Giờ đây, Giờ đây, nỗi lo sợ lớn nhất của bà đã trở thành hiện thực khi dịch bệnh đã quay trở lại và liên tục tăng dù đến nay đã có tới 60% dân số Chile đã được tiêm chủng một lần và trên 40% đã tiêm chủng đầy đủ. Do vậy, Martínez mong muốn cảnh tỉnh các nước khác chớ mắc phải sai lầm như Chile.
Việc tiêm chủng ở Chile đã diễn ra nhanh chóng. Nguồn: The Conversation.
Thưa bà Martínez, tháng ba vừa qua, Chile mới vui mừng đón danh hiệu vô địch thế giới về tiêm chủng. Vì sao dịch bệnh corona ở Chile đã lan nhanh trở lại?
Tôi phải nói thật là tình hình rất bi đát. Ở ngoài kia, virus đang quay vòng lây nhiễm điên đảo. Khoa Chăm sóc đặc biệt đã lâm vào trạng thái quá tải hoàn toàn, do đó có thể nói là hệ thống y tế Chile đã bị sụp đổ. Các phòng khám giờ đây cũng nhận điều trị bệnh nhân, thậm chí điều trị tại nhà luôn. Nhưng điều đáng nói là điều trị ở nhà hay phòng khám thì không đủ điều kiện để bác sĩ có thể đặt nội khí quản cho bệnh nhân nặng được. Bạn biết đấy, những nơi có đủ điều kiện như các khoa điều trị đặc biệt lại không còn chỗ nữa. Tỷ lệ tử vong của người nhiễm bệnh cao, trong đó có nhiều thanh niên và đau đớn nhất là có cả phụ nữ mang thai.
Virus lây lan mạnh hơn có phải là do biến thể - P1 nguy hiểm chết người từ Brazil lan truyền sang?
Hiện nay chúng tôi không biết biến thể P1 phân bố nhiều đến mức nào ở Chile. Về điều này thì hiện giờ thực sự chúng tôi chưa có số liệu. Tuy nhiên, do nhiều người trẻ và phụ nữ có thai cũng bị lây nhiễm cho nên có thể họ bị lây nhiễm biến thể P1.
Hiện ở Chile, những người 20 tuổi cũng được tiêm chủng, điều đó có tương ứng với tốc độ tiêm chủng đầy ấn tượng ở Chile không?
Chúng tôi biết từ lâu loại vaccine mà chúng tôi đang dùng là vaccine của nhà sản xuất Sinovac (Trung Quốc). Ưu điểm của vaccine này là giúp người tiêm tránh được các trường hợp bị nhiễm Covid-19 nặng, tuy nhiên nó lại không hoàn hảo trong việc hạn chế lây nhiễm virus, điều đó có nghĩa là con virus vẫn có thể tiếp tục lây lan sang người khác (leaky vaccine). Nếu không tuân thủ tốt các quy định phòng chống thì virus có thể lây lan nhanh chóng như ở Chile– và những người chưa tiêm chủng có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng tôi, các chuyên gia về y tế cộng đồng, đã cảnh báo về điều này nhưng người ta không chịu nghe.
Từ cuối tuần trước tại thủ đô Santiago de Chile đã phải thi hành một lần nữa lệnh phong tỏa. Tại sao người ta lại chờ đợi lâu như vậy mới ra quyết định?
Chính quyền còn bận ăn mừng về thành công trong chiến dịch tiêm chủng, đây là một thảm họa về truyền thông đối với khủng hoảng. Người ta phớt lờ các nguy cơ. Mới đây, những người đã tiêm chủng đủ hai mũi đã nhận được giấy thông hành đi lại tự do. Nhưng làm sao có thể kiểm soát được tất cả những người đang đi lại như mắc cửi trên đường phố. Mọi người thật sự đã oải lắm rồi sau quãng thời gian chống dịch. Do đó, tôi thấy biện pháp phong tỏa cũng không thực sự có hiệu quả lắm.
Soledad Martínez là chuyên gia về y tế cộng đồng và hiện đang giảng dạy tại Đại học Chile. Bà làm luận án tiến sỹ tại Đại học California ở Berkeley về chủ đề chính sách y tế và là cố vấn của chính phủ Chile về số hóa Hệ thống Y tế công cộng. Trong đại dịch corona, bà đã tổ chức các khóa đào tạo về chủ đề theo dõi truy vết kỹ thuật số.
Theo bà, vấn đề sau tiêm chủng có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ La tinh và thế giới?
Tại đây, nhiều nước dùng chủ yếu vaccine Sinovac, tại Brazil cũng vậy. Việc tiêm chủng này bảo vệ được đối với mỗi cá nhân, điều đó chúng tôi biết ơn. Nhưng chúng tôi đã tính toán lại, với Sinovac thì không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong dân chúng, ngay cả khi mọi người đều tiêm chủng đầy đủ thì cũng không thể. Về lý thuyết, người ta phải tiến hành xác minh ai không tạo ra được đầy đủ kháng thể thì sẽ phải tiêm chủng với một loại vaccine khác. Nhưng điều này phi thực tế.
Do đó, tình trạng này có nghĩa là chúng tôi ở lục địa này sẽ còn khốn khổ chống chọi với con virus này nhiều năm nữa. Tôi hy vọng ba năm tới, Chile đạt được cái mà hiện nay Australia hay New Zealand đã đạt được, nghĩa là người ta phát hiện sớm các ca lây nhiễm lẻ tẻ để rồi chặn đứng được chuỗi lây lan.
Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu?
Điều đầu tiên mà thế giới phải thừa nhận rằng, không phải cứ tiêm chủng là thật sự hiệu quả, ở đây cũng có vấn đề về công nghệ. Các loại vaccine virus vector và vaccine mRNA có khả năng ngăn ngừa virus lây lan tốt hơn, điều này tạo ra một sự khác biệt lớn. Loại vaccine được phát triển trên công nghệ sau đặc biệt dễ thích ứng với các biến thể mới. Do đó, cả thế giới cần công nghệ mRNA. Vấn đề là phải làm sao để mọi người tiếp cận được với nó. Chống dịch là vấn đề toàn cầu. Trên bình diện thế giới hiện quá thiếu vaccine. Điều này càng khẩn thiết hơn nếu chúng ta nghĩ tới tình trạng vaccine chưa đủ hạn chế virus lây nhiễm.
Các nước khác có thể học được gì từ Chile?
Chuyện xảy ra ở Chile thực sự là một ví dụ tiêu cực, xin đừng ai làm như Chile. Do đó tôi chỉ có thể cảnh báo, mong rằng không một nước nào trên thế giới còn nghĩ là mọi chuyện đã tai qua nạn khỏi mà xao nhãng các biện pháp đề phòng, ví dụ xin đừng bỏ khẩu trang. Do luôn hình thành các biến thể mới cho nên miễn dịch cộng đồng cũng có giới hạn về thời gian và không gian. Tôi cũng chưa rõ là liệu Mỹ hay châu Âu có đạt được điều đó hay không. Ngay cả nước Anh giờ đây lại bị tràn lan lây nhiễm biến thể delta của Ấn Độ đây là một minh chứng để tôi không dám quá lạc quan.
Mọi người đều muốn trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều người hy vọng với việc tiêm phòng, họ sẽ lại được sống như trước đây.
Điều đó rất dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta phải thông báo rõ ràng rằng chỉ tiêm vaccine không thôi thì chưa đủ. Đây là mô hình như pho mát Thụy Sĩ với nhiều lỗ, thuốc tiêm chủng là một lớp pho mát, chúng che được một số lỗ nhưng để bịt được càng nhiều kẽ hở càng tốt để ngăn chặn lây lan cần phải có các biện pháp khác về ngăn cách xã hội, cách ly, theo dõi các chuỗi lây nhiễm và giám sát toàn cầu đối với các đột biến mới. Trên hết, trong tương lai, chúng ta phải có khả năng phản ứng rất nhanh nếu một nguồn lây nhiễm phát sinh ở đâu đó hoặc một biến thể mới xuất hiện. □