Những số liệu kinh tế và y tế công mới nhất đều cho thấy: Hàn Quốc đang làm tốt hơn hầu hết các nước trong việc kiểm soát COVID-19 lẫn phục hồi kinh tế.

Hôm 11/08, Tổ chức Hợp tác & Phát triển kinh tế (OECD) thông báo sẽ nâng dự báo GDP (sau khi điều chỉnh lạm phát) của Hàn Quốc từ –1.2% lên –0.8%. Trong khi 37 nền kinh tế thành viên OECD có thể sẽ phải chứng kiến GDP co lại 7,6%. Thậm chí nước Anh còn trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II (– 20,4% trong Quý II và – 11,5% cho cả năm 2020).

Tuy dự báo chỉ là dự báo, và dữ liệu của OECD không hẳn đã chính xác hơn các nguồn khác, nhưng nó vẫn rất đáng tin cậy. Theo đó, Hàn Quốc rõ ràng là đang rất nổi bật. Quốc gia này vốn từ lâu đã trở thành hình mẫu cho các nền kinh tế “đang phát triển”, và giờ còn làm cho những nước “tiên tiến” hơn như Hoa Kỳ, Anh Quốc, … có thêm bài học kinh nghiệm.

.

Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang tại khu phố thương mại Yeonnam ở Thủ đô Seoul. Ảnh: AFP.

Cùng nhìn lại, vào thời điểm cuối tháng 01/2020, Hàn Quốc chính là một trong những ổ COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Nhưng không giống với Italia hay nước Anh , nước này đã ngăn chặn và kiểm soát dịch khá thành công. Ngoài ra, nếu dự báo của OECD là đúng thì sự thu hẹp năm 2020 của kinh tế Hàn Quốc sẽ chẳng là gì so với những thiệt hại mà họ từng hứng chịu trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998. Tại sao một quốc gia phụ thuộc nhiều vào trao đổi ngoại thương lại quản lý khủng hoảng do COVID-19 tốt đến vậy, và các nước khác có thể học hỏi gì từ thành công này?

Ở thời điểm hiện tại, không ai có thể đưa ra lý giải chắc chắn về yếu tố nào đã làm nên sự khác biệt đó. Nhưng có lẽ chính cấu trúc kinh tế và bản sắc của xã hội Hàn Quốc đã mang lại “hoa thơm trái ngọt” cho nước này trong suốt mấy thập kỷ qua. Tháng 02/2020, cả thế giới đều đổ mọi ánh nhìn về “Xứ sở kim chi” khi bộ phim Parasite (ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho giành giải Oscar cho phim hay nhất. Trước đây, xã hội Hàn Quốc thường bị định kiến là quá mộc mạc, nơi người dân bị ám ảnh bởi học vấn và chỉ biết làm việc như những cỗ máy, nhưng thành công nghệ thuật này đã buộc chúng ta phải nghĩ lại. Tuy nhiên, danh hiệu ấy lại được trao giữa lúc đất nước này đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất. Nhưng chỉ sáu tháng sau, Hàn Quốc lại một lần nữa khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.

Xét trên tổng thể, có hai lý do đơn giản giúp Hàn Quốc trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác. Thứ nhất, trong hơn 40 năm qua, đây là nền kinh tế “đang phát triển” hoặc “mới nổi” (emerging) duy nhất cùng với Đài Loan, với quy mô trung bình đến lớn (theo dân số), đã đưa GDP bình quân đầu người từ chỗ không hơn gì châu Phi (thập niên 1960) lên ngang bằng với các nền kinh tế tiên tiến như Tây Ban Nha. Thứ hai, không chỉ trở nên giàu có hơn, Hàn Quốc còn tiến dài trên nấc thang công nghệ. Theo bộ chỉ số phát triển bền vững do Goldman Sachs xây dựng, ngoài việc được xếp trong top 10 quốc gia hàng đầu trên hầu hết các lĩnh vực, Hàn Quốc còn đạt điểm số đặc biệt cao về tiêu chí du nhập và phổ biến công nghệ – thậm chí còn hơn cả Mỹ. Chỉ số này không chỉ bao hàm khía cạnh phát minh hoặc lĩnh vực sản xuất chế tạo đối với một số công nghệ nhất định, chẳng hạn máy tính xách tay, điện thoại di động, … mà cả việc sử dụng chúng. Hàn Quốc ngày nay đang là một xã hội công nghệ cực kỳ chuyên sâu, và chắc chắn điều này đã đóng góp không nhỏ vào sự khác biệt trong bối cảnh đại dịch, nhất là liên quan đến nhiệm vụ giám sát các nguy cơ cục bộ lẫn ngăn ngừa sự lây lan của virus. Ngược lại, ngay đến Vương quốc Anh cũng bị chê trách là thiếu hụt một hệ thống kiểm tra và truy tìm hiệu quả, đơn giản là do không có đủ những công cụ cần thiết cho gần 70 triệu dân.

Là một nền ngoại thương cởi mở, chính phủ Hàn Quốc thường xuyên công bố số liệu xuất/nhập khẩu của mình vào đầu mỗi tháng. Dữ liệu tháng Bảy cho thấy tình hình đã được cải thiện đáng kể – nghĩa là không bị sụt giảm mạnh như mấy tháng trước. Mặc dù điều này là chưa đủ, cũng như không thể báo trước về điều gì đang chờ đợi nền kinh tế toàn cầu sau cơn suy thoái lịch sử, nhưng thành công của Hàn Quốc rõ ràng là một điểm sáng - nếu so sánh với sự bất cẩn và năng lực quản lý khủng hoảng yếu kém ở nhiều nơi, để các nước, trong đó có Việt Nam, nhìn vào và học hỏi.

(*) Tham khảo nhận định của Ngài Jim O’Neill, cựu Bộ trưởng Ngân hàng Anh, cựu Chủ tịch phụ trách mảng quản lý tài sản của Tập đoàn Goldman Sách kiêm Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Chatham House.

1. Project Syndicate, South Korea on Top Again.
2. Project Syndicate, All Eyes on South Korea.