Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài, việc phong PGS, GS cần tách biệt giữa trường công lập và trường tư thục. Bên cạnh đó, thang bậc thăng tiến trong giảng dạy và nghiên cứu tại đại học nên được rút ngắn lại chứ không thể tuần tự 12 bậc lương công chức như hiện nay.



PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc phong PGS,GS cần tách biệt giữa trường công lập và trường tư thục.

Với trường đại học tư thục, thì nên để họ tự chủ hoàn toàn việc bổ nhiệm (chứ không phải là phong) PGS, GS nếu họ bổ nhiệm tràn lan, và bổ nhiệm những người kém cỏi thì họ sẽ tự bị đào thải bởi thị trường.

Với các trường đại học công lập, Bộ GD &ĐT nên để các trường tự xét duyệt, tuyển dụng, bổ nhiệm PGS, GS nhưng có thể ra một quy định về sàn (ví dụ tối thiểu bao nhiêu công trình, hoặc như quy định hiện nay; vì thực tế như năm nay cho thấy các hội đồng ngành đã không làm tốt nhiệm vụ sàng lọc của mình, và không chỉ lần đầu), và hơn nữa cần ra quota khống chế số lượng GS, PGS, ví dụ số GS chỉ chiếm không quá 10% giảng viên, số PGS chiếm không quá 30% số giảng viên với quy định về trách nhiệm và quyền hạn cụ thể (và có kiểm tra sau khi bổ nhiệm tránh tình trạng PGS, GS suốt đời, sau khi được bổ nhiệm chính thức rồi thì lười biếng).

Việc giới hạn quota để tránh vỡ quỹ lương (như một số viện của ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay sắp hết giảng viên để phong PGS vì sắp PGS hết cả rồi), vừa để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng bên trong và ngoài đơn vị (lựa chọn ứng viên cạnh tranh để phong PGS, GS do số quota là cố định) và tạo ra sự lưu chuyển trí thức giữa các đại học công lập (tư thục) (ứng viên A nếu không lên được PGS, GS ở trường này có thể ứng cử PGS, GS ở trường công lập khác hoặc trường tư thục).

Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đóng vai trò thanh kiểm tra quá trình bổ nhiệm PGS, GS của các trường. Ngoài ra, việc cải tổ thang bậc thăng tiến ở đại học cũng là điều cấp thiết để cải thiện chất lượng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu tại các đại học Việt Nam; điều mà ngay cả một quốc gia có cùng thể chế và đặc điểm xã hội với chúng ta là Trung Quốc đã làm từ lâu rồi (bắt đầu từ thời Hồ Diệu Bang, sau đó là Chu Dung Cơ).

Thang bậc thăng tiến trong giảng dạy và nghiên cứu tại đại học của Việt Nam nên được rút ngắn lại chứ không thể tuần tự 12 bậc lương công chức như hiện nay (dù gần đây có ghi nhận là nhà nước đã thay đổi để PGS, GS có thể “nhảy cóc” lên 6.0). Trong thang bậc thăng tiến chỉ nên có trợ giảng, giảng viên/giảng viên chính (assistant professor) - mà điều kiện tiên quyết từ bậc này phải là có bằng TS, PGS, GS.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hoài (Viện trưởng Viện NC&PT Công nghệ thông tin, ĐH Hà Nội)