Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), chỉ có bằng cách làm cho thông tin từ quá trình học tập đủ khả năng trở thành chủ đạo trong quá trình tuyển sinh đầu cấp thì mới giảm được gánh nặng lên kỳ thi tuyển như hiện nay và giúp các trường tự chủ, bám sát thực tế trong định hướng tuyển sinh.

Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có nhiều trường học được thực hiện đầy đủ việc tự chủ tuyển sinh. Tức là, một số ít các trường học được xác định tiêu chuẩn, số lượng học sinh cần tuyển; phương thức tuyển; tiến hành tuyển sinh; chịu trách nhiệm với kết quả tuyển sinh và quá trình giáo dục học sinh. Hầu hết các trường còn lại được giao chỉ tiêu số lượng tuyển sinh và thực hiện một số phần việc trong khâu tuyển sinh như: tổ chức thi; tiếp nhận hồ sơ; tiếp nhận thông tin phúc khảo, khiếu nại.

Bài viết này dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm thiết kế hoạt động tuyển sinh cho một số trường học của tác giả để trình bày một số ý kiến về việc nâng cao năng lực tuyển sinh cho nhà trường phổ thông trong mối quan hệ với nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Phụ huynh đội nắng đứng chờ trong khi con làm bài thi vào lớp 6 của một trường THCS tư thục ở Hà Nội, tháng 7/2020. Ảnh: vtv.vn

Ba mức độ năng lực tuyển sinh

Theo thông tư 32/2020 do Bộ GD&ĐT ban hành, tuyển sinh là nhiệm vụ thứ 3 trong 12 nhiệm vụ của nhà trường phổ thông được quy định tại Điều 3: “Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Theo đó, nhiệm vụ tuyển sinh của mỗi trường học liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sứ mệnh phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh của địa phương và có mối quan hệ với chất lượng giáo dục của nhà trường (thông thường được hiểu là trường có chất lượng tốt sẽ có quyền tuyển sinh những học sinh có thành tích, kết quả học tập cao), … Nhưng xét trên diện rộng thì tuyển sinh còn có vai trò rất to lớn khi nó chính là hoạt động kết nối và rèn luyện phát triển cho cả bộ máy và những đối tượng liên quan hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, nhà trường cần tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, có thể phân theo thời gian:

- Trước tuyển sinh: Các hoạt động định hướng người học theo các tiêu chí mà nhà trường muốn học sinh đạt được dựa trên triết lí giáo dục mà nhà trường theo đuổi, như: trải nghiệm hoạt động giáo dục, học thử chương trình, tìm hiểu lịch sử nhà trường, giao lưu với người học, cựu học sinh, …

- Tuyển sinh: Phát hành hồ sơ, thu hồ sơ, tiến hành tuyển sinh (thi, xét tuyển, chấm điểm), công bố kết quả, phúc khảo/ khiếu nại về kết quả thi.

- Sau tuyển sinh: Các hoạt động nhằm rèn luyện thái độ, phẩm chất và những kĩ năng nhận thức, thực hành hành vi theo định hướng mà nhà trường xác định trong chương trình giáo dục như: học tập trong tuần lễ công dân, những hoạt động cộng đồng, xác định mục tiêu học tập, xây dựng những cam kết, quy trình thực hiện giáo dục giữa nhà trường – gia đình,…

Nghiên cứu của chúng tôi về năng lực tự chủ của trường THPT (trong khuôn khổ dự án THPT giai đoạn 2, Bộ GD&ĐT) đã tìm hiểu thực tiễn nhà trường hiện nay và cho thấy, có thể phân năng lực tuyển sinh của các nhà trường theo các mức sau:

Mức 1: Được tuyển sinh theo chỉ tiêu thực hiện công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tại địa phương, bao gồm:

- Lập kế hoạch tuyển sinh theo đúng công văn do Phòng/ Sở GD&ĐT ban hành;
- Bố trí nhân sự thực hiện các công việc theo kế hoạch đã lập ra;
- Chỉ đạo tuyển sinh theo số lượng, quy trình đã được Phòng/ Sở GD&ĐT cho phép và hướng dẫn;
- Đánh giá lại quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm.

Mức 2: Được quyết định số lượng tuyển sinh và không hạn chế khu vực tuyển sinh; quyết định phương án tuyển sinh theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Thành lập ban tuyển sinh;
- Khảo sát nhu cầu của phụ huynh, xác định đối tượng phụ huynh, học sinh cần hướng đến;
- Xây dựng kế hoạch, chiến lược tuyển sinh gắn với nhu cầu của phụ huynh và học sinh tại địa bàn;
- Tổ chức xin ý kiến tư vấn về kế hoạch và chiến lược đã xây dựng;
- Hoạch định số lượng tuyển sinh, thuyết minh để có số lượng tuyển sinh theo năng lực đáp ứng của nhà trường;
- Tổ chức nhân sự thực hiện quá trình tuyển sinh;
- Mở rộng sang đối tượng phụ huynh ở các địa bàn khác.

Mức 3: Ngoài các nội dung có ở mức 2, nhà trường còn chủ động đề xuất tiêu chí, số lượng, cách thức tuyển sinh và thực hiện, chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình tuyển sinh.

Một công việc cần được đầu tư bài bản

Tuy nhiên, trên thực tế, trừ hệ thống các trường tư thục với quy mô lớn, thì nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng bộ máy tuyển sinh, nghiên cứu tiêu chí tuyển sinh và cách thức tuyển sinh bài bản. Lí do, đây là một công việc đòi hỏi sự đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm đội ngũ chuyên môn về đo lường đánh giá trong giáo dục và các chuyên môn về xã hội học, kinh tế học, … để nghiên cứu tiêu chuẩn, tiêu chí, phương thức tuyển sinh, tâm lý khách hàng, điều kiện thực hiện,… và đầu tư nhân lực, vật lực trong thử nghiệm và thực thi. Đó là những yêu cầu khoa học và khá tốn kém.

Trong những năm gần đây, hoạt động tuyển sinh diễn ra rất sôi động ở các trường phổ thông khu vực đô thị, nhất là tuyển sinh đầu cấp. Phổ biến có các hình thức tuyển sinh như sau: thi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý; thi bằng đề riêng, tập trung vào đánh giá kiến thức; thi kết hợp kiến thức và các tiêu chí năng khiếu, kĩ năng mềm, hồ sơ học tập; xét tuyển dựa trên các định hướng giáo dục (ví dụ đo lường tâm trắc học theo lý thuyết đa trí tuệ, trên hồ sơ gia đình và sản phẩm trải nghiệm,…).

So với thi tuyển bằng các bài kiểm tra kiến thức thì các hình thức tuyển sinh khác như: xét hồ sơ, phỏng vấn, trải nghiệm,… rất ít được sử dụng.

Đối với hình thức xét hồ sơ học sinh, mặc dù được nhiều trường học ở các nước phát triển sử dụng, nhưng lại chưa phổ biến ở Việt Nam bởi nó đòi hỏi hồ sơ học sinh phải có thông tin dày dặn, tin cậy. Học bạ của học sinh Việt Nam còn sơ sài; phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập còn ít được dùng trong quá trình giáo dục. Do đó, thông tin về học sinh phổ thông chưa đủ tin cậy để đáp ứng các tuyển sinh đầu cấp.

Những năm gần đây, một số trường học đã bắt đầu sử dụng hình thức trải nghiệm để tuyển sinh. Học sinh sẽ tham gia các hoạt động học tập của nhà trường trong một thời gian. Thông qua quá trình trải nghiệm đó, nhà trường có thể xét tuyển những học sinh đáp ứng yêu cầu. Để làm được điều này, số lượng học sinh ứng tuyển không được quá nhiều, nguồn lực tổ chức trải nghiệm của nhà trường cũng cần thỏa mãn những điều kiện nhất định, đặc biệt chương trình học tập phải có nét riêng, như vậy mới hấp dẫn học sinh tham gia.

Việc tuyển sinh bằng phỏng vấn cũng được thực hiện ở các trường có số lượng học sinh ứng tuyển ít.

Ở Việt Nam, do mô hình trường phổ thông công lập chiếm tỉ lệ lớn, các trường này được phân quyền tuyển sinh bởi các cơ quan quản lý. Cơ quan khảo thí chuyên nghiệp ở Việt Nam còn rất ít, nhân lực mỏng nên việc nghiên cứu đề thi, cách thức thi chưa được chú trọng và đầu tư để thực hiện trên diện rộng. Do đó, các địa phương vẫn chủ yếu sử dụng hình thức tổ chức các kỳ thi tập trung để phân luồng học sinh là chính. Trong khi đó, nhờ chủ trương xã hội hóa, nhiều mô hình trường học với chương trình, nội dung, phương thức đào tạo có nét riêng được phép hình thành, và phương thức tuyển sinh của các trường này thu hút được lượng lớn ứng viên. Chẳng hạn, có nhiều trường tư thục tiến hành tuyển sinh vào lớp 1 với một quy trình khắt khe, tỉ lệ “ứng viên” rất cao, nhưng ngay từ tháng 3 hằng năm đã tuyển xong học sinh cho năm học mới (bắt đầu vào tháng 9). Hay các trường THCS, THPT chất lượng cao cũng thu hút được nhiều học sinh tham gia thi tuyển, có những trường với chỉ tiêu khoảng 200 học sinh đã thu hút gần 4.000 thí sinh dự thi,… Để vào được những trường này, học sinh thường phải được gia đình tạo điều kiện luyện thi kỹ lưỡng, và tham gia thi nhiều trường,… Hệ quả là, việc học của các em có phần lệch lạc, ngay từ khi còn nhỏ đã phải chú trọng học để thi, và bỏ quên rèn luyện các nội dung khác góp phần đảm bảo phát triển toàn diện trí lực, thể lực,…

Làm gì để nâng cao năng lực tuyển sinh?

Xét trên bình diện quản lý hệ thống, để tuyển sinh đa dạng, hiệu quả, và phù hợp với thực tiễn thì quá trình giáo dục cần có sự thay đổi tích cực. Trước hết, cần làm cho đánh giá quá trình trở thành phương thức chủ đạo trong đánh giá học sinh. Nghĩa là các thông tin từ quá trình học tập của học sinh cần được lưu trữ, lượng hóa, và trở thành căn cứ quan trọng nhất khi ra quyết định đánh giá về học sinh đó. Thông tin từ quá trình học tập cũng trở thành chủ đạo để xét tuyển sinh đầu cấp. Khi đó, sẽ giảm được gánh nặng lên kỳ thi tuyển và giúp các trường tự chủ, bám sát thực tế trong định hướng tuyển sinh.

Xét trên phạm vi mỗi nhà trường, năng lực tuyển sinh của họ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan là thực hiện phân cấp, phân quyền của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, xét về chủ quan, nhà trường luôn có thể nâng cao năng lực tuyển sinh vì cùng một phạm vi quyền hạn, mỗi trường có chất lượng giáo dục khác nhau, chịu ảnh hưởng bởi chất lượng tuyển sinh.

Qua phân tích về mức độ năng lực tuyển sinh, nhà trường có thể nâng cao năng lực tuyển sinh cho mình bằng cách trước hết, nhận thức đúng về vai trò của công tác tuyển sinh để khảo sát nhu cầu của phụ huynh, xác định đối tượng phụ huynh, học sinh cần hướng đến; xây dựng kế hoạch, chiến lược tuyển sinh gắn với nhu cầu của phụ huynh và học sinh tại địa bàn. Hay nói cách khác, tiêu chí tuyển sinh phải dựa trên mục tiêu, chương trình giáo dục của nhà trường. Nhà trường có mục tiêu giáo dục học sinh trở thành người như thế nào thì sẽ tuyển những học sinh có mong muốn, có khả năng, và có thể rèn luyện, học tập cùng nhà trường để đạt mục tiêu đó; đồng thời phụ huynh cũng sẵn sàng đồng hành cùng với nhà trường để thực hiện quá trình giáo dục đó.

Bên cạnh đó, thiết kế các hoạt động tạo mạng lưới kết nối hỗ trợ công tác giáo dục, nhất là tập trung làm tốt các hoạt động trước tuyển sinh và sau tuyển sinh. Việc này đòi hỏi nhà trường phải thu hút và phối hợp được với các tổ chức, đơn vị liên quan (hội cựu học sinh, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội,… ở địa phương) trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh (bao gồm cả các học sinh tương lai của trường).

Một lời khuyên của các hiệu trưởng đã thành công về công tác tuyển sinh, đó là: hãy giáo dục học sinh trước khi các em trở thành học sinh của trường mình. Việc này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động như: tổ chức hoạt động trải nghiệm, học thử, thu hút học sinh/ gia đình các em tham gia các dự án với của trường, …

Nếu làm được những việc như vậy, chắc chắn “sức nóng” của hiện tượng “mùa thi đầu cấp” sẽ không còn như hiện nay.

Trừ hệ thống các trường tư thục với quy mô lớn thì nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng bộ máy tuyển sinh, nghiên cứu tiêu chí tuyển sinh và cách thức tuyển sinh bài bản. Lí do, đây là một công việc đòi hỏi sự đầu tư chuyên nghiệp.