Đại dịch đã tác động tàn khốc đến Nam Phi và nền kinh tế của quốc gia này. Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, phụ nữ thường là những nạn nhân chính. Và COVID-19 không phải là ngoại lệ.

Ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy đến, cuộc sống của người phụ nữ Nam Phi vốn đã rất đáng lo ngại. Ảnh: globaliving
Ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy đến, cuộc sống của người phụ nữ Nam Phi vốn đã rất đáng lo ngại. Ảnh: globaliving

Giống như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các lĩnh vực thương mại, nhà hàng - khách sạn và chăm sóc cá nhân ở Nam Phi phải đóng cửa hoặc bị hạn chế gần hết các hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều quan trọng là, nhân lực của những ngành này chủ yếu là lao động nữ.

Phụ nữ cũng hoạt động rất nhiều trong lĩnh vực y tế và do đó có nhiều khả năng là những người khoác áo blouse trên tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, quy định đóng cửa trường học đã làm gia tăng khối lượng công việc gia đình, đè gánh nặng lên đôi vai của người phụ nữ.

Ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy đến, cuộc sống của người phụ nữ Nam Phi vốn đã rất đáng lo ngại. Phụ nữ có nhiều khả năng đối diện với nguy cơ thất nghiệp hoặc làm những công việc được trả lương bèo bọt hơn nam giới, trong khi tỷ lệ nghèo ở phụ nữ cao hơn 17 điểm phần trăm so với nam giới.

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu cuộc khủng hoảng có làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới vốn đã tồn tại trên thị trường lao động và làm tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ Nam Phi hay không?

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học quốc tế đã xem xét đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Nam Phi và người phụ nữ nói riêng, họ nhận thấy rằng phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.

Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu khác cho rằng đại dịch gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn đối với các lĩnh vực phụ thuộc vào lao động nữ, dẫn đến việc thu nhập của phụ nữ ít hơn các đồng nghiệp nam. “Kết quả là, đại dịch này đã làm tăng tính dễ bị tổn thương và tình trạng nghèo đói đối với các hộ gia đình có phụ nữ làm kinh tế chính nhiều hơn so với các hộ gia đình có nam giới làm kinh tế chính”, GS Kinh tế Helene Maisonnave, Đại học Le Havre Normandie, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.

Tác động bất bình đẳng

GS Maisonnave và các đồng nghiệp đã xác định và lập mô hình các con đường mà qua đó COVID-19 và các biện pháp phong tỏa đã tác động đến nền kinh tế Nam Phi.

Một mặt, nền kinh tế bị ảnh hưởng thông qua các con đường quốc tế: Nam Phi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vì các nước khác đã giảm tiêu thụ hàng hóa của Nam Phi. Mặt khác, nền kinh tế bị ảnh hưởng từ chính các lệnh cấm trong nước vì một số công nhân không thể làm việc từ xa, chỉ những ngành thiết yếu mới được mở cửa còn các ngành khác thì phải ngừng hoạt động.

Do mức độ tác động của đại dịch lên các lĩnh vực có sự khác nhau, điều này đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ tăng cao hơn so với nam giới, bởi phụ nữ chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quy định phong tỏa.

Kết quả, thiệt hại về thu nhập làm tăng chỉ số nghèo ở phụ nữ nhiều hơn một điểm phần trăm so với nam giới, dẫn đến tỷ lệ nghèo ở các hộ có phụ nữ làm kinh tế chính cao hơn từ 50 đến 55% so với các hộ có nam giới làm kinh tế chính.

Làm thế nào để xoay chuyển tình thế?

“Tác động của COVID-19 lên phụ nữ có thể nghiêm trọng hơn so với những gì chúng tôi đã thu thập được trong các kết quả nghiên cứu của mình, bởi chúng tôi vẫn chưa đề cập đến khối lượng công việc và áp lực mà phụ nữ phải gánh chịu hoặc các tác động tâm lý và thể chất như bạo lực gia đình”, GS Maisonnave chia sẻ.

Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, bao gồm hỗ trợ tài chính, có thể giúp giảm thiểu tình trạng này. Ngoài ra, chính phủ có thể đưa ra các chính sách nâng cao kiến thức và kỹ năng, tạo ra cơ hội việc làm cho phụ nữ.

Đại dịch đã tạo ra những thách thức mới cho xã hội và nền kinh tế các nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất bình đẳng giới, COVID-19 mới chỉ củng cố một vấn đề đã được biết đến từ lâu: khủng hoảng kinh tế khiến cuộc sống của phụ nữ vốn đã khó khăn nay lại càng cơ cực hơn.

Nguồn: