác với nhiều tổ chức khắp Australia và khắp thế giới, dưới dạng các liên minh, dự án và đầu tư chung. Mức độ hợp tác cũng rất khác nhau, một số dự án CSIRO đóng góp hơn 50% kinh phí nhưng cũng có một số ít hơn. Để hỗ trợ các hợp tác do doanh nghiệp dẫn dắt, CSIRO kí kết với Trung tâm nghiên cứu hợp tác (CRC) của Chính phủ Úc.

Một điều đáng ngạc nhiên là về truyền thống, các công ty spin-off lại ít quan trọng với CSIRO, họ tập trung vào việc thúc đẩy sự thành lập của các công ty start-up (hơn 150 công ty họ tạo dựng). Vào năm 2015, Chương trình Tăng tốc được họ thành lập nhằm tăng cường số lượng, thời gian và giá trị thương mại và doanh nghiệp mạo hiểm mà các chủ nhiệm đề tài, nhân viên của CSIRO tham gia; và tạo dựng đổi mới sáng tạo và kỹ năng, văn hóa và năng lực kinh doanh của các nhóm các thành viên CSIRO. Cũng trong năm đó, CSIRO bắt đầu sở hữu Quỹ đầu tư mạo hiểm Công nghệ CSIRO để bắt đầu thực hiện việc đầu tư vào các công ty spin-off với kinh phí 200 triệu USD (70 triệu từ chính quyền liên bang, 30 triệu từ CSIRO, 100 triệu từ đóng góp của ngành công nghiệp cùng với 5 triệu từ Chương trình tăng tốc để vận hành Quỹ).

Để góp phần làm nên hiệu quả của các dự án nghiên cứu cũng như tăng cường năng lực nghiên cứu, CSIRO thường lựa chọn hợp tác với nhiều trường đại học trên khắp Australia dưới nhiều hình thức như đồng tác giả công bố, cùng tư vấn cho sinh viên hoặc/và hỗ trợ các trợ lý cho các giáo sư. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu được CSIRO cho phép dùng 20% làm việc để làm việc tại trường đại học dưới dạng cùng thỏa thuận bổ nhiệm với trường, tuy nhiên không phải lúc nào cách làm này cũng có kết quả tốt bởi sự khác biệt trong định hướng giữa các trường đại học và chính bản thân CSIRO.

Chú thích:

Trong số báo 1107, KH&PT đã đề cập, mặc dù mỗi quốc gia có một số đặc điểm riêng nhưng về cơ bản hệ thống các tổ chức nghiên cứu công lập ở các quốc gia và điều kiện để các tổ chức này hoạt động hiệu quả khá tương đồng, đó là nguồn lực đầu tư ban đầu đủ mạnh và ổn định với nguyên tắc phân bổ kinh phí dựa vào kết quả đầu ra, chú trọng hợp tác đa ngành, đánh giá hiệu quả hoạt động thay vì giám sát chặt chẽ, quản lý tài sản trí tuệ và quản lý hoạt động giống doanh nghiệp với các tổ chức có thiên hướng ứng dụng, thể hiện rõ thông qua các mô hình như Hội Fraunhofer (Đức); Viện KH&CN Tiêu chuẩn quốc gia Mỹ - NIST; Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) và Viện KH&CN công nghiệp tiên tiến Nhật Bản - AIST.

Loạt bài giới thiệu về các tổ chức nghiên cứu này được lược trích từ công bố của Patarapong Intarakumnerda, Akira Gotob, "Role of public research institutes in national innovation systems in industrialized countries: The cases of Fraunhofer, NIST, CSIRO, AIST, and ITRI", trên tạp chí Research Policy, Volume 47, Issue 7, 2018, trang 1309-1320.