Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam nhằm thay thế Nghị định 242/HĐBT. Dự thảo gồm 4 chương, 30 điều.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấp phép, văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học; đình chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép, văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
2 hình thức cấp phép

Theo dự thảo, việc cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam được thực hiện bằng hai hình thức sau đây: 1-Cấp giấy phép nghiên cứu khoa học; 2- Cấp văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học.

Giấy phép nghiên cứu khoa học được cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong trường hợp tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam.

Văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học được cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong trường hợp tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học trong cả nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì trong giấy phép nghiên cứu khoa học trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam bao gồm cả nội dung chấp thuận nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Theo dự thảo, thời hạn của giấy phép, văn bản chấp thuận nghiên cứu khoa học được xác định căn cứ vào mục tiêu và nội dung nghiên cứu theo hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học nhưng tối đa không quá 2 năm và được gia hạn một lần tối đa không quá 1 năm.